Vì sao khó xử lý tội phạm rửa tiền?

Mặc dù pháp luật đã quy định khá đầy đủ, nhưng trên thực tế các vụ án về tội phạm rửa tiền thời gian qua ít bị phát hiện và xử lý. Một trong những nguyên nhân là do những vướng mắc khi thực thi các quy định của pháp luật.

Nỗ lực trong phòng chống rửa tiền

Khi vụ hồ sơ Panama được công bố, thông tin cho thấy dấu hiệu của các vụ rửa tiền quy mô lớn liên quan đến nhiều nhân vật quan trọng tại nhiều quốc gia. Vấn đề tội phạm rửa tiền lại tiếp tục nóng trên các kênh truyền thông.

Tội phạm rửa tiền từ lâu đã là vấn đề mang tính toàn cầu. Theo thống kê, mỗi năm tội phạm tiến hành rửa từ 1.000-1.500 tỷ USD trên toàn thế giới, gây ra những tác hại khôn lường đối với kinh tế, xã hội và an ninh toàn cầu.

Theo Cục Cảnh sát kinh tế, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an), tội phạm rửa tiền phổ biến nhất ở Việt Nam là tuồn tiền “bẩn” từ nước ngoài về để hợp pháp hóa, chuyển sang tiền “sạch”. Đồng thời, một bộ phận tội phạm trong nước đã sử dụng số tiền này lừa đảo, tham nhũng, mua bán ma túy... “rửa” bằng cách mua bất động sản, chuyển cho người thân, đầu tư vào các dự án, hợp đồng kinh tế “ma”.

Các thủ đoạn rửa tiền rất phong phú đa dạng, song đều có đặc điểm chung là tận dụng những khe hở trong hệ thống pháp luật mỗi nước, nhất là pháp luật hình sự, tài chính, ngân hàng... Đó cũng là lý do vì sao các nước đang phát triển lại được coi là “mảnh đất màu mỡ” của các loại tội phạm tài chính.

Ở Việt Nam, Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 quy định: Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm: Các hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự; Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có; Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản…

Ngày 4/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền. Nghị định đã quy định về các biện pháp phòng, chống rửa tiền, thu thập xử lý và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền và hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền.

Trong pháp luật hình sự, tội Rửa tiền là một tội được quy định trong BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Điều 251) thay cho tội Hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có. BLHS năm 2015 (có hiệu lực từ 1/7/2016) cũng đã quy định về tội Rửa tiền tại Điều 324.

Theo Ngân hàng Nhà nước, từ việc thực thi Luật Phòng, chống rửa tiền, trong đó Điều 21 và Điều 22 quy định giao dịch có giá trị lớn và giao dịch đáng ngờ phải báo cáo, nên từ năm 2013 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận trên 3 nghìn báo cáo giao dịch đáng ngờ và gần 94 nghìn báo cáo giao dịch có giá trị lớn. Theo đó, hơn 250 vụ việc được chuyển giao cho cơ quan công an và cơ quan có chức năng thanh tra.

Sau 3 năm triển khai Luật Phòng, chống rửa tiền cho thấy, Luật đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền. Việt Nam được các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền có uy tín như Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) và Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) ghi nhận là có khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu của các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

Cần tháo gỡ vướng mắc

Mặc dù pháp luật đã quy định khá đầy đủ, nhưng trên thực tế các vụ án về tội phạm rửa tiền thời gian qua ít bị phát hiện và xử lý. Kể từ khi tội phạm này được quy định trong BLHS (năm 2009), đến nay các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa xử lý hình sự được một vụ rửa tiền nào.

Theo quy định của BLHS thì phải có cơ sở chứng minh một người đã phạm những tội phạm cụ thể nhất định nên mới có tài sản, được coi là do “phạm tội mà có” hoặc nếu rửa tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có thì họ phải nhận biết rõ tiền, tài sản do người đó phạm tội mà có.

Theo các chuyên gia, đây là vấn đề rất phức tạp và nhiều khi không chứng minh được tội phạm mà một người đã thực hiện trước đó, nhất là các tội phạm về hối lộ, các tội phạm được thực hiện ở nước ngoài... Cơ sở để người rửa tiền nhận biết được đó là tài sản do nguời khác phạm tội mà có cũng rất khó khăn.

Mặt khác, có thể có trường hợp tội phạm đã hết thời hiệu truy cứu TNHS hoặc người phạm tội đã chết thì cơ quan điều tra không thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nên không thể chứng minh nguồn gốc tài sản là do phạm tội mà có được. Và do đó, không có căn cứ vững chắc để truy cứu TNHS người có hành vi hợp pháp hóa tiền, tài sản.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp trên thực tế, nguời thực hiện việc giao dịch nhằm hợp pháp hóa số tiền, tài sản chỉ có thể nhận thức được tiền, tài sản bất hợp pháp hay tài sản bất minh, chứ không thể nhận biết được đó là tài sản do phạm tội mà có.

Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg ngày 18/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị giao dịch phải báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước là từ 300 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, trong cấu thành tội phạm tội Rửa tiền ở nước ta hiện nay không quy định cụ thể số lượng tiền, tài sản được rửa có giá trị bao nhiêu thì phạm tội nên các cơ quan tố tụng không có căn cứ để xử lý hình sự dù có thể vẫn phát hiện ra dấu hiệu rửa tiền.

Đối với tội phạm trong nước hiện nay, khi phát hiện có hành vi liên quan đến việc sử dụng tiền, tài sản biết rõ do phạm tội mà có, các cơ quan tố tụng thường xử lý về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Bởi hành vi rửa tiền không chỉ khó phát hiện mà nếu chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì không thể xử lý hình sự.

Một nguyên nhân khác, người Việt Nam có thói quen dùng tiền mặt, hạn chế việc giao dịch, thanh toán qua ngân hàng. Trong khi hiện nay chúng ta lại đang thiếu một cơ chế quản lý tiền mặt rõ ràng nên khó có thể làm minh bạch nguồn gốc các khoản tiền. Đây là việc cần phải cải thiện nếu muốn nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền.

Bảo Nam

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/phap-luat/vi-sao-kho-xu-ly-toi-pham-rua-tien-146206.html