Vì sao không bêu tên người mua dâm?

Hành vi mua, bán dâm không thuộc trường hợp xử lý hình sự. Việc 'đào sâu' danh tính người mua hay bán dâm là trường hợp vi phạm pháp luật.

Công an TP HCM vừa khám phá đường dây mại dâm có giá mua bán dâm "khủng" có sự tham gia của á hậu, diễn viên, MC nổi tiếng, sinh viên... đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Những cái tên của các cô gái bán dâm dù được viết tắt nhưng không làm khó cư dân mạng, họ nhanh nhảu chỉ ra á hậu này, MC nọ, diễn viên kia... Nhiều ý kiến chê trách các người đẹp bất chấp danh dự, lòng tự trọng, thậm chí lợi dụng tên tuổi, danh hiệu trong làng giải trí và cả sự ngưỡng mộ của người hâm mộ chỉ để kiếm thật nhiều tiền, xài hàng hiệu, sống xa hoa.

Tuy nhiên, không ít ý kiến bức xúc, yêu cầu cơ quan chức năng phải công khai tên tuổi người mua dâm. Bởi có người mua mới có người bán. Nếu cả hai bên vi phạm thì cùng bị công khai tên tuổi, như vậy mới công bằng và mới xử lý được tệ nạn mua bán dâm trong xã hội hiện nay. Hơn nữa, ai là những người dám bỏ ra hàng chục ngàn USD để mua vui bởi sau những đồng tiền này rất có thể là những hoạt động phi pháp, những hành vi vi phạm pháp luật.

Vậy theo quy định của pháp luật, có thể công khai tên người bán lẫn người mua dâm hay không?

Các "tú bà" trong đường dây mại dâm cao cấp do N.T.C.G cầm đầu (ảnh: Phạm Dũng)

Về vấn đề này, luật sư Lê Ngọc Luân (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết pháp luật nước ta tôn trọng, bảo vệ quyền nhân thân của mỗi người. Trường hợp cá nhân vướng vào tệ nạn mại dâm (mua dâm, bán dâm), việc công khai danh tính cá nhân chưa được nhắc cụ thể trong quy định hay pháp lệnh về mại dâm.

"Theo tôi, cá nhân đó vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó. Còn việc công khai danh tính phải được sự cho phép của cơ quan thực thi pháp luật và cá nhân đó theo đúng quy định pháp luật về quyền nhân thân"- luật sư Luân nói.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn Luật sư TP HCM) cũng cho rằng việc công khai nhân thân khi chưa có sự cho phép là vi phạm pháp luật. Hành vi mua, bán dâm không thuộc trường hợp xử lý hình sự (trừ khi bắt quả tang, cơ quan chức năng có chứng cứ xác định giao dịch có sự tham gia của trẻ em). Do đó, việc "đào sâu" danh tính người mua hay bán dâm là trường hợp vi phạm pháp luật.

"Việc viết tắt tên tuổi thì không sai. Tuy nhiên, nếu tên tuổi viết tắt nhưng đưa địa chỉ, lý lịch quá rõ ràng, gây ảnh hưởng đến người bị tiết lộ nhân thân là việc làm không nên trong thời điểm pháp luật chưa có phép như hiện nay. Thiết nghĩ, nếu không công nhận hoạt động mua bán dâm, vẫn xem đó là tệ nạn xã hội cần dẹp bỏ triệt để, thì pháp luật nên có chế tài nặng hơn đối với người vi phạm. Một trong những biện pháp thiết thực là công khai tên tuổi người mua dâm"- luật sư Nữ lưu ý.

Chia sẻ thêm ở góc nhìn xã hội, thạc sĩ văn hóa Nguyễn Thành Luân nói người Việt nhìn chung còn coi những vấn đề liên quan đến mại dâm là chuyện nhạy cảm. Đối với người bán dâm thì thái độ chung của xã hội là rất ít cảm thông, đa số phê phán, thậm chí khinh thường về nhân phẩm, lúc này kể cả vẻ đẹp hình thức của họ cũng bị coi thường.

Đối với người mua dâm, do muốn hạn chế những sứt mẻ của gia đình truyền thống, nên mới có xu hướng "giơ cao đánh khẽ" . "Tôi còn nhớ, trên báo chí thập kỷ trước, khi đưa tin về các vụ việc đánh ghen, bắt quả tang chồng/vợ ngoại tình, người trong cuộc thường có xu hướng đổ mọi tội lỗi cho người thứ ba chen ngang vào. Do đó, gắn với người bán dâm thì cái nhìn của xã hội gay gắt hơn"- ông Luân giải thích.

Cũng theo ông Luân, những năm gần đây xã hội rộng mở, hiện tượng mua bán dâm ngày càng phức tạp hơn. Cái nhìn từ góc độ văn hóa- xã hội của người Việt cũng rõ ràng hơn đối với các hành vi này.

Hồng Nhung ghi

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/vi-sao-khong-beu-ten-nguoi-mua-dam-20180907103617349.htm