Vì sao khởi tố vụ án ở Cục THA Long An?

Tòa đính chính làm thay đổi nội dung bản án nhưng tòa và cơ quan THA không thông báo cho bị đơn, làm mất quyền kháng cáo của bị đơn.

Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vừa khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Long An để điều tra các sai phạm trong việc thi hành một bản án ở địa phương này.

Đây là kết quả kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo tố giác tội phạm của bà Nguyễn Thị Cúc, Giám đốc Công ty dệt Long An và là bị đơn trong vụ án.

Không gửi đính chính bản án cho đương sự

Theo hồ sơ, tháng 1-2013, một ngân hàng kiện Công ty dệt Long An (đại diện là bà Cúc) ra tòa, yêu cầu trả gần 130 tỉ đồng. Bà Cúc đồng ý trả nợ nhưng yêu cầu ngân hàng đối chiếu công nợ và trả lại một căn nhà trên đường Kỳ Đồng (quận 3, TP.HCM) cho người khác vì tài sản cố định của công ty đã được thẩm định là gần 200 tỉ đồng.

Trong bản án sơ thẩm và phúc thẩm, tòa tuyên buộc bà Cúc phải trả nợ, đồng thời kê biên tài sản của Công ty dệt Long An, quyền sử dụng đất của căn nhà trên đường Kỳ Đồng (tòa tuyên chỉ kê biên đất, không kê biên nhà) để đảm bảo THA.

Dù bản án sơ và phúc thẩm không đề cập đến căn nhà trên đường Kỳ Đồng nhưng vẫn bị cơ quan THA ra quyết định THA nên bà Cúc khiếu nại.

Lúc này (tháng 6-2013) Tòa án huyện Thủ Thừa ra thông báo đính chính, bổ sung, đưa toàn bộ phần đất và căn nhà trên đường Kỳ Đồng vào bản án và đến tháng 12-2013, thẩm phán chủ tọa phiên phúc thẩm vụ tranh chấp này ra thông báo bổ sung căn nhà trên đường Kỳ Đồng vào bản án.

Tiếp đó, đến tháng 4-2014, thẩm phán tòa Thủ Thừa ra thêm thông báo đính chính, đưa tài sản của công ty vào bản án sơ thẩm để đảm bảo THA. Lý do thiếu sót là “do đánh máy”. Một ngày sau thông báo đính chính này, thẩm phán Tòa án tỉnh Long An ra thông báo đính chính, đưa tài sản của công ty vào bản án phúc thẩm.

Từ bốn bản đính chính này, giữa tháng 5-2014, cục trưởng Cục THA Long An ra quyết định sửa đổi quyết định THA do chính ông đã ban hành từ tháng 3-2014.

Về các quyết định đính chính này, đoàn giám sát của HĐND tỉnh Long An phát hiện các bản đính chính bản án không được gửi đến đương sự, VKS, làm mất đi quyền tranh luận tại phiên tòa, quyền khiếu nại, kháng cáo bản án… của đương sự. Và lãnh đạo HĐND tỉnh Long An đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng nêu rõ việc làm của tòa án hai cấp là trái pháp luật. Tiếp đến, tháng 7-2014, HĐND tỉnh Long An đã có văn bản gửi TAND Tối cao, VKSND Tối cao đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với hai bản án của tòa huyện và tòa tỉnh Long An do có nhiều vi phạm tố tụng.

Công ty ngăn cản việc đưa tài sản ra ngoài. Ảnh: CTV

Văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.

Nhiều vi phạm trong THA

Mặc dù HĐND tỉnh có văn bản như trên và giám đốc Công ty dệt Long An khiếu nại nhưng Cục THADS tỉnh vẫn ra quyết định kê biên, xử lý tài sản gồm toàn bộ xưởng dệt và trụ sở, toàn bộ máy móc, thiết bị, toàn bộ xưởng nhuộm và các quyền lợi phát sinh. Sau khi kê biên, do các bên đương sự không thỏa thuận được về giá nên chấp hành viên đã phối hợp với các cơ quan về thẩm định giá. Từ tháng 5-2015, Cục THA đã tiến hành bốn lần thẩm định giá nhưng không thành do doanh nghiệp không đồng ý.

Theo tố giác của bà Cúc, Cục trưởng THA Nguyễn Văn Gấu và hai chấp hành viên ra quyết định THA trái luật. Thứ nhất, khi bản án có hiệu lực, THA huyện Thủ Thừa đã ra quyết định THA. Tuy nhiên, khi rút hồ sơ lên, ngày 13-3-2014 Cục trưởng Gấu ra tiếp quyết định THA mà không xử lý quyết định cấp dưới đã ban hành. Như vậy, cùng một bản án nhưng tồn tại hai quyết định THA.

Ông Gấu còn căn cứ vào các thông báo đính chính, sửa chữa, bổ sung bản án của hai cấp tòa ra các quyết định THA bổ sung, trong khi các thông báo này làm thay đổi nội dung bản án...

Bà Cúc cũng tố giác việc thẩm định giá dây chuyền máy thiết bị quá thấp, sai nghiêm trọng. Bởi dây chuyền máy móc chỉ được định giá 27,6 tỉ đồng trong khi 50 máy dệt khí nén, năm máy nén khí, hệ thống máy hồ cũng đã có giá gần 6 triệu USD!

Lợi dụng việc này, phía trúng đấu giá đã tháo dỡ, đưa nhiều tài sản ra bên ngoài, làm hư hỏng, mất mát rất nhiều tài sản không bị kê biên, định giá, bán đấu giá.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Quá nhiều khuất tất!

Vụ việc khuất tất không chỉ ở việc THA trái pháp luật mà cả bản án sơ thẩm của TAND huyện Thủ Thừa và án phúc thẩm của TAND tỉnh Long An. Mỗi bản án có hai văn bản đính chính trái pháp luật, buộc công ty trả nợ từ ba hợp đồng có dấu hiệu giả cách. Thường trực HĐND tỉnh Long An có văn bản gửi VKS, TAND Tối cao, công ty cũng có đơn kêu cứu nhiều năm nhưng không được xem xét khách quan, góp phần tàn phá một công ty dệt.

Những vi phạm nghiêm trọng của cơ quan tố tụng là khó chấp nhận, cơ quan điều tra cần xem xét cả các bản án, quyết định trái pháp luật.

Tôi đã có nhiều văn bản chuyển Thủ tướng, các cơ quan tố tụng trung ương, ngân hàng yêu cầu xem xét thấu đáo. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đã có ý kiến chỉ đạo làm rõ vụ việc…

NGUYỄN ĐỨC

Nguồn PLO: http://plo.vn/an-ninh-trat-tu/vi-sao-khoi-to-vu-an-o-cuc-tha-long-an-744426.html