Vì sao hoạt động phát triển vũ khí trong nước của Ấn Độ vẫn bế tắc?

Ông Arvind Gupta, một cố vấn quốc phòng Ấn Độ mới đây đã đưa ra nhận định của mình về những gì Ấn Độ phải làm để hiện đại hóa lực lượng quân đội của mình trong bối cảnh họ phải đối mặt với quá nhiều hiểm họa.

Lúc này ở khu vực phía tây, Pakistan, mặc dù quân số không bằng Ấn Độ, song lại đang đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Họ đang được Trung Quốc hỗ trợ một cách hào phóng để phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân. Khoảng cách giữa quân đội Ấn Độ và Pakistan mặc dù vẫn còn lớn, song đang dần thu hẹp lại ở một số lĩnh vực. Pakistan cũng đang khai thác các công nghệ quân sự từ Nga, Ukraine và Cộng hòa Séc, và trong nhiều năm qua họ đã xây dựng được một ngành công nghiệp phát triển công nghệ quốc phòng trong nước với sự trợ giúp của Trung Quốc.

Ấn Độ vẫn gặp khó khăn trong việc tự phát triển khí tài quân sự của riêng mình.

Ấn Độ vẫn gặp khó khăn trong việc tự phát triển khí tài quân sự của riêng mình.

Bản thân Trung Quốc, một quốc gia giáp ranh Ấn Độ khác, cũng đang có những bước tiến dài trong việc sản xuất các loại vũ khí khác nhau, từ tàu chiến cho đến máy bay, tên lửa chống hạm, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Họ đã có một hệ thống nghiên cứu và sản xuất quốc phòng quy mô lớn, và chi tiêu quốc phòng của họ giờ đây chỉ đứng sau Mỹ. Trung Quốc cũng đang trở thành một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới, và sự hợp tác giữa nước này và Pakistan đang là thách thức lớn đối với an ninh Ấn Độ.

Để đối phó với những thách thức nêu trên, quân đội Ấn Độ đang được hiện đại hóa. Trong nhiều năm qua Ấn Độ đã có được những loại vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại và đang dần chuẩn bị để trở thành một lực lượng hoạt động bằng mạng thông tin. Tuy vậy, cần phải nói rằng Ấn Độ vẫn tiếp tục nhập khẩu các công nghệ quốc phòng từ các nước khác. Ví dụ, Ấn Độ đã mua tàu sân bay Vikramaditya và tên lửa phòng không S-400 từ Nga, máy bay vận tải C-17 Globemaster và C-130 của Mỹ.

Từ lâu, quân đội Ấn Độ đã có một danh sách dài gồm những thiết bị mà họ muốn nhập khẩu về lâu dài. Việc họ vẫn tiếp tục mua các loại khí tài, thiết bị hiện đại, thậm chí là đạn dược từ nước ngoài cho thấy rằng Ấn Độ vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi có thể hoàn toàn tự lực trong việc phát triển công nghệ quốc phòng.

Hiện tại, công cuộc hiện đại hóa quân đội Ấn Độ đều phụ thuộc vào hai yếu tố chính là Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) và các Công ty Quốc phòng Chính phủ (DPSU). DRDO sẽ là đơn vị phát triển các thiết kế khí tài quân sự, còn các DPSU sẽ sản xuất chúng. Đối với các loại tên lửa chiến lược, DRDO thực hiện từ khâu thiết kế đến sản xuất. Sau nhiều năm, các DPSU và DRDO đã thỏa mãn được những nhu cầu của lực lượng vũ trang Ấn Độ và ở một mức độ nào đó những gì họ đạt được là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể giúp thúc đẩy công cuộc phát triển vũ khí trong nước.

Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa sẵn sàng để phục vụ nhu cầu của quân đội Ấn Độ bởi họ không được chính phủ cho phép tham gia vào hoạt động sản xuất sản phẩm quốc phòng. Các công ty vừa và nhỏ vẫn chưa đủ lớn và vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp khổng lồ. Tình trạng này đang dần được thay đổi, nhưng nhìn chung các công ty này vẫn còn nhiều việc phải làm.

Tuy nhiên, vấn đề chủ yếu ở đây đó là nhiều dự án của DRDO đã bị chậm trễ. Nhu cầu của các lực lượng vũ trang Ấn Độ là rất gấp và vì vậy họ thường chọn phương án nhập khẩu khí tài quân sự thay vì chờ đợi một dự án của DRDO được hoàn tất.

Những vấn đề mà DRDO gặp phải cũng rất nhiều, từ việc thiếu nhân lực trong nhiều bộ phận khác nhau cho đến sự thiếu phối hợp với các lực lượng quân đội. Để có thể cạnh tranh với các tổ chức nghiên cứu quốc phòng khác trên thế giới, DRDO phải có một đội ngũ nhân sự lớn, được đào tạo tốt hơn và có động lực hơn, ngoài ra họ cần có ngân sách lớn hơn và được tự do hoạt động hơn.

Vấn đề chậm trễ của DRDO cũng cần phải được nhìn nhận một cách khách quan, khi hoạt động nghiên cứu và phát triển vũ khí của cơ quan này không được thiết kế để có thể thực hiện đúng thời hạn. Lực lượng vũ trang Ấn Độ là khách hàng duy nhất của họ và lộ trình phát triển công nghệ quân sự (viết tắt là LTIPP) có thời gian 15 năm.

Trên thực tế, kế hoạch này quá chung chung và không xác lập được những gì cần phải làm cụ thể. Ví dụ, LTIPP nói rằng lực lượng vũ trang Ấn Độ sẽ cần có các hệ thống cảm biến dựa vào vệ tinh vũ trụ, nhưng lại không cung cấp số lượng cần thiết cũng như các thông số của chúng. Nếu không có những thông tin này, DRDO không thể bắt đầu dự án.

Chỉ đến khi quân đội đưa ra yêu cầu của mình, những thông tin này mới được tiếp nhận. Tuy nhiên đến lúc đó thì đã quá muộn để DRDO có thể thiết kế loại vũ khí trong nước có thể thỏa mãn nhu cầu của lực lượng vũ trang.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vi-sao-hoat-dong-phat-trien-vu-khi-trong-nuoc-cua-an-do-van-be-tac-post271874.info