Vì sao khẳng định được vai trò của kinh tế hợp tác?

Kể từ khi chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có chuyển biến tích cực. Nhiều HTX nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển. Qua đó khẳng định được vai trò của kinh tế hợp tác, HTX trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Liên kết giữa hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ nông dân

HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ Nam Cường (HTX Nam Cường), xã Yên Cường (Ý Yên) được biết đến là một trong những HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả nhất trên địa bàn tỉnh nhờ áp dụng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Dự, Chủ tịch HĐQT HTX Nam Cường cho biết: "Để hoạt động hiệu quả, ngay từ đầu vụ, HTX đứng ra cung cấp giống, hướng dẫn biện pháp canh tác, phòng trừ dịch bệnh và cuối vụ tổ chức thu mua nông sản cho thành viên. Trong đó, HTX liên kết sản xuất rau với một số công ty, như: Công ty TNHH Thực phẩm nông sản Green, Công ty Xuất nhập khẩu rau củ quả Minh Anh Đồng Giao... Ngoài ra, HTX còn tiến hành cải tạo đồng ruộng, đường giao thông nội đồng, đáp ứng 4 vụ sản xuất trong năm và chỉ đạo thành viên, hộ nông dân áp dụng đúng quy trình sản xuất theo hướng dẫn kỹ thuật của công ty".

 Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên, Nam Định).

Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên, Nam Định).

Để nâng cao chất lượng nông sản, năm 2015, theo Chương trình hợp tác giữa tỉnh Miyazaki (Nhật Bản) với UBND tỉnh Nam Định, HTX Nam Cường đã được các chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn sản xuất phân hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản để cải tạo đất giúp cây trồng phát triển, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng nông sản sạch, ngon, chống chịu các loại sâu bệnh. Các loại rau củ quả của HTX sản xuất trong vùng trồng rau hữu cơ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng sinh học và thảo mộc tự chế từ gừng, tỏi, ớt đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, như: Cải bó xôi (rau chân vịt), hành lá. Với cách làm trên, người nông dân trực tiếp sản xuất được HTX và công ty bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý. Các cánh đồng liên kết sản xuất rau củ mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3-4 lần so với các cây trồng khác. Hằng năm, HTX Nam Cường đã cung ứng hơn 100 tấn rau, củ, quả các loại chất lượng cao và đem lại doanh thu mỗi năm đạt hơn 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, mô hình này cũng đang được nhân rộng trên địa bàn tỉnh, để người nông dân thêm gắn bó với việc sản xuất nông nghiệp và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Nam Định, năm 2018 hoạt động của các HTX nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích. Toàn tỉnh có 337 HTX nông nghiệp, trong đó 280 HTX được xếp loại, 25 HTX chưa đủ điều kiện xếp loại vì mới thành lập trong năm 2018 và 32 HTX chưa thực hiện báo cáo. Cụ thể, năm 2018 có 21 HTX xếp loại tốt (tăng 13 HTX so với năm 2017), 112 HTX xếp loại khá (tăng 32 HTX so với năm 2017), 119 HTX xếp loại trung bình (giảm 15 HTX so với năm 2017), 28 HTX xếp loại yếu (giảm 14 HTX so với năm 2017).

Theo ông Ngô Văn Ngân, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định: Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số điểm hạn chế, như: Việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất chưa mạnh, cơ chế hợp tác gắn kết còn hạn chế, đầu tư ứng dụng công nghệ mới, tỷ lệ cơ giới hóa còn thấp... Chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chưa cao; công nghiệp chế biến, dịch vụ ở nông thôn phát triển chưa nhiều; giá trị xuất khẩu thấp. Tổ chức sản xuất của HTX chưa gắn với quy hoạch vùng sau dồn điền đổi thửa. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản tuy được đầu tư, nâng cấp song chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa.

Theo ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định: Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn, tỉnh sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh, quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của từng loại hình HTX; đồng thời đẩy mạnh phát triển các HTX ứng dụng công nghệ cao (CNC) trên địa bàn. Theo đó, sẽ áp dụng tiêu chí lựa chọn các HTX để hỗ trợ xây dựng mô hình HTX ứng dụng CNC, gồm: Có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ưu tiên HTX đang bước đầu tiếp cận ứng dụng CNC vào hoạt động sản xuất; sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có liên kết với doanh nghiệp trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm; có đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNC vào sản xuất; có tiềm năng đất đai, vốn, có hạ tầng tốt để phục vụ sản xuất. Trên cơ sở xây dựng thành công các mô hình HTX ứng dụng CNC, các địa phương tiến hành nhân rộng các mô hình có hiệu quả trên địa bàn, bảo đảm toàn tỉnh có 13 HTX ứng dụng CNC trong năm 2019 và đến năm 2020 có khoảng 20 HTX ứng dụng CNC.

Bài và ảnh: LA DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/vi-sao-khang-dinh-duoc-vai-tro-cua-kinh-te-hop-tac-590692