Vì sao không còn nhiều người làm tiến sĩ?

Dù chỉ tiêu không nhiều nhưng các trường đại học đều không tuyển đủ người học ở trình độ tiến sĩ. Tình trạng này đang diễn ra với cả các trường đại học lớn.

Hội thảo Thí điểm đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức trong tháng 9.2018 - Ảnh: Bảo Hân

Không trường nào tuyển đủ

Thêm mô hình tiến sĩ ứng dụng

Bên cạnh chương trình đào tạo tiến sĩ hàn lâm, một số trường ĐH dự kiến tuyển sinh thêm chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp. ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến thí điểm mô hình này dành cho đối tượng người học là lãnh đạo đến từ doanh nghiệp và cơ sở giáo dục 2 ngành: quản trị kinh doanh và quản lý giáo dục.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng đang dự kiến xây dựng mô hình này. PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó hiệu trưởng, cho biết chuẩn đầu vào, đầu ra và quá trình đào tạo của tiến sĩ ứng dụng sẽ không khác với hàn lâm. Tuy nhiên, nếu luận án của tiến sĩ hàn lâm có những nội dung đóng góp về mặt học thuật thì ứng dụng có đóng góp tác động đến chính sách quốc gia. Ngoài ra, hệ ứng dụng cũng dành riêng cho những người ngoài khu vực giảng dạy và nghiên cứu.

ĐH Quốc gia TP.HCM đang đào tạo tiến sĩ với 79 ngành, quy mô 1.139 người. Năm 2018, ĐH này tuyển 384 nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, thống kê từ ĐH này cho thấy, từ năm 2012 số lượng thí sinh đăng ký dự thi sau ĐH giảm mạnh. Từ hơn 10.000 năm 2012, 2013 đến năm 2014 giảm xuống còn 6.706. Đáng chú ý, năm 2017 chỉ còn 2.912 thí sinh dự thi, thấp hơn chỉ tiêu được giao là 400 người. Kết quả giai đoạn này số thí sinh trúng tuyển trung bình chỉ đạt khoảng 85% so với chỉ tiêu cần tuyển.

Năm 2018, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chỉ tuyển nghiên cứu sinh cho 4 ngành, giảm bớt 6 ngành so với trước. PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong số các ngành không tiếp tục tuyển có những ngành không tuyển được do không có người theo học.

Số lượng người đăng ký dự tuyển trình độ tiến sĩ ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM giảm tới 50% so với trước đây. Theo PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, tổng chỉ tiêu đào tạo sau ĐH của trường năm nay là 600, có 729 người dự tuyển và trúng tuyển gần 450 người, chỉ đạt trên 75% chỉ tiêu. Trong số này, chỉ có 10 người trúng tuyển làm tiến sĩ.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân trước đây mỗi năm tuyển khoảng 150 - 160 nghiên cứu sinh nhưng nay chỉ còn 50 người, giảm tới 1/3.

Thay đổi xu hướng của người học

Lý giải nguyên nhân, PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng có nhiều nguyên nhân. Theo đó, thực tế số lượng người mong muốn làm tiến sĩ đang giảm xuống. Cùng với điều kiện đầu vào và đầu ra yêu cầu cao hơn, học tiến sĩ ở VN hầu như không có học bổng. Các nghiên cứu sinh vừa tự đóng học phí, vừa không được học toàn thời gian do phải đi làm nhưng vẫn phải có bài báo quốc tế mới tốt nghiệp. Trong khi đó, ngoài các nước Âu Mỹ thì nhiều năm nay các trường ĐH của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đều có nhiều chính sách học bổng tốt thu hút người học từ VN.

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, còn một xu hướng phải thừa nhận ở lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH không muốn học tiếp do đã tìm được việc làm với thu nhập tốt.

Yêu cầu cao hơn?

Theo đại diện Trường ĐH Kinh tế quốc dân, việc áp dụng quy chế đào tạo tiến sĩ mới với yêu cầu cao hơn đang khiến các trường gặp khó trong việc tuyển người học. Các nghiên cứu sinh đang học chủ yếu từ trường ĐH và viện nghiên cứu. “Những người từ bộ ngành và địa phương có thể vẫn theo đuổi nguyện vọng học cao nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ”, người này nói.

Tương tự, PGS-TS Nguyễn Minh Kiều, Trường ĐH Mở TP.HCM, cũng cho rằng chính yêu cầu cao hơn về ngoại ngữ và công bố quốc tế nên chỉ còn những người thuộc giới học thuật mới dám đeo đuổi làm tiến sĩ.

Trong khi đó, theo lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM, sự nở rộ các cơ sở đào tạo tiến sĩ, đặc biệt ở những trường ngoài công lập, cũng là một rào cản với các trường truyền thống.

Trao học bổng khuyến khích người học

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, ĐH Quốc gia TP.HCM đang nghiên cứu về việc cấp học bổng cho nghiên cứu sinh, là những người có thành tích học tập xuất sắc, có công bố quốc tế. “Với chính sách này, hy vọng ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ thu hút được những người giỏi, tâm huyết theo học tiến sĩ trong tương lai”, ông Quân nói.

PGS Tạ Hải Tùng, Giám đốc Trung tâm quốc tế nghiên cứu và phát triển công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS), ĐH Bách khoa Hà Nội, đề xuất để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ thì cần thực hiện 2 giải pháp cơ bản: có học bổng cho người làm nghiên cứu sinh trong nước và khuyến khích mô hình đào tạo song bằng. Nếu có học bổng cho nghiên cứu sinh đủ để sống thì họ sẽ chỉ chuyên tâm học, nghiên cứu, từ đó mới có cơ sở để đặt ra yêu cầu chất lượng đào tạo phải cao. Trung tâm cũng làm theo mô hình song bằng, tức là liên kết đào tạo tiến sĩ với một trường tốt ở nước ngoài. Nghiên cứu sinh sang đó làm một nửa thời gian, sau đó về nghiên cứu ở VN tiếp, khi cấp bằng thì được cấp ở cả 2 nơi.

Quý Hiên - Hân Trân

M.V

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/giao-duc/vi-sao-khong-con-nhieu-nguoi-lam-tien-si-1020445.html