Vì sao Hollywood sẵn sàng chiều lòng người Trung Quốc?

Việc 'Thợ săn quái vật' bị gỡ lịch tại Trung Quốc chỉ bởi một câu thoại chứng minh quyền lực của thị trường này. Hollywood từng nhiều lần nhượng bộ để tiếp cận quốc gia tỷ dân.

Việc Monster Hunter bị gỡ lịch tại Trung Quốc chỉ sau một ngày trình chiếu thêm một lần nữa khẳng định quyền lực của khán giả ở quốc gia tỷ dân. Chỉ bởi câu thoại thiếu tinh tế “người Trung Quốc, đầu gối dơ bẩn”, bộ phim có kinh phí đầu tư 60 triệu USD đánh mất cơ hội kiếm tiền ở thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới.

Trước khi xảy ra vụ việc, tình trạng các hãng phim của Hollywood chỉnh sửa tác phẩm để dễ dàng tiếp cận thị trường Trung Quốc không phải là hiếm.

Báo cáo mới cho thấy chính phủ Mỹ và nhiều tổ chức phi lợi nhuận đang chỉ trích việc này. Tình trạng phim của Hollywood chịu kiểm duyệt để chiều lòng Trung Quốc ngày càng phổ biến.

Hollywood chiều lòng Trung Quốc đến mức nào?

Trở lại câu chuyện cuối tuần qua, Monster Hunter nhanh chóng bị gạt khỏi phòng vé Trung Quốc sau câu thoại bị số đông miệt thị. Trong cảnh đầu phim, nhân vật do rapper người Mỹ gốc Á MC Jin đùa cợt với đồng đội rằng: "Đây là loại đầu gối gì nhỉ? Là Trung Quốc đó".

Câu nói xuất phát từ bài đồng dao xưa mang hàm ý phân biệt chủng tộc, thường được những đứa trẻ không phải gốc Á sử dụng tại Mỹ.

Theo tạp chí Variety, đáng nói hơn, bộ phim đã dịch phụ đề câu đùa sang ý nghĩa hoàn toàn khác, được cho là động chạm đến cả phong tục truyền thống của Trung Quốc. “Đàn ông có vàng dưới đầu gối, họ chỉ quỳ lạy trời đất và cha mẹ”. Câu dịch mang ngụ ý bất cứ lúc nào đàn ông quỳ xuống, đó là dịp quý như vàng.

Monster Hunter đánh mất cơ hội trở lại thị trường Trung Quốc. Ảnh: Outnow.

Monster Hunter đánh mất cơ hội trở lại thị trường Trung Quốc. Ảnh: Outnow.

Theo Deadline, câu đùa phản cảm sẽ bị cắt hoàn toàn khỏi bộ phim. Constantin Film, một trong các công ty tham gia sản xuất Monster Hunter, chính thức gửi lời xin lỗi khán giả và thông báo sẽ tiến hành loại câu thoại gây tranh cãi ở toàn bộ phiên bản.

Tuy nhiên, khả năng Monster Hunter trở lại thị trường Trung Quốc gần như là con số 0. Việc bộ phim được chuyển thể từ tựa game đình đám bị gạch tên nhanh gọn chỉ sau một ngày trình chiếu thêm một lần nữa chứng minh quyền lực của Trung Quốc đối với Hollywood.

Trước đây, giới làm phim ở kinh đô điện ảnh từng sẵn sàng “phục tùng” khâu kiểm duyệt tại quốc gia này để tiến vào thị trường tiềm năng.

Hãng Paramount từng yêu cầu các nhà sản xuất của World War Z (2013) loại bỏ cảnh quay virus zombie gây ra ngày tận thế có thể bắt nguồn từ Trung Quốc. Cuối cùng, dù loại bỏ cảnh này bộ phim thu về 540 triệu USD trên toàn cầu, tác phẩm của Brad Pitt không bao giờ được phát hành ở Trung Quốc.

Nhiều người suy đoán việc này bắt nguồn từ chuyện thị trường tỷ dân không khuyến khích các phim về xác sống. Tuy nhiên, một số tờ báo phương Tây lại cho rằng Brad Pitt nằm trong "danh sách đen" do từng đóng chính trong bộ phim 7 Years in Tibet (1997).

Với Doctor Strange (2016), Marvel Studios sẵn sàng đối mặt với những chỉ trích do đã tẩy trắng một nhân vật gốc châu Á và trao cho Tilda Swinton thể hiện. Hãng phim đồng thời không đề cập tới nguồn gốc của Ancient One như nguyên tác.

Nhiều dự án lớn của Hollywood chiều lòng chính phủ Trung Quốc để tiến vào thị trường tỷ dân. Ảnh: Paramount, Marvel Studios.

Bộ phim Top Gun: Maverick do Paramount sản xuất cũng xóa đi hai lá cờ trên áo khoác phi công của Pete “Maverick” Mitchell (Tom Cruise) so với phục trang phần đầu năm 1986 do lo ngại gặp khó khăn khi kiểm duyệt tại Trung Quốc.

Hay Marvel Studios từng gây xôn xao dư luận khi định chọn Lưu Đức Hoa cho vai tiến sĩ Wu ở Iron Man 3 (2013). Song, do muốn dành thời gian cho con gái mới sinh, tài tử bèn nhường lại cơ hội cho Vương Học Kỳ.

Đến khi ra rạp, phân đoạn đối thoại giữa tiến sĩ Wu và nhân vật do Phạm Băng Băng thể hiện hóa ra chỉ xuất hiện trong phiên bản chiếu rạp ở Trung Quốc. Đây được xem là cách chiều lòng khán giả và chính quyền nước này của xưởng phim siêu anh hùng.

Hollywood sợ mất nguồn lợi nhuận khổng lồ

Ngày 5/8, PEN - tổ chức Văn bút Mỹ - đưa ra nghiên cứu dài 94 trang về hiện trạng làm phim ở Hollywood.

Với tiêu đề Phim sản xuất tại Hollywood nhưng do Bắc Kinh kiểm duyệt, báo cáo nêu ra vấn đề các đạo diễn hạng A ngày càng đưa ra quyết định - về dàn diễn viên, cốt truyện, lời thoại và bối cảnh - dựa trên nỗ lực tránh gây phản cảm với quan chức, người dân Trung Quốc.

Những tựa phim đình đám như Doctor Strange, World War Z Top Gun: Maverick đều trùng khớp với những lời chỉ trích. Các hãng phim không dám làm phật lòng yêu cầu kiểm duyệt của Trung Quốc.

Cảnh gốc Vạn Lý Trường Thành sụp đổ được thay thế bằng đền Taj Mahal (Ấn Độ) là cách để Pixels (2015) có thể ra rạp tại Trung Quốc. Ảnh: Columbia Pictures.

Trở lại năm 1998, Giám đốc Disney lúc bấy giờ là Michael Eisner đã lên tiếng xin lỗi về Kundun - bộ phim có nội dung nhạy cảm với Trung Quốc. Thậm chí, hãng thuê cả cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger để giúp giải quyết sự cố.

Đến nay, Kundun không có trên hệ thống Disney+. Hãng phim cũng không trả lời khi được hỏi liệu họ có kế hoạch đưa bộ phim trở lại hay không.

Năm 2019, các bộ phim Hollywood kiếm được 2,6 tỷ USD ở Trung Quốc, trong đó Avengers: Endgame đóng góp 614 triệu USD. Nhiều chuyên gia phòng vé nhận định nếu không có quốc gia tỷ dân thì bom tấn siêu anh hùng không thể phá kỷ lục phòng vé mọi thời đại của Avatar (2009).

Theo CNN, có lẽ do cân nhắc những vấn đề về lợi nhuận, Disney cũng tránh đưa ra những bình luận xung quanh những phát ngôn gây tranh cãi của Lưu Diệc Phi trước khi Mulan ra mắt.

Chính quyền Mỹ cũng đã vào cuộc. Trong bài phát biểu ngày 16/7, William Barr, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, cho rằng các hãng phim đã quá chiều theo ý Trung Quốc.

Trong báo cáo của PEN Mỹ, hiện tượng tự kiểm duyệt ngày càng tăng ở các hãng phim. Do lo sợ phim của mình bị từ chối gia nhập thị trường béo bở, việc nhà sản xuất chiều theo ý dân Trung Quốc trở thành hiện tượng phổ biến.

Abominable (2019) từng gây tranh cãi dữ dội và bị cấm chiếu ở nhiều quốc gia chỉ vì đưa đường lưỡi bò phi pháp vào phim hoạt hình. Ảnh: DreamWorks Animation.

Những bộ phim như 7 Years in Tibet dần được thay thế bằng Abominable (2019) - bộ phim chứa đựng hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp.

Với những động thái đó, ngành công nghiệp này có thể bị dán một cái mác không mấy tốt đẹp. Luồng chỉ trích cho rằng Hollywood là những kẻ đạo đức giả.

“Hollywood từ lâu nổi tiếng là sẵn sàng nói lên sự thật, thậm chí chỉ trích quyền lực của chính phủ Mỹ. Song, điều chúng tôi cần là tiêu chuẩn đó cần được áp dụng cho phần còn lại của thế giới”, đại diện của PEN khẳng định.

Trạch Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-hollywood-san-sang-chieu-long-nguoi-trung-quoc-post1160273.html