Vì sao Huawei trở thành 'ác mộng an ninh' phương Tây?

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tưởng chừng đã bớt căng thẳng sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Argentina mới đây. Thế nhưng, việc Phó Chủ tịch kiêm GĐ Tài chính của Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu của Mỹ đang khiến căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang.

Vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu

Bà Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập Huawei Nhiệm Chính Phi đã bị bắt ngày 1-12 tại Vancouver (Canada) khi quá cảnh tại đây, và hiện đang có nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ. Tuy nhiên, mãi đến ngày 6-12, vụ việc mới được thông báo.

“Một cú sét đánh dành cho Huawei” hay vụ việc “đe dọa “đình chiến” thương mại mong manh giữa Bắc Kinh và Washington” là những nhận định chung của nhiều tờ báo lớn. Tư pháp Canada không cho biết rõ động cơ của vụ bắt giữ, nhưng ngay trong ngày hôm đó, truyền thông quốc tế đưa tin chính quyền Washington nghi ngờ bà Mạnh Vãn Chu đã vi phạm các lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào Iran.

Một ngày sau khi vụ bắt giữ được thông báo, hôm 7-12, một tòa án Canada đã tiến hành phiên điều trần về cáo buộc Huawei thông qua Skysom Tech, một DN làm ăn với các Cty viễn thông Iran, để bán các thiết bị cho nước Cộng hòa Hồi giáo này trong giai đoạn năm 2009-2014, vi phạm lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt.

Trong phiên điều trần, luật sư của Chính phủ Canada cho biết bà Mạnh Vãn Chu bị cáo buộc lừa dối các ngân hàng Mỹ khi khẳng định không có mối liên hệ nào giữa Skycom và Huawei trong khi thực tế chứng minh điều ngược lại. Khẳng định này khiến các ngân hàng vẫn tiến hành các giao dịch vi phạm lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt với Iran.

Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu là hành vi vi phạm nhân quyền và yêu cầu giới chức liên quan ngay lập tức trả tự do cho bà. Theo hãng tin Reuters, ngày 9-12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu Đại sứ Mỹ Terry Branstad để phản đối mạnh mẽ về vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, đồng thời nhấn mạnh Mỹ cần rút lại lệnh bắt giữ nhân vật này.

Thứ trưởng Ngoại giao Lạc Ngọc Thành đã nói với Đại sứ Mỹ rằng những biện pháp tiếp theo của Bắc Kinh sẽ dựa vào các hành động của Mỹ. Ông Lạc Ngọc Thành nhấn mạnh phía Mỹ đã vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc, và tính chất của sự vi phạm này là rất tồi tệ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ có các biện pháp kịp thời để sửa chữa những sai lầm và thu hồi lệnh bắt giữ nhằm vào công dân Trung Quốc Mạnh Vãn Chu.

Bà Mạnh Vãn Chu - một quan chức trọng yếu của Huawei. (Ảnh: H.Phúc)

Những lo ngại đối với Huawei

Trên thực tế, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu dường như là một hành động đã được tính toán từ trước của giới chức Mỹ, bởi đằng sau những ồn ào này là mối lo ngại đã có từ lâu của giới tình báo phương Tây về Huawei.

Còn nhớ, hồi tháng 4 năm nay, Nhật báo Phố Wall (Wall Street Journal) của Mỹ đưa tin: Từ năm 2016, tư pháp Mỹ đã điều tra Huawei, nghi ngờ tập đoàn này cung cấp các thiết bị của Mỹ cho hãng viễn thông chính của Iran bất chấp lệnh cấm vận. Bên cạnh đó, Mỹ cũng như một số nước đồng minh ngày càng tỏ thái độ ngờ vực Huawei.

Những nước này lo ngại về mối quan hệ quá gần gũi giữa Huawei với quân đội và chính phủ Trung Quốc. Mọi chỉ trích nhắm vào ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập tập đoàn, cha của bà Mạnh Vãn Chu. Ông Nhậm Chính Phi từng là kỹ sư thiết kế mạng lưới viễn thông cho quân đội Trung Quốc trong vòng 10 năm. Ông rời quân đội năm 1983, rồi thành lập Huawei 4 năm sau đó.

Người ta lo ngại rằng quân đội và tình báo Trung Quốc có thể cài đặt các phần mềm hoặc phần cứng “cửa hậu” vào các sản phẩm của Huawei để khai thác, tấn công hoặc vô hiệu hóa mạng lưới không dây của nước ngoài trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Lo ngại này đã khiến Mỹ quyết định cấm sử dụng các linh kiện và sản phẩm Trung Quốc trong các hạ tầng công nghệ của mình.

Huawei tuyên bố các sản phẩm của họ hiện được 1/3 dân số thế giới sử dụng và hỗ trợ cung cấp lượng thông tin lớn cho các DN. Đó là lý do vì sao giới tình báo phương Tây lo ngại rằng các phần mềm hoặc linh kiện “cửa hậu” có thể được cài vào các thiết bị của Huawei và dùng để đánh cắp những thông tin nhạy cảm.

Hơn thế nữa, Huawei không chỉ sản xuất các thiết bị đơn thuần mà những sản phẩm này còn có thể kết nối tới hệ thống không dây để tiến hành cài đặt các bản nâng cấp và bản vá lỗi. Nhiều người lo ngại khả năng kết nối từ xa này có thể bị các tin tặc Trung Quốc lợi dụng.

Các DN viễn thông trên thế giới đang rục rịch vận hành thế hệ mạng không dây 5G. Không chỉ tăng tốc độ truyền tải dữ liệu, mạng 5G còn có thể cho phép các xe hơi tự lái tương tác với nhau và tương tác với những thiết bị khác như đèn tín hiệu thông minh.

Mạng lưới này cũng kết nối và kiểm soát một lượng lớn rôbốt tại các nhà máy và các địa điểm khác. Quân đội sẽ sử dụng mạng lưới này trong các thiết bị thông minh. Sự hiện diện của 5G sẽ tăng đáng kể số lượng các thiết bị kết nối, và tất nhiên là làm gia tăng nguy cơ trong trường hợp mạng lưới này bị tấn công.

Số lượng các tập đoàn và khối lượng dữ liệu trở thành đích ngắm của tin tặc cũng sẽ gia tăng đáng kể. Cả Australia và New Zealand gần đây đều đã cấm sử dụng các thiết bị của Huawei trong việc lắp đặt hạ tầng 5G. Tập đoàn viễn thông BT của Anh cũng vừa có bước đi tương tự.

Huawei nhiều lần khẳng định họ là DN tư nhân, ám chỉ rằng không có lý do gì để các khách hàng mất niềm tin vào tính độc lập và bảo toàn thông tin của các sản phẩm mà họ cung cấp. Tuy nhiên, cơ cấu quản trị của Huawei vẫn là điều nằm trong vòng bí mật. Rõ ràng, vì lý do gì đi chăng nữa, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu cũng là một điểm nhấn nữa cho thấy đây chỉ là một giai đoạn mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vi-sao-huawei-tro-thanh-ac-mong-an-ninh-phuong-tay-130064.html