Vì sao Israel muốn có chủ quyền đối với cao nguyên Golan?

Israel hiện đang ráo riết vận động đồng minh Mỹ công nhận cao nguyên Golan, nơi Tel Aviv đã chiếm của Syria trong cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, là một phần lãnh thổ của Nhà nước Do Thái.

Đến nay, cộng đồng quốc tế luôn phản đối mưu đồ này của Israel, bởi Golan vốn là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Syria, một quốc gia có chủ quyền. Vậy nguyên nhân nào thôi thúc Israel bằng mọi giá đòi hỏi chủ quyền vô lý đối với vùng đất này?``

An ninh nguồn nước

Năm 1981, Israel áp đặt luật và quyền quản lý đối với cao nguyên Golan. Động thái này được xem là đơn phương sáp nhập Golan vào lãnh thổ Israel. Người dân Golan, chủ yếu là người Arab, đã biểu tình phản đối trong 6 tháng sau quyết định trên. Phản ứng của cộng đồng quốc tế và LHQ đã không thể ngăn chặn Israel xây dựng các khu định cư ở Golan. Mặc dù có diện tích nhỏ, nhưng Golan có vị trí chiến lược quan trọng: Chỉ cách 31 dặm phía Tây Damascus, nhìn xuống phía Nam Lebanon, phía Bắc Israel và phần lớn phía Nam Syria.

Israel còn đi xa hơn nữa với việc kêu gọi Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công nhận Golan là lãnh thổ Israel. Trên thực tế, Israel đã đưa ra vấn đề công nhận Golan là một phần mở rộng tự nhiên của việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Toan tính này đã được một tiểu ban tại Mỹ ủng hộ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, chính quyền Trump đã phát đi các thông điệp chưa rõ ràng. Đầu tháng 9-2018, Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman nói rằng "thành thật mà nói, tôi không thể tưởng tượng được việc Golan không phải là một phần vĩnh viễn của Israel", nhưng chỉ một tháng trước đó, trong chuyến thăm Israel, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, John Bolton phát biểu "chưa có các thảo luận về việc công nhận Israel có chủ quyền đối với cao nguyên Golan”.

Washington có thể còn lâu nữa mới đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này. Việc Mỹ công nhận Golan thuộc về Israel không có giá trị pháp lý quốc tế, nhưng sẽ đe dọa ổn định khu vực. Tuy vậy, việc Israel vận động Mỹ công nhận nước này có chủ quyền đối với Golan bất chấp các tác động về địa chính trị và an ninh là vì Golan có nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn nước. Việc kiểm soát được nguồn nước tại khu vực này trở thành tài sản vô giá của Israel trong hàng chục năm qua. Các quan ngại của Israel về an ninh nguồn nước chính là động cơ thúc đẩy nước này đề nghị Mỹ công nhận Israel có chủ quyền đối với Golan.

Binh sĩ Israel trong một buổi huấn luyện trên Cao nguyên Golan. Ảnh tư liệu

Tranh chấp nguồn nước

Hiện tại, Israel lợi dụng sự bất ổn tại Syria làm vỏ bọc cho việc vận động Mỹ công nhận Israel có chủ quyền với Golan, khu vực chứa nguồn nước quan trọng. Golan tiếp cận hai hệ thống nước chính tại khu vực là: Hệ thống nước ngầm chảy vào sông Jordan và hệ thống nước ngầm dẫn tới khu vực phía Tây cao nguyên nay và hồ Tiberias, sông Yarmuk tại phía Nam. Ngoài ra, khu vực này có hơn 200 mạch nước ngầm và hồ chứa nước ngầm, nhiều mạch nước ngầm đã được Israel dẫn về các khu vực chứa nước dành cho người định cư Do Thái. Từ năm 1984, Israel đã xây dựng 8 giếng khoan nước sâu để lấy nước từ lãnh thổ Syria. Từ đó đến nay, Israel đã khai thác được hơn 2,6 tỷ gallon nước, chủ yếu là để sử dụng cho các khu định cư Do Thái mà hệ thống nước từ Israel không thể tiếp cận được.

Hiện nay, hơn 1/3 nguồn nước sạch của Israel được khai thác từ Golan. Vùng lãnh thổ này có nguồn nước tự nhiên rất sạch. Năm 1968, Israel đã thông qua một loạt điều luật, khởi đầu là Luật thiết quân luật số 120 chỉ cho phép Israel là bên duy nhất được tiếp cận các nguồn nước tại Golan. Điều luật này nhằm giải quyết vấn đề bên sở hữu đất không đồng nghĩa là sở hữu nguồn nước ngầm dưới lòng đất. Điều luật trên của Israel đã tác động mạnh đến những người nông dân Arab tại khu vực này vì họ canh tác nông nghiệp phụ thuộc vào nguồn nước ngầm nêu trên. Những người nông dân mất quyền tiếp cận nguồn nước mà tổ tiên họ sử dụng trong nhiều năm trước. Điều trớ trêu, họ đã phải mua nước từ Israel trên chính mảnh đất của tổ tiên để lại với giá cao và chỉ đủ cho mức sinh hoạt tối thiểu.

Israel xếp thứ 19 trên thế giới về mức độ cần nước và tình hình có thể còn tồi tệ hơn do tác động của biến đổi khí hậu. Năm 1995, cựu Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin phát biểu: "Điều nguy hiểm nhất Israel phải đối mặt trong đàm phán với Syria là khả năng mất quyền kiểm soát các nguồn nước tại cao nguyên Golan". Khi nước trở thành mặt hàng ngày càng có giá trị trên thị trường và bàn đàm phán chính trị, các cuộc chiến tranh giành nguồn nước đã được dự báo sẽ xảy ra tại khu vực. Rõ ràng, các vấn đề liên quan đến nước sẽ là vấn đề chính trong bất kỳ đàm phán nào trong tương lai giữa Israel và Syria.

Nguồn nước phong phú tại Golan là lý do chính khiến Israel muốn có chủ quyền vĩnh viễn đối với vùng lãnh thổ này. Việc chiếm đóng lâu dài sẽ giúp Israel bảo đảm an ninh nguồn nước. Ngoài ra, một số báo cáo còn gây tranh cãi cũng cho biết Golan có thể có trữ lượng lớn về dầu mỏ. Trong nỗ lực cạnh tranh để trở thành quốc gia cung cấp năng lượng tại khu vực, Israel đã tiến hành khoan thăm dò năm 2014. Khu vực được tiến hành khoan bao gồm khoảng 1/3 diện tích Golan, đã trực tiếp đe dọa đến hệ sinh thái cũng như chất lượng nguồn nước ngầm.

Đối với Israel, việc có được chủ quyền đối với Golan sẽ cho phép Israel tiếp tục khai thác nguồn nước tại đây mặc cho hơn 26.000 người Syria phải chịu sự bất công. Syria là bên thua cuộc. Người Syria đã rơi vào vòng xoáy bạo lực trong hơn một nửa thế kỷ và việc công nhận Israel có chủ quyền đối với Golan sẽ chấm dứt những hi vọng về đoàn tụ gia đình cũng như việc trở lại Golan. Chính sách chia tách gia đình của Israel từ năm 1967 tiếp tục vi phạm nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế. Việc công nhận cũng sẽ đánh dấu sự thay đổi về cán cân quyền lực tại khu vực, tiếp tục làm xói mòn triển vọng hòa bình giữa Israel và Syria.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vi-sao-israel-muon-co-chu-quyen-doi-voi-cao-nguyen-golan-127424.html