Vì sao hệ thống phòng không S-200 Syria thường xuyên bị tiêm kích Israel 'vồ đẹp'?

Theo cáo báo sơ bộ, trong cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu tại thủ đô Damascus của Syria tối qua, ít nhất 1 tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-200 Angara đã bị tiêm kích Israel phá hủy.

Như vậy thêm một lần nữa Không quân Israel lại tiến hành oanh kích các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Syria, gây thiệt hại cho đối phương rồi rút lui một cách an toàn.

Điều đáng nói ở đây là trong số các mục tiêu bị tiêm kích Israel phá hủy lại xuất hiện một cái tên quen thuộc, đó là tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-200 Angara (NATO gọi là SA-5 Gammon).

Trong tay Quân đội chính phủ Syria, các tổ hợp tên lửa phòng không S-200 chính là đối tượng thường xuyên được sử dụng nhất để chống lại các cuộc không kích của máy bay Israel.

Tuy nhiên kết quả thu được thật nghèo nàn, chưa tính các cuộc không kích do Mỹ và đồng minh tiến hành hồi tháng 4/2018, kể từ tháng 4/2017 đến nay máy bay Israel đã tiến hành ít nhất 200 phi vụ tấn công trong lãnh thổ Syria.

Trong các trận chiến đó, hầu như S-200 đều góp mặt nhưng nó chỉ bắn hạ được duy nhất 1 tiêm kích F-16D của Israel, còn lại không những hiệu quả kém mà nó còn trở thành đối tượng bị phá hủy nhiều nhất.

Giải thích cho tình trạng trên, ngoài lý do các tổ hợp S-200 của Syria đã rất lạc hậu, hiệu quả chế áp điện tử không theo kịp môi trường tác chiến hiện đại thì còn một nguyên nhân khác rất quan trọng.

Đạn tên lửa đánh chặn 5V28E của có kích thước rất lớn với trọng lượng 7,1 tấn; chiều dài 10,8 m; mang theo đầu đạn nặng 217 kg (chứa bên trong 16.000 mảnh văng loại 2 gram và 21.000 mảnh nhỏ 3,5 gram) cho bán kính sát thương rất rộng và vươn tới cự ly 240 km.

Tuy vậy khả năng cơ động của đạn 5V28E lại rất hạn chế vì Liên Xô chế tạo ra nó nhằm tiêu diệt đối tượng là máy bay ném bom chiến lược tầm xa kích thước khổng lồ, hoạt động ở độ cao lớn của Không lực Hoa Kỳ.

Gặp phải địch thủ là tiêm kích F-15I Ra'am hay F-16I Sufa tối tân có diện tích phản xạ radar nhỏ, tính năng thao diễn cực kỳ linh hoạt, được tích hợp những khí tài tác chiến điện tử tối tân thì S-200 tỏ ra rất yếu thế.

Đài radar cảnh giới kiêm chiếu xạ 5N62 đã lạc hậu của tổ hợp S-200 rất khó dẫn bắn hiệu quả cho đạn 5V28E khi tiêu diệt các mục tiêu bay ở cự ly gần và độ cao thấp như tên lửa hành trình.

Chính vì vậy mà khi đối đầu với Không quân Israel, các tổ hợp tên lửa phòng không S-200 của Syria đã bị hoán đổi từ vị thế kẻ đi săn trở thành người bị săn đuổi.

Những thiệt hại mà S-200 hứng chịu kể từ đầu cuộc chiến tới giờ đã chứng minh rất rõ sự hạn chế về tính năng kỹ chiến thuật của nó, rất cần được sớm triển khai thay thế.

Quân đội Syria vẫn còn những vũ khí đủ sức đối đầu chiến đấu cơ Israel, đó là những hệ thống Buk-M2E, Pechora-2M, hay thậm chí cả Pantsir-SA, nhưng nhược điểm của chúng là tầm bắn chỉ bằng 1/10 tới 1/5 so với S-200, phải chờ máy bay Israel lại gần mới khai hỏa được.

Có lẽ lực lượng phòng không Syria đã phần nào đó ngại đối đầu tiêm kích Israel khi chỉ dùng đạn tầm xa hiệu quả kém để đánh chặn chứ không dùng những tổ hợp tối tân hơn và chấp nhận mạo hiểm chờ tên lửa đối phương bay sát tới vị trí rồi mới ra lệnh phóng.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-vi-sao-he-thong-phong-khong-s200-syria-thuong-xuyen-bi-tiem-kich-israel-vo-dep/782079.antd