Vì sao không tạm giam người đánh tài xế ở đường Khuất Duy Tiến?

Cơ quan điều tra nhận định Vũ Ngọc Long phạm tội ít nghiêm trọng, hành vi không có tính chất côn đồ nên áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Công an quận Thanh Xuân, TP Hà Nội vừa khởi tố bị can đối với Vũ Ngọc Long (48 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) về tội Cố ý gây thương tích.

Ngoài ra, ông Long bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú vì đánh một tài xế trên đường Khuất Duy Tiến.

Nói về việc không bắt tạm giam bị can, lãnh đạo Công an quận Thanh Xuân cho biết hành vi của Long là bột phát, không có tính chất côn đồ. Nhận định hành vi phạm tội này ít nghiêm trọng, cơ quan điều tra không bắt tạm giam bị can.

 Bị can Vũ Ngọc Long tại cơ quan công an. Ảnh: L.N.

Bị can Vũ Ngọc Long tại cơ quan công an. Ảnh: L.N.

Theo dõi sự việc, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) cho rằng việc không bắt tạm giam ông Long là có cơ sở pháp lý.

Trích dẫn quy định tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, ông Giáp cho biết tạm giam được áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

Nếu bị can phạm tội ít nghiêm trọng, biện pháp tạm giam chỉ được áp dụng nếu họ thuộc trường hợp như đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; không có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng; có dấu hiệu bỏ trốn, bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hay tiếp tục phạm tội, có dấu hiệu tiếp tục phạm tội.

Về trường hợp của Vũ Ngọc Long, công an cho biết bị can có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng, không có dấu hiệu bỏ trốn, tiếp tục phạm tội hoặc thuộc trường hợp nào tại khoản 2 điều này. Do đó, việc không bắt tạm giam Long là có căn cứ.

Đại diện cơ quan điều tra cho biết hành vi của Long chỉ là bột phát, không có tính chất côn đồ. Ảnh cắt từ clip.

Luật sư Giáp cũng cho biết hành động "có tính chất côn đồ" được hiểu là hành động của những người coi thường pháp luật, luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích dùng vũ lực để khuất phục, uy hiếp, xâm phạm sức khỏe, tính mạng người khác một cách vô cớ.

Trong trường hợp này, nếu xác định anh P.T.A. (người bị đánh) tới nhắc nhở nhẹ nhàng, lịch sự nhưng Long lại thách thức, đe dọa rồi hành hung thì có thể xác định hành vi của bị can tuổi có tính chất côn đồ.

Tuy nhiên, sau khi nhắc nhở và bị phản ứng, anh A. đã to tiếng, sử dụng từ ngữ nhạy cảm để nói về Long. Điều này khiến Long bức xúc, cảm thấy bị xúc phạm và dẫn tới hành động đánh người.

Do đó, luật sư cho rằng chưa đủ căn cứ để xác định hành vi của Long có tính chất côn đồ để truy tố bị can theo quy định tại Khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.

Tối 31/12, ôtô của Vũ Ngọc Long gặp sự cố khi đi tới lối quay đầu gần ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi. Lúc này, anh T.A. (điều khiển ôtô phía sau) tới nói chuyện thì hai bên xảy ra xô xát.

Cảnh sát xác định Long đã dùng tay, chân đánh anh T.A. Ngày 3/1, Công an quận Thanh Xuân xác định Long đang ở Lào Cai nên yêu cầu người này tới đơn vị để làm việc.

Ngày 22/1, cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự Cố ý gây thương tích. Ba ngày sau, Vũ Ngọc Long bị khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-khong-tam-giam-nguoi-danh-tai-xe-o-duong-khuat-duy-tien-post1177287.html