Vì sao Huawei bị nghi ngờ?

Ngay cả trước khi xảy ra vụ bắt giam bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính kiêm Phó chủ tịch Huawei, tập đoàn này đã bị nhiều nước phương Tây tẩy chay không mua sản phẩm nữa. Vì sao?

Huawei vừa qua mặt Apple mặc dù không bán điện thoại tại thị trường Mỹ.

Trước hết, cần biết Huawei là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới đồng thời là nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Samsung và vừa qua mặt Apple mặc dù không bán điện thoại tại thị trường Mỹ. Với Trung Quốc, Huawei là một doanh nghiệp vươn ra toàn cầu thành công, hiện đang tuyển dụng 180.000 nhân viên, đang xây dựng mạng lưới viễn thông cho nhiều nước ở châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ.

Chúng ta thường nghe nhắc đến tập đoàn Alibaba như một tập đoàn lớn của Trung Quốc chứ thật ra doanh thu của Huawei lớn gấp 3 lần, năm ngoái lên đến 92,5 tỉ đô la. Huawei bỏ ra đến 13 tỉ đô la để làm nghiên cứu và phát triển, đang có những bước tiên phong trong công nghệ 5G, trước nhiều nước khác. Theo Wall Street Journal, Huawei chiếm 22% thị phần thiết bị viễn thông thế giới trong khi Nokia đứng thứ 2 chỉ chiếm 13%; còn lại là Ericsson (11%) và ZTE (10%)...

Huawei rơi vào tầm ngắm của Chính phủ Mỹ từ năm 2012 khi một báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cho rằng doanh nghiệp này đặt ra một mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Mỹ vì sản phẩm của Huawei có thể bị sử dụng vào mục đích gián điệp. Từ đó Huawei chuyển hướng tập trung vào các thị trường khác, năm ngoái trong 92,5 tỉ đô la doanh thu hơn một phần tư đến từ châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Mặc khác, Huawei nhấn mạnh họ là doanh nghiệp do nhân viên làm chủ, không phải là công cụ của chính quyền Trung Quốc. Họ lập luận sản phẩm của họ là an toàn vì cùng chia sẻ chuỗi cung ứng linh kiện chung với các doanh nghiệp khác. Để bán hàng vào Anh, họ đã mở rộng cửa cho chính quyền Anh kiểm tra thiết bị của họ tại một phòng thí nghiệm độc lập.

Thế nhưng từ đầu năm nay khi Huawei phát triển công nghệ 5G cho mạng di động trong khi các đối thủ cạnh tranh hầu như chưa có sản phẩm để bán, Mỹ lo ngại có ngày các doanh nghiệp Mỹ buộc phải mua sản phẩm của Huawei. Không rõ vì Mỹ sợ sản phẩm của Huawei sẽ có lỗ hổng giúp do thám bí mật hay muốn ngáng đường một doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc mà Mỹ đã kêu gọi các nước phương Tây tẩy chay sản phẩm của Huawei.

Mạng di động thế hệ thứ năm, tức 5G, được xem là nhạy cảm hơn các thế hệ trước đó vì đây sẽ là hạ tầng cho công nghệ vạn vật kết nối, mọi dụng cụ thiết bị quanh ta đều được kết nối với Internet, kể cả mạng lưới điện, các hệ thống xe tự hành. Chỉ cần tin tặc xâm nhập được vào các thiết bị 5G xem như chúng sẽ điều khiển mọi thứ trong nhà, công sở và mọi hệ thống công cộng. Với các nước đồng minh Mỹ tô đậm rủi ro các nước dùng thiết bị của Huawei thì các căn cứ quân sự của Mỹ ở những nước này sẽ bị đe dọa.

Thế là Úc cấm Huawei cung cấp công nghệ cho mạng điện thoại di động thế hệ thứ năm của họ. New Zealand ngăn một doanh nghiệp viễn thông hàng đầu của nước này mua thiết bị 5G từ Huawei. Anh và Canada lưỡng lự chưa quyết định có nên cho phép Huawei xây dựng hạ tầng 5G cho mình không. Lý do các nước đưa ra khá mơ hồ, phần lớn dựa vào sự lo ngại của các đại biểu lập pháp rằng nếu Huawei chịu sự chi phối của Chính phủ Trung Quốc thì sản phẩm của họ đặt ra một rủi ro về an ninh không thể chấp nhận. Nhiều nhà bình luận cho rằng thực chất đây là một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ, các nước đồng minh và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao nhằm kiểm soát một thế giới ngày càng kết nối, dễ bị xâm nhập.

Tờ New York Times nhận định đằng sau cuộc chiến dựa trên thuế thật ra Washington và Bắc Kinh đang đấu nhau dữ dội để giành vị trí thống lĩnh trong các lĩnh vực công nghệ tương lai như siêu máy tính, trí tuệ thông minh nhân tạo, Internet di động 5G. Huawei là một trường hợp điển hình rơi vào sàn đấu này. Thật khó tưởng tượng dưới con mắt dò xét của cả thế giới từ mối nghi ngờ của Mỹ vào năm 2012 mà Huawei vẫn dùng sản phẩm của mình vào mục đích do thám, đánh cắp bí mật công nghệ... Chính người sáng lập Huawei, Nhậm Chính Phi, cha của Mạnh Vãn Châu vừa bị bắt, cũng vạch chiến lược ẩn nhẫn chờ thời trong một thư nội bộ do New York Times trích dẫn.

Ngoài Huawei, Mỹ còn nhắm đến ZTE, một doanh nghiệp Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh của Huawei. Tháng 4 năm nay, Bộ Thương mại Mỹ cấm ZTE dùng các linh kiện sản xuất ở Mỹ sau khi cáo buộc doanh nghiệp này không có biện pháp ngăn chặn nhân viên vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran và CHDCND Triều Tiên. Cấm như thế coi như trói tay ZTE vì họ phụ thuộc rất lớn vào chip Qualcomm sản xuất ở Mỹ và nhiều công nghệ khác.

Vấn đề là để điều tra ZTE Mỹ điều tra luôn Huawei và xác định một số ngóc ngách được dùng để tránh lệnh cấm vận của Mỹ. Ban đầu Bộ Thương mại Mỹ yêu cầu Huawei cung cấp thông tin về hoạt động xuất khẩu công nghệ Mỹ đến một số nước. Sau đó Bộ Tư pháp Mỹ vào cuộc, chính thức điều tra Huawei về cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận.

Một bài bình luận của hãng tin Bloomberg cho rằng động thái của Mỹ đối phó với Huawei và ZTE có thể nhằm để buộc Trung Quốc vẫn ở vị trí nhà cung cấp sản phẩm rẻ tiền chứ không phải là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm. Đây là một phần trong một chiến dịch lớn hơn đang được triển khai. Chẳng hạn luật xuất khẩu sửa đổi của Mỹ tăng cường giám sát loại hàng xuất khẩu mang tính “công nghệ nền tảng”, “công nghệ mới nổi” vì chúng có tầm quan trọng đối với an ninh quốc gia. Một biện pháp khác là các hạn chế đầu tư Mỹ vừa đặt ra để ngăn chặn vốn đầu tư của Trung Quốc đổ vào doanh nghiệp công nghệ Mỹ. Rất nhiều thương vụ đã bị hủy vì các hạn chế này.

Trình chiếu Powerpoint bị xem là lừa đảo!

Một bài báo của hãng tin Reuters phát ra vào năm 2013 cho rằng Huawei sử dụng công ty đặt ở Hồng Kông, tên là Skycom Tech để bán thiết bị máy tính cho các công ty viễn thông ở Iran, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ lúc đó đang áp lên Iran. Nhiều ngân hàng ở Mỹ có tham gia vào các thương vụ mua bán này đã chất vấn Huawei xem bài báo có đúng không.

Vào thời điểm đó, bà Mạnh Vãn Châu đã họp với lãnh đạo của một trong các ngân hàng này. Trình bày qua thông dịch kèm các trang Powerpoint trình chiếu bằng tiếng Trung, bà Mạnh cam đoan Huawei hoạt động ở Iran hoàn toàn tuân thủ lệnh cấm vận của Mỹ. Bà cũng nói mối quan hệ giữa Huawei và Skycom là mối quan hệ thương mại thuần túy; Huawei đã bán hết cổ phần trong Skycom.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282814/vi-sao-huawei-bi-nghi-ngo-.html