Vì sao khó giải cứu Tisco?

Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên được khởi động từ năm 2005 do Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) là chủ đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỷ đồng, được chia thành 2 gói thầu, trong đó gói thầu chính là EPC dây chuyền công nghệ luyện kim có giá trị 160,9 triệu USD, được thực hiện bởi nhà thầu là Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc (MCC). Đây là hợp đồng thực hiện theo phương thức EPC (E là tư vấn thiết kế, P là thiết bị và C là xây lắp). Hợp đồng có hiệu lực từ tháng 9/2007, thời gian thực hiện hợp đồng là 30 tháng.

Tuy nhiên sau khi ký hợp đồng, do bối cảnh chung là giá nguyên vật liệu đầu vào tăng quá cao dẫn đến nếu duy trì hợp đồng như cũ thì không khả thi nên nhà thầu MCC đề nghị tách phần C (phần xây lắp) để cho bên Việt Nam đảm nhiệm. Năm 2009, Tổng công ty cổ phần xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) được chọn đảm nhiệm phần việc này.

Cũng do biến động của chi phí đầu vào quá lớn nên đến tháng 5/2013 VNS và Tisco nâng mức Tổng mức đầu tư lên hơn 8.100 tỷ đồng, tăng hơn 4.200 tỷ đồng với thời gian thực hiện đến hết năm 2014. Tuy nhiên vì nhiều lý do nên nguồn vốn chưa thể bố trí dẫn đến việc đình trệ dự án từ đó đến nay.

Tình trạng hiện tại của dự án là cả 3 hợp phần đều còn dang dở, dẫn đến hậu quả là một số thiết bị xuống cấp, gây lãng phí, còn tổng thể nhà máy thì chưa biết đến khi nào hoạt động được.

Một lãnh đạo của Tisco cho biết hiện tại mỗi ngày riêng tiền lãi vay ngân hàng là hơn 1 tỷ đồng. Nhưng đó mới chỉ là tiền tính toán được, còn những tổn thất khác như thiết bị hư hỏng do nằm chờ thì chưa thể đong đếm. Vì vậy, để tránh cảnh “mở mắt mất tiền tỷ” vị lãnh đạo này nhấn mạnh cách duy nhất hiện nay là tiếp tục triển khai dự án.

Mới đây, trên cơ sở phương án của Tổng công ty Thép Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến các bộ ngành về việc thoái 65% vốn tại Tisco được coi là một hướng mở hy vọng để tái khởi động dự án.

Đây là 1 đề xuất hoàn toàn thực tế, vì hiện tại tổng doanh thu 9 tháng đầu năm của Tisco vẫn đạt gần 8.900 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 57 tỷ đồng. Nếu dự án trên được gỡ nút thắt, chắc chắn hiệu quả kinh doanh và tác động xã hội sẽ lớn hơn.

Ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng nhìn nhận, với Tisco, khi gặp được nhà đầu tư có tiềm năng sẽ nhanh chóng khôi phục lại các thiết bị vật tư xuống cấp và sẽ nhanh chóng đưa vào hoạt động.

Nhưng vấn đề là, nhà đầu tư tư nhân nào sẵn sàng bỏ tiền vào để vực lại dự án này?

Cản trở từ công nghệ

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án mộng giai đoạn 2 của Tisco, dự án gồm 2 gói thầu chính: Gói thầu EPC dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá công suất 500.000 tấn phôi thép/năm và Gói thầu EPC khai thác và tuyển khoáng mỏ sắt Tiến Bộ với công suất 300.000 tấn quặng tinh/năm. Tháng 5/2014, Nhà máy tuyển rửa quặng sắt mỏ Tiến Bộ đã hoàn thành và đưa vào sản xuất. Chỉ còn gói thầu EPC dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá đang dở dang và dừng thi công.

Còn thông tin từ Tisco, lò luyện thép Lưu Xá sẽ có công suất 260.000 tấn phô thép/năm với các Thiết bị chính là Lò siêu công suất (EAF) 30 tấn/mẻ, Lò tinh luyện (LF) 40 tấn/mẻ, Lò trộn nước gang lỏng +(Mixer): 300tấn và Máy đúc liên tục 4 dòng.

Trong các hạng mục chính của dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II của Tisco, nhà máy được đầu tư thêm 1 lò thổi luyện thép: 50 tấn 1 lò tinh luyện 55 tấn/mẻ, 1 lò trộn nước gang 600tấn và 1 dây chuyền đúc liên tục 4 dòng, đảm bảo năng lực sản xuất 500.000 tấn phôi thép/năm.

Lưu ý rằng, Trung Quốc cách nay một thập niên chủ trương không phát triển những lò cao có dung tích dưới 1.000 khối và lò luyện thép dưới 120 tấn/mẻ ở khu vực nội địa. Còn ở khu vực duyên hải thì chỉ chấp nhận lò cao từ 3.000 khối và lò luyện thép từ 200 tấn/mẻ.

Về công nghệ, công nghệ và quy mô của dự án Tisco - II là công nghệ luyện kim truyền thống (lò cao - lò thổi ô-xi). Trên thế giới, khoảng 70% số nhà máy thép vẫn áp dụng công nghệ này.

Nhưng tại Việt Nam, phần lớn thép được sản xuất bằng công nghệ lò điện hồ quang - đúc liên tục. Ngành sản xuất thép của Việt Nam bắt đầu bằng 2 lò mactanh 50 tấn/mẻ tại Công ty Gang thép Thái Nguyên và 2 lò BOF 5 tấn/mẻ tại Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng. Sau một số năm vận hành, Công ty đã chuyển sang lò điện hồ quang. Hiện tại, ngành Thép Việt Nam sử dụng 100% công nghệ lò điện. Điều này xuất phát từ điều kiện thiếu gang lỏng của nước ta.

Tuy thực tế, giữa lò cao liên động khép kín chế biến từ quặng sắt thành thép thành phẩm và công nghệ lò điện hồ quang - đúc liên tục đều có những ưu, nhược điểm vừa ảnh hưởng đến môi trường, vừa liên quan đến sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm.

Trên góc độ của một doanh nghiệp, khi xem xét một dự án sẽ phải tính toán chi phí các khoản đầu tư và lợi nhuận thu có thể thu về để xác định tính khả thi của dự án, từ đó mới quyết định có nên đầu tư hay không.
Với Tisco, riêng báo giá phần điều khiển - “linh hồn” của nhà máy với các thiết bị tự động, hiện đại mà nhà thầu Trung Quốc chưa chuyển giao – có giá khoảng 137 triệu USD, tương đương hơn 3.200 tỷ đồng.

Chưa kể, sau nhiều năm “đắp chiếu”, phần cơ (đã xây lắp) của nhà máy bị thời tiết tác động, phát sinh hư hỏng, xuống cấp, cần phải chỉnh trang lại, còn phần điện vẫn trong kho bảo quản, chưa lắp đặt cho nên vẫn đạt yêu cầu chất lượng.

Nguồn vốn lớn, công nghệ luyện thép khác biệt so với hiện tại, khi vận hành sẽ đối diện với nguy cơ ô nhiễm môi trường cao… doanh nghiệp tư nhân nào đầu tư vào dự án này, cũng sẽ là một bước đi cực kỳ mạo hiểm.

Bùi Lan

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/vi-sao-kho-giai-cuu-tisco-163199.html