Vì sao kết nối giải quyết thủ tục đất đai vẫn 'nửa điện tử, nửa giấy'?

Việc kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai theo đánh giá vẫn có tình trạng vừa trao đổi bằng hình thức điện tử vừa trao đổi bằng hồ sơ giấy.

Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Việc kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai theo đánh giá vẫn có tình trạng vừa trao đổi bằng hình thức điện tử vừa trao đổi bằng hồ sơ giấy.

Điểm khó là hiện có nhiều đầu mối luân chuyển hồ sơ, chưa kể, mỗi đơn vị lại sử dụng một ứng dụng khác nhau nên không dễ để trao đổi, kết nối thông tin.

Thời gian giảm gần một nửa

Báo cáo tổng kết “Công tác triển khai thí điểm trao đổi thông tin theo hình thức điện tử giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai khi xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất giai đoạn 2015 – 2018” của Tổng cục Thuế chỉ ra, việc chuyển thông tin giữa cơ quan thuế và đăng ký đất đai trước đây vẫn được thực hiện thủ công.

Chính vì thiếu sự kiểm tra, kết nối với các thông tin có liên quan của hồ sơ liên quan đến thửa đất và người nộp thuế nên việc giải quyết thủ tục còn mất nhiều thời gian, kinh phí, nhân lực và có thể gặp sai sót trong tính toán.

Bởi vậy, tới năm 2015, Bộ Tài chính cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thí điểm việc kết nối trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử giữa các văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan thuế. 8 tỉnh, thành phố được chọn để thí điểm là: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Bình Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu và Trà Vinh.

Sau thời gian thí điểm, lãnh đạo ngành thuế cho rằng, đối với người dân, thời gian giải quyết hồ sơ giảm từ 5 ngày làm việc xuống còn 3 ngày làm việc. Ngoài ra, về quản lý Nhà nước, cách làm trên đã nâng cao hiệu suất, hiệu quả công tác về giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người sử dụng đất.

Một số tỉnh đã hoàn thành việc triển khai trên toàn địa bàn với tỷ lệ hồ sơ đăng ký đất đai được tiếp nhận và giải quyết bằng phương thức trao đổi thông tin điện tử liên thông rất cao. Ví dụ, tại Bình Dương, 9/9 địa bàn cấp huyện đã triển khai với tổng số hồ sơ trao đổi theo hình thức điện tử là 65,3% và 82,95% trong số đó được trả kết quả điện tử.

Hoặc Đà Nẵng có 7/8 địa bàn cấp huyện với tổng số hồ sơ trao đổi theo hình thức điện tử là 85,61% và 98,40% trong số đó được trả kết quả điện

Tuy nhiên, ngược lại, một số tỉnh, thành phố đã triển khai nhưng mức độ chưa cao như: Thành phố Hồ Chí Minh 10/24 địa bàn cấp huyện; Bà Rịa Vũng Tàu 5/8 địa bàn cấp huyện.

Riêng địa bàn Hà Nội, mặc dù đã triển khai cả 30/30 địa bàn cấp huyện, nhưng việc trao đổi lại theo hình thức gửi file scan hồ sơ qua thư điện tử, chưa sử dụng việc kết nối trao đổi trực tiếp bằng ứng dụng. Vì vậy hiệu quả liên thông theo đánh giá còn khá hạn chế.

Vẫn lo kết nối nửa vời?

Vấn đề được báo cáo chỉ ra là việc phân cấp quản lý xử lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai giữa hai cơ quan tại từng tỉnh có sự khác biệt. Phía cơ quan Tài nguyên môi trường có nhiều đầu mối luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai sang cơ quan thuế như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục quản lý đất đai, Phòng tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai và các chi nhánh trực thuộc.

Điều này dẫn đến trong quá trình triển khai thí điểm cơ quan thuế vừa trao đổi bằng hình thức điện tử vừa trao đổi bằng hồ sơ giấy.

Giải pháp được ngành thuế đưa ra là để trao đổi hồ sơ hoàn toàn bằng phương thức điện tử cần có sự thống nhất một đầu mối kết nối với cơ quan Thuế. Cơ quan này kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh có qui định 1 đơn vị đầu mối thực hiện việc kết nối hệ thống ứng dụng với ngành thuế.

Ngoài ra, theo tổng kết, việc các cơ quan tài nguyên và môi trường sử dụng nhiều ứng dụng nghiệp vụ khác nhau cũng là một điểm khó cho việc trao đổi kết nối trao đổi thông tin.

Riêng về thời gian giải quyết thủ tục, vấn đề khác được nói tới là, có trường hợp kéo dài, có kết quả rất chậm.

Nguyên nhân bởi theo quy định, về phương án giá đất với một số trường hợp, Sở Tài nguyên và Môi trường phải lập phương án giá đất gửi Hội đồng thẩm định giá đất của địa phương để thẩm định và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, mấu chốt là hiện không có quy định thời gian thực hiện công việc này.

Điều này dẫn đến việc giải quyết hồ sơ đôi khi kéo dài, có kết quả rất chậm làm ảnh hưởng đến công tác đôn đốc thu, xác lập hồ sơ miễn tiền thuê đất

“Để đảm bảo thời gian giải quyết hồ sơ đúng theo quy định, đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố quy định rõ trách nhiệm và thời gian thực hiện của các cơ quan nhà nước đối với các nội dung công việc nêu trên,” báo cáo của ngành thuế kiến nghị./.

Hiện nay, đã có thêm một số tỉnh, thành phố đề nghị được Tổng cục Thuế và Tổng cục Đất đai hỗ trợ triển khai mô hình kết nối liên thông điện tử này như: Đồng Tháp, Long An, An Giang, Bình Thuận; Đồng Nai, Lâm Đồng, Huế, Cà Mau, Đắk Lắk, Tiền Giang, Phú Yên.

Xuân Dũng (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/vi-sao-ket-noi-giai-quyet-thu-tuc-dat-dai-van-nua-dien-tu-nua-giay/527988.vnp