Vì sao khó thu hút đầu tư vào các dự án điện độc lập?

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn ODA với những điều kiện vay thuận lợi ngày càng hạn hẹp, thì việc tìm nguồn vốn từ đầu tư tư nhân cho các dự án điện độc lập là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án điện độc lập hiện nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đó là nội dung hội thảo “Huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập” do Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển phối hợp với tổ chức sáng nay 24/11.

10 năm tới - ngành điện cần đầu tư hơn 133 tỷ USD

Theo ông Đặng Huy Đông - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển, năng lượng là một kết cấu hạ tầng không thể thiếu để đảm bảo duy trì tăng trưởng của nền kinh tế. Theo tính toán, 10 năm tới chúng ta cần thu hút 150 tỷ USD để đầu tư các dự án phát điện, bằng 1 nửa tổng GDP hiện nay của đất nước. Với quy mô thị trường vốn trong nước hiện nay và trong ít nhất 5 năm tới, dòng vốn nội sinh của nền kinh tế không thể đáp ứng yêu cầu nguồn vốn cho phát triển ngành điện lực.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỷ KWh, ngành điện cần đầu tư với quy mô rất lớn.

Nhắc đến Nghị quyết 55 về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành hồi đầu năm, ông Hiển đánh giá đây là nghị quyết có nhiều đột phá trong phát triển năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước và phù hợp với xu thế của thời đại. Theo ông Hiển, Nghị quyết 55 đã xác định quan điểm “khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng”. Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ “nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn đặc biệt cho đầu tư phát triển ngành điện”

Tính toán sơ bộ của Bộ Công Thương cho thấy, trong giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện là 133,3 tỷ USD, trong đó cơ cấu giữa nguồn điện và lưới điện là 72/28; giai đoạn 2031 - 2045 là 184,1 tỷ USD và cơ cấu tương ứng là 74/26. “Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào các dự án điện ngày càng khó khăn, việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân có vai trò và ý nghĩa quan trọng” - ông Nguyễn Đức Hiển nói.

Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng cần sớm triển khai nhân rộng và có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng cần sớm triển khai nhân rộng và có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư tư nhân vào ngành điện nói chung và vào các dự án điện độc lập (IPP) hiện nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguồn vốn huy động từ chủ sở hữu khó khăn do thị trường vốn chưa phát triển, khó đáp ứng các yêu cầu phát hành ra công chúng. Nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong nước gặp khó khăn do các dự án năng lượng đòi hỏi nguồn vốn lớn song theo Luật Các tổ chức tín dụng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại; tổng mức dư nợ của một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng gặp khó khăn khi phải cân đối nguồn cho vay do nguồn huy động ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trong khi cho vay các dự án năng lượng là dài hạn. Đồng thời, lãi suất vay vốn các ngân hàng trong nước để thực hiện các dự án điện IPP còn khá cao, chưa có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ của Nhà nước đối với các dự án năng lượng tái tạo, dẫn đến giá điện bán cao khiến các dự án khó thu xếp vốn trong bối cảnh hiện nay.

Cơ chế giá điện phải đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư

Trước thực trạng trên, để huy động được nguồn vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập, đòi hỏi chúng ta phải tuân thủ các yêu cầu và luật chơi quốc tế. Với tổng mức đầu tư gần 13-15 tỷ USD/năm, quy mô thị trường Việt Nam là đủ sức hấp dẫn. Để tăng khả năng sinh lời và giảm rủi ro nhằm thu hút được dòng vốn quốc tế, trên bình diện quốc gia, Việt Nam cần coi trọng vai trò của xếp hạng tín nhiệm quốc gia vì thông qua đó sẽ giúp Chính phủ, định chế tài chính và doanh nghiệp khi huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế có thể giảm được chi phí huy động vốn.

Ngoài ra, cơ chế về giá điện cũng cần đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, từ đó bảo đảm khả năng sinh lời cần thiết để thu hút các dòng vốn quốc tế.

Ngoài ra, Phó ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, cần đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh; có cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ; có cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp. Đặc biệt là minh bạch giá mua bán điện. “Cần sớm triển khai nhân rộng và có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia”, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Xác định vai trò của ngân hàng nội địa trong các dự án năng lượng quy mô lớn, đại diện đến từ ngân hàng VietinBank, ngân hàng này hiện nay có thể tài trợ cho 1 nhóm khách hàng liên quan là 1,1 tỷ USD; cho 1 cá nhân là 630 triệu USD. VietinBank ưu tiên tài trợ đối với lĩnh vực năng lượng, đã và đang tài trợ 150 dự án phát điện, nhiều dự án có quy mô và công suất lớn hơn 100 MW; 20 dự án truyền tải điện; tài trợ nhiều dự án IPP lớn và hiệu quả, như điện mặt trời, điện gió, thủy điện...

Tuy nhiên, theo đại diện đến từ ngân hàng này, thực hiện các dự án điện IPP, chi phí rủi ro cao hơn với các nước phát triển; chưa có nhiều sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế dẫn đến chi phí vốn cao; hợp đồng mua bán điện chưa có điều khoản bồi thường thay đổi luật pháp… Do đó, cần hình thành các quỹ về hỗ trợ vốn cho các dự án phát triển năng lượng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm; có cơ chế đặc thù để khơi thông nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại.

Đại diện VietinBank cũng nêu kiến nghị, đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét giảm tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro đối với dư nợ tín dụng tài trợ các dự án điện; áp dụng hệ số rủi ro với dự án điện thấp hơn các ngành thông thường…

Lan Anh- Bùi Hùng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vi-sao-kho-thu-hut-dau-tu-vao-cac-du-an-dien-doc-lap-148046.html