Vì sao không ít người cai nghiện ma túy tại cộng đồng tái nghiện?

Nhiều hệ lụy liên quan đến trật tự, an toàn xã hội đã được Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ- TBXH) đưa ra tại hội thảo 'Chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống tệ nạn xã hội và định hướng công tác điều trị cai nghiện trong tình hình mới' tổ chức sáng 31- 5.

Theo thông tin từ Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, tình trạng sử dụng ma túy diễn biến phức tạp, số người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, thậm chí ở các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nam Bộ, tỷ lệ nghiện ma túy tổng hợp lên đến 90- 95% trong tổng số những người nghiện.

Đối tượng sử dụng đang trẻ hóa

Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đưa ra con số đáng báo động về tình trạng người nghiện ma túy tổng hợp đang gia tăng hiện nay. Theo đó, các đối tượng này chiếm khoảng 70-75% tổng số người nghiện. Thậm chí một số địa phương phía Nam, tỷ lệ này lên đến 90- 95%.

Tình trạng mua bán, sử dụng ma túy đang gây ra nhiều hệ lụy, mất trật tự an toàn xã hội.

Tình trạng mua bán, sử dụng ma túy đang gây ra nhiều hệ lụy, mất trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập còn đưa ra nhiều cảnh báo khác hết sức quan ngại như: Đối tượng nghiện ma túy tổng hợp ngày càng trẻ hóa; tình trạng người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến, bị ảo giác, mất kiểm soát; gây ra các vụ án giết người vô cớ, khiến cộng đồng bức xúc, lo lắng.

“Do sử dụng ma túy tổng hợp ở Việt Nam đang trẻ hóa đã làm băng hoại đời sống, đạo đức, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Có những vụ sau khi sử dụng các chất ma túy này đã thành thảm họa ví dụ như vụ chết 7 người trẻ do sử dụng ma túy tổng hợp tại Công viên Hồ Tây năm trước hay như các vụ tai nạn giao thông thảm khốc vừa qua, những người gây tai nạn cũng có một phần ảnh hưởng do sử dụng ma túy.

Trong khi đó, có một thực tế là tình trạng buôn bán, vận chuyển ma túy ở Việt Nam hiện nay lại đang ngày càng tinh vi. Trước đây những vụ bắt giữ số lượng còn ít nhưng như vừa qua, số lượng trong các vụ bắt giữ lên đến hàng tạ, hàng tấn”, ông Nguyễn Xuân Lập cho biết.

Dù số người nghiện đang có chiều hướng tăng, nhưng công tác cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai đang gặp nhiều bất cập. Cả nước có 105 cơ sở cai nghiện công lập, công suất thiết kế cho hơn 54.000 người cai nghiện. Trong đó có 6 cơ sở có chức năng cai nghiện bắt buộc (Hà Nội 3 cơ sở; Thành phố Hồ Chí Minh 3 cơ sở), còn lại là các cơ sở cai nghiện đa chức năng.

Hiện các cơ sở này đang điều trị, cai nghiện cho 38.441 người nghiện; trong đó có 26.494 học viên cai nghiện theo quyết định của tòa án; 3.923 học viên cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập; 4.563 người cai nghiện tại cơ sở xã hội và hơn 3.400 người cai nghiện tại cơ sở ngoài công lập.

“Tại nhiều nơi, nhất là ở phía Bắc, các cơ sở cai nghiện này trong tình trạng ít học viên nhưng tại phía Nam, một số cơ sở cai nghiện lại quá tải, đặc biệt là tại một số khu tiếp nhận, tổ chức cai nghiện cho học viên bắt buộc”, ông Nguyễn Xuân Lập cho biết.

Nhiều địa phương vẫn thờ ơ

Tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp đang diễn biến rất phức tạp nhưng theo thừa nhận của ông Nguyễn Xuân Lập, công tác cai nghiện hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, phải kể đến nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí cho cai nghiện tại cộng đồng, để tổ chức các điểm tư vấn, điều trị cắt cơn, các cơ sở cai nghiện được xây dựng nhiều năm nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa.

“Cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa thật sự thống nhất về quan điểm quản lý đối với người nghiện ma túy.

Có quan điểm cần phải đưa hết vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong khi Đề án đổi mới công tác cai nghiện đã được Thủ tướng phê duyệt là hướng tới chủ yếu cai nghiện tự nguyện và tại cộng đồng”, ông Lập cho biết. Đặc biệt, nhiều địa phương không cân đối được ngân sách và không bố trí kinh phí cho công tác này, nhất là cấp huyện, xã.

Ở hầu hết các địa phương thực hiện cai nghiện tại cộng đồng đều không có cơ sở dạy nghề để tổ chức truyền nghề, đào tạo việc làm, phục hồi và quản lý sau cai nghiện. Do đó, trên 90% đối tượng cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đều tái nghiện

Là người từng sử dụng ma túy và đã đoạn tuyệt được với “cái chết trắng” nên ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch quản lý Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD), rất tâm huyết với các dự án mà PSD đang triển khai thực nhiện nhằm giúp những người nghiện ma túy trở lại được với cộng đồng.

Ông Lê Trung Tuấn chia sẻ việc cai nghiện ma túy thành công phần lớn phụ thuộc vào ý chí, sự quyết tâm của học viên. Gia đình đóng góp môt phần không hề nhỏ vào sự thành công của học viên. Vì vậy, trong suốt quá trình trị liệu, luôn có những hoạt động chia sẻ giữa chuyên gia trị liệu và thân nhân của học viên. Vì thế PSD gắn kết mối lại quan hệ trong gia đình đã trở nên lỏng lẻo bởi ma túy.

“Với sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng của các loại ma túy mới gây ra những tổn thương nghiêm trọng về tâm thần cho người sử dụng. Viện PSD đã liên kết với Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương để chuyển gửi những trường hợp có rối loạn tâm thần sang điều trị.

Sau khi học viên điều trị ổn định tại bệnh viện sẽ được chuyển về để tiếp tục tham gia trị liệu chống tái nghiện ma túy”, ông Lê Trung Tuấn cho biết. Hiệu quả của mô hình này được thể hiện bằng việc, tại dự án đang triển khai tại tỉnh Hòa Bình, đã có 60/90 học viên trong một thời gian dài không trở lại với ma túy. “Hiệu của mô hình này đã được thấy rõ, tuy vậy công tác triển khai còn khó khăn”, ông Tuấn chia sẻ.

Để đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, thời gian tới, bên cạnh tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về công tác cai nghiện ma túy, nhất là sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính về các chính sách liên quan đến lĩnh vực ma túy, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội sẽ tiếp tục xây dựng triển khai thí điểm các mô hình cai nghiện ma túy, trong đó có cai nghiện chất dạng thuốc phiện bằng đông y; nghiên cứu thí điểm mô hình “Tòa án ma túy”, hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội; hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/vi-sao-khong-it-nguoi-cai-nghien-ma-tuy-tai-cong-dong-tai-nghien-547520/