Vì sao không thể xử lý được ngư dân vi phạm nhiều lần?

Có ngư dân bị bắt vài lần ở nhiều nước khác nhau, nhưng ngư dân dường như vẫn vô can và không bị pháp luật xử lý cũng như chịu trách nhiệm về hình sự trước hành vi của mình.

Đây là vấn đề “kẹt” trong việc xử lý ngư dân đang được bàn thảo tại nhiều hội nghị ở các tỉnh.

Các tổ chức nước ngoài đứng ra hỗ trợ ngư dân bị bắt ở Nouvelle-Calédonie

Nhiều chủ nậu hỗ trợ cho ngư dân đến 80% chi phí đóng tàu, có tham gia bàn bạc với ngư dân đưa tàu ra nước ngoài khai thác các loại hải sản đắt tiền và sẽ thu mua, trừ dần số tiền chi phí đóng tàu. Đó là một thực trạng đang xảy ra tại các địa phương. Xác định đối tượng môi giới, chủ nậu là những người đã có dấu hiệu tiếp tay cho ngư dân ra nước ngoài đánh bắt để thu mua đối lưu hải sản có chất lượng cao, Công an tỉnh Bình Định đã quyết định triệt tận nguồn, tiến hành lập chuyên án TX 58. Đó là thông tin được Đại tá Trần Huy Giáp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định đưa ra trong một cuộc họp gần đây.

Chuyên án đã phát hiện các chủ nậu ở Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang đã móc nối với quan chức các nước và hợp đồng cho số hiệu và thỏa thuận giá, sau đó cấp cờ cho ngư dân, mở hợp đồng mỗi chuyến đánh bắt đóng góp 140 triệu đồng. Nhưng chuyên án sau này đã gặp khó khăn và phải tạm đình chỉ vì nhiều lý do. Đó là khi báo cáo Bộ Ngoại giao thì cho biết, “tọa độ ngư dân vi phạm chưa hẳn đã là lãnh thổ nước ngoài, khả năng vùng chồng lấn, chưa được phân định”.

Thực tế, nếu mở bản đồ có tỉ lệ lớn và xem lại các tọa độ của nhiều đảo trên biển Đông thì mới thấy, đó là một sự đan xen, chồng chéo rất lớn giữa các đảo mà các nước đang tuyên bố chủ quyền. Tỉnh Bình Định đang phát hàng ngàn tờ rơi cho ngư dân, trong đó có vẽ hình ảnh phân định về khu vực được đánh bắt. Nhưng nếu nhìn hình ảnh này thì chính ngư dân cũng không thể nào phân biệt được chỗ nào nên đi, chỗ nào thì tránh. Thậm chí bản đồ này còn vẽ đường cắt giữa các đảo, các khu vực, vì tấm bản đồ nhỏ, không thể vẽ được chi tiết các tọa độ.

Trong các cuộc họp có sự tham gia của Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo Đề án tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021, các đại biểu đã báo cáo những khó khăn trong quá trình xử lý ngư dân vi phạm. Đó là khi số tàu bị bắt giữ thì tàu bị thu, ngư dân ở tù, thuyền trưởng trở về thì được đưa vào diện hộ nghèo vì tàu bị thu, lâm cảnh nợ nần chồng chất.

Bên cạnh đó là các ngư dân ra tòa tại các nước nhưng không có đại diện của cơ quan Ngoại giao Việt Nam bảo hộ, nên không lưu được hồ sơ, không mang bất cứ tài liệu nào về Việt Nam để có căn cứ xử lý tiếp theo. Muốn xử lý ngư dân thì phải có những chứng cứ cụ thể, tang vật vi phạm.

Tỉnh Bình Định quy định, địa phương nào có tàu cá vi phạm thì kiểm điểm từ cấp ủy thôn, xã của địa phương đó

Ràng buộc khó nhất là nguyên tắc pháp luật. Tại điều 31 Hiến pháp 2013 và Điều 14 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có quy định nguyên tắc không ai bị kết án 2 lần bởi một tội phạm. Đồng thời nguyên tắc này cũng được hiểu một người không thể bị kết án bởi nhiều loại tội phạm khác nhau cho cùng một hành vi phạm tội, trừ khi các loại tội phạm này khác nhau hoàn toàn.

Trong thực tế, những năm đầu ngư dân bị bắt ở Australia, nhà chức trách vì vấn đề nhân đạo xử lý ngư dân rất nhẹ. Các ngư dân được tham quan, đi lại thoải mái, được hỗ trợ một ít tiền và cho vé máy bay về nước, thuyền trưởng bị phạt tù vài tháng. Hình phạt nhân đạo này thực tế không đủ sức răn đe đối với ngư dân.

Để xử lý nhóm tội của ngư dân vi phạm thì Việt Nam và các nước phải ký kết những thỏa thuận về mặt tư pháp. Nếu xử lý tội xuất cảnh trái phép cũng cần chứng cứ được cung cấp từ các nước chứ không thể chỉ dựa vào lời khai của ngư dân.

Thiếu tướng Lê Như Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nói: “Đối với việc xác minh ngư dân vi phạm thì trên bờ đã khó rồi, trên biển càng khó khăn hơn, nhưng nếu không điều tra dứt điểm và để kéo dài thì họ tiếp tục vi phạm, nên cần cương quyết, xử lý, cảnh cáo trước dân để chấm dứt. Bà con vươn khơi bám biển nhưng phải luôn có ý thức, không được để mất vị thế, danh dự của người Việt Nam.

Thực hiện Chỉ thị 03 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về một số biện pháp cấp bách ngăn chặn ngư dân vi phạm vùng biển của nước ngoài đánh bắt, Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi đã xử phạt vi phạm hành chính 1 tỷ đồng đối với 17 tàu cá vi phạm và tước giấy phép hành nghề từ 3 đến 6 tháng đối với các tàu này.

HÀ ANH

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/vi-sao-khong-the-xu-ly-duoc-ngu-dan-vi-pham-nhieu-lan-post207597.html