Vì sao khán giả Việt 'quay lưng' với những phim đạt giải quốc tế?

Dù chiến thắng nhiều lần tại các giải quốc tế nhưng suốt năm 2018, phim Việt vẫn không thực sự có cú 'hích' nào gây hiệu ứng cho truyền thông và khán giả.

“Mờ nhạt” trong nước

Bộ phim “The Third Wife (Người vợ ba)” của đạo diễn Việt Nam Nguyễn Phương Anh vừa thắng giải Phim hay nhất tại phần thi quốc tế của Liên hoan phim quốc tế Kolkata (KIFF) lần thứ 24.

Bộ phim “Người vợ ba” liên tiếp giành các giải thưởng quốc tế nhưng vẫn là cái tên xa lạ với khán giả trong nước. Đoàn làm phim

Mấy năm trước phim “Đảo của dân ngụ cư” và “Cha cõng con” cũng chiến thắng nhiều giải thưởng khu vực rồi mới ra rạp Việt, nhưng giải thưởng quốc tế của phim là không đủ để kéo khán giả đến rạp, không đủ tạo thành “cú hích” doanh thu cho phim.

“Người vợ ba” là phim đầu tay của Nguyễn Phương Anh. Bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật, phim dài 96 phút là câu chuyện về sự giằng xé, đấu tranh của một cô bé tên Mây (Trà My thủ vai) trong cuộc hôn nhân sắp đặt với một người đàn ông hơn cô nhiều tuổi. Qua bộ phim, nhà làm phim trẻ muốn phản ánh tâm tư của nữ giới trong một xã hội do đàn ông thống trị.

“Người vợ ba” được đánh giá là một bộ phim nghệ thuật “làm mê đắm lòng người” với sự cộng tác của hai vợ chồng đạo diễn Trần Anh Hùng (đóng vai trò cố vấn nghệ thuật của phim) và Trần Nữ Yên Khê (diễn viên đảm nhận một trong những nhân vật chính).

“Người vợ ba” đã rinh về một số giải thưởng lớn khi tham dự nhiều Liên hoan phim quốc tế năm nay. Tại Liên hoan phim Toronto ở Canada hồi tháng 9, “Người vợ ba” từng xuất sắc vượt qua các ứng viên châu Á nặng ký khác để giành giải thưởng vô cùng danh giá là Phim châu Á xuất sắc nhất (Best Asia Film) do NETPAC tài trợ.

Bộ phim tiếp tục đạt giải thưởng quốc tế tại Liên hoan phim San Sebastían lần thứ 66 ở Tây Ban Nha vào cuối tháng 9, ở hạng mục TVE-Another Look - giải thưởng tôn vinh các bộ phim liên quan đến giới nữ, có nghệ sĩ nữ viết kịch bản, đạo diễn hay đóng chính.

Nhiều giải thưởng như vậy, nhưng “Người vợ ba” vẫn xa lạ với khán giả trong nước, bởi ít truyền thông và chưa được công chiếu chính thức. Dự kiến đến năm 2019, bộ phim giành nhiều giải thưởng lớn nhỏ này mới ra rạp trong nước, và không biết, uy tín của các các giải thưởng mà bộ phim đạt được có thể kéo khán giả đến rạp hay không?

Làm gì để phim Việt bớt... đìu hiu?

Chuyện phim Việt rình rang thắng giải quốc tế, nhưng đìu hiu lặng lẽ phòng vé nước nhà đã không còn quá xa lạ với khán giả cả nước nữa. Như trường hợp của phim “Song Lang” cũng tương tự. Những ngày đầu tháng 11 vừa qua, Liên hoan phim quốc tế Tokyo (TIFF 2018) đã tổ chức lễ trao giải thưởng tôn vinh những bộ phim và diễn viên xuất sắc tham dự Liên hoan phim lần này.

Theo trang web của Ban tổ chức TIFF 2018, trong lễ trao giải diễn ra tại nhà hát EX Theater Roppongi ở Tokyo, Nhật Bản, phần công bố đầu tiên là xướng tên các diễn viên xuất sắc đoạt giải Tokyo Gemstone Award (Viên ngọc quý Tokyo). Năm nay, lần đầu tiên dự TIFF, nhưng diễn viên Liên Bỉnh Phát đã vinh dự nhận được giải thưởng này với vai diễn Dũng “thiên lôi” trong phim “Song Lang”… Tuy nhiên, “Song Lang” vẫn rất xa lạ với khán giả trong nước.

Giới chuyên môn cho rằng, nguyên nhân do điện ảnh Việt vẫn mãi còn vạch ngăn cách giữa phim nghệ thuật và yếu tố thương mại. Một bộ phim nhiều giải thưởng không thể cạnh tranh được với những phim có các gương mặt “hot” và được truyền thông rầm rộ. Vì thế, để phim đạt giải thưởng của điện ảnh Việt không phải “lặng lẽ” ra rạp nữa, ngoài cách làm phim, thì truyền thông cho bộ phim cũng cần đổi mới.

Khi yếu tố giải thưởng vốn vẫn còn bị mặc định là kén khán giả, thì bộ phim cần những ê-kíp truyền thông nhiều sáng tạo, không chỉ tập trung vào giải thưởng phim ấy đạt được, mà vào những yếu tố tò mò của cốt truyện phim trong thời gian công chiếu rạp Việt.

Theo Nam Dương (Pháp luật và Xã hội)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/vi-sao-khan-gia-viet-quay-lung-voi-nhung-phim-dat-giai-quoc-te-934164.html