Vì sao khối ngoại tháo chạy khỏi các cổ phiếu lớn?

Ngày 16/12, dù thị trường đã có nhịp phục hồi trong khoảng thời gian cuối phiên nhưng cũng không thể giữ vững trước sức ép trong phiên ATC.

Đóng cửa, VN-Index giảm 4,71 điểm, hay 0,49%, dừng tại 961,47 điểm, trong khi đó HNX-Index tăng 0,28%, dừng tại 103,22 điểm.

Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 282 mã tăng và 256 mã giảm điểm. Số mã tăng, giảm trong rổ VN30 khá cân bằng khi cả rổ có 13 mã tăng, 14 mã giảm và 3 mã đứng giá.

Giao dịch của khối ngoại là điểm tiêu cực đối với thị trường thời gian qua. Tính chung toàn thị trường, khối ngoại mua vào 79,3 triệu cổ phiếu, trị giá 2.581 tỷ đồng, trong khi bán ra 93,6 triệu cổ phiếu, trị giá 3.118,4 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt 14,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng đạt 536,9 tỷ đồng.

Tại sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng 441,7 tỷ đồng (giảm 22% so với giá trị bán ròng của tuần trước), tương ứng khối lượng bán ròng là 8 triệu cổ phiếu.

 Cổ phiếu của Masan vẫn chưa dừng đà giảm sau thương vụ bom tấn.

Cổ phiếu của Masan vẫn chưa dừng đà giảm sau thương vụ bom tấn.

Cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan vẫn đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại với giá trị đạt 188,6 tỷ đồng.

Khởi đầu tuần mới, thị giá MSN tiếp tục giảm sâu kết phiên 16/12, theo đó dừng tại mức 56.700 đồng/cp, giảm hơn 2% so với phiên13/12. Cổ phiếu MSN liên tục sụt giảm sau thương vụ sáp nhập Vincommerce và Vineco vào Consumer Masan - công ty con của Masan.

Theo dõi trên thị trường, cổ phiếu MSN trong vài tháng trở lại đây có dấu hiệu giảm và bị khối ngoại bán ra nhiều chứ không phải mới xảy ra.

Có thể nói rằng diễn biến giá tiêu cực hơn trong 2 phiên gần đây có thể nguyên nhân đến từ việc các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận thông tin hợp tác giữa Vingroup và Masan không mấy tích cực và đó có thể xem như là tin xấu.

Còn với những nhà đầu tư nhỏ lẻ khi không nhận định được thông tin đó là có lợi hay hại thì nhanh tay bán ra để có thể giảm thiểu rủi ro.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu MSN tăng đột biến (gấp gần 3 lần) trong 6 tháng qua, tuy vậy thị giá trên đà giảm mạnh, từ mức hơn 84.000 đồng/cp xuống còn 56.700 đồng/cp, tương ứng giảm hơn 27.000 đồng/cp (tương ứng giảm gần 33% thị giá).

Làm một phép tính đơn giản, khi nhà đầu tư bỏ ra 1 tỷ đồng để mua cổ phiếu MSN trong 6 tháng trước và còn nắm giữ cho đến hiện tại thì lỗ hơn 320 triệu đồng.

Một chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, giá cổ phiếu MSN có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh do các nhà đầu tư lo ngại việc tập đoàn sẽ phải làm thế nào để tạo ra dòng tiền tương lai bù đắp cho phần chi phí phải trả để nắm quyền kiểm soát hệ thống VinCommere và VinEco.

Tuy nhiên trong dài hạn, khi nắm trong tay nhiều lợi thế như trên, thì Masan sẽ ngày càng phát triển mạnh. Theo đó, giá cổ phiếu MSN sẽ sớm phục hồi trở lại, nhiều khả năng sẽ quay trở lại vùng đỉnh cũ 90.000 đồng/cp trong trung và dài hạn.

Anh Nhi

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.net.vn/tai-chinh/vi-sao-co-phieu-msn-giam-sau-79092.html