Vì sao không ai dám mua thịt 'cá khủng' ở Sầm Sơn?

Đến nay, dân buôn cá tại cảng Lạch Hới (TP. Sầm Sơn, Thanh Hóa) vẫn bàn tán chuyện con cá da đen đốm hoa nặng gần 1 tấn được mổ thịt mà không ai dám mua, cuối cùng phải đem đi tiêu hủy.

Chứng kiến sự việc mổ cá lạ, bà N.T.N - người buôn bán cá tại cảng Lạch Hới kể lại: "Hôm chủ nhật (ngày 5.5 - PV), khi thấy con cá lớn được đưa xuống xe, rất nhiều người dân hiếu kỳ đứng xem. Khi cá bị mổ, có người còn chắp tay vái cá. Đến lúc đó, chủ cá bắt đầu hoang mang. Cá thì đã bị cắt, chẳng ai dám mua".

Con cá nặng gần 1 tấn được đưa từ huyện Tĩnh Gia về Sầm Sơn để mổ thịt.

Con cá nặng gần 1 tấn được đưa từ huyện Tĩnh Gia về Sầm Sơn để mổ thịt.

Bà N. cho biết thêm, theo tập tục của người đi biển ở đây, hễ khi đánh bắt mà thấy cá lớn, ngư dân thường rải muối, gạo cho cá. Còn nếu thấy cá lớn như vậy chết dạt vào bờ, người ta thường làm lễ và mang đi chôn.

Những người buôn bán cá tại cảng Lạch Hới cũng cho biết, khi đưa cá về, chủ tàu tìm thuê người mổ nhưng không được. Mãi sau mới có 2 người thợ bán đá lạnh nhận mổ con cá trên...

Theo ông Trần Học Đỉnh - Chủ tịch UBND phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa), con cá lạ nặng gần 1 tấn trên được dân địa phương gọi là cá Diều hoa, được chủ tàu Trịnh Tứ Thiệu (40 tuổi, trú tại phố Trung Thịnh, phường Quảng Tiến) đánh bắt trên vùng biển huyện Tĩnh Gia.

Tuy nhiên khi vướng lưới thì cá đã chết. Do một số người trên thuyền cho rằng con cá trên có thể ăn được, nên chủ tàu đưa cá về cảng cá Lạch Hới để thuê người mổ. Ngay sau đó, chủ tàu lại trở về thuyền và ra biển đánh cá, đến giờ vẫn chưa về.

Được biết, các chuyên gia bảo tồn của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam (IUCN) đã nhận định, con cá bị ngư dân Sầm Sơn (Thanh Hóa) xẻ thịt vừa qua là cá thể cá nhám voi (cá mập hoa), một loài cá quý hiếm.

Tại Việt Nam, cá nhám voi có tên trong sách đỏ đồng thời nằm trong danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.

Loài cá này cũng có trong danh mục Công ước CITES, nghiêm cấm mọi hành vi khai thác, buôn bán. Các hành vi đánh bắt, mua bán đều bị xử phạt.

Cá nhám voi có thể gặp tại các khu vực biển của Việt Nam, Thái Lan, Maldives, Hồng Hải, Tây Úc, khu bảo tồn hải dương Gladden Spit ở Belize và tại quần đảo Galapagos. Tại Việt Nam năm 2010 ghi nhận, loài cá này chỉ còn dưới 250 cá thể.

Quách Du

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/vi-sao-khong-ai-dam-mua-thit-ca-khung-o-sam-son-732522.ldo