Vì sao 'hậu duệ' bò tót rừng bị bỏ đói?

Sau khi dự án trị giá 5 tỷ đồng kết thúc tháng 9/2019, 11 'hậu duệ' của bò tót rừng không có thức ăn tươi, chỉ nhai rơm khô và uống nước suối.

'Hậu duệ' bò tót rừng đói ăn, đứng không vững "Hơn một năm nay đàn bò chỉ ăn rơm khô, uống nước suối. Thương lắm nhưng cũng chịu thôi, nhìn đàn bò gầy yếu nhưng không biết làm cách nào giúp chúng", ông Tích nói.

Liên quan việc đàn bò tót lai F1 ở Vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận) bị bỏ đói gầy trơ xương, Zing đã liên hệ với chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học và lãnh đạo nơi đàn bò được chăm sóc. Tuy nhiên, những người được hỏi đều bất ngờ về tình trạng của đàn bò lai này.

"Tôi rất bất ngờ"

Năm 2008, một con bò tót đực (tên khoa học là Bos gaurus) tách đàn, xuống khu vực rẫy của người dân xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Còn bò tót này sau đó đuổi hết bò đực nhà và giành quyền giao phối với đàn bò cái.

Mấy tháng sau, nhiều bò nhà mang thai và sinh ra bê con có hình dáng y hệt bò tót rừng. Đến năm 2012, hàng chục con bò con lai nối tiếp ra đời.

Dự án Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng sinh sản của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà tại vùng giáp ranh Ninh Thuận và Lâm Đồng do Vườn quốc gia Phước Bình và Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ Lâm Đồng thuộc Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng phối hợp thực hiện.

Nói với Zing, ông Lê Xuân Thám, nguyên Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, cho biết dự án được phê duyệt đem lại hy vọng rất lớn về mặt khoa học cũng như phát triển kinh tế.

“Đây là hiện tượng chỉ xảy ra 1 lần duy nhất. Việc bò rừng giao phối với bò nhà rất khó, còn sinh ra thế hệ F1 nữa thì tôi đánh giá không có trường hợp thứ hai xảy ra trong tự nhiên”, ông Thám đánh giá.

 Đàn bò tót lai F1 gầy trơ xương, suy dinh dưỡng nặng nhiều tháng nay. Ảnh: An Bình.

Đàn bò tót lai F1 gầy trơ xương, suy dinh dưỡng nặng nhiều tháng nay. Ảnh: An Bình.

Đề tài khoa học cấp Nhà nước Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa (do ông Thám làm chủ nhiệm) được Bộ Khoa học Công nghệ phê duyệt năm 2014 mở ra cơ hội cực lớn về bảo tồn gen quý.

Dự án có thời gian thực hiện từ tháng 10/2015, kết thúc 9/2019 với kinh phí khoảng 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi dự án kết thúc đàn bò tót lai F1 bị bỏ đói, suy dinh dưỡng nặng. Cả đàn bò hơn 10 con gầy da bọc xương.

“Mấy hôm nay thấy báo chí phản ánh đàn bò tót F1 bị bỏ đói, suy dinh dưỡng, kiệt sức tôi rất bất ngờ”, ông Thám nói và thừa nhận mình có một phần trách nhiệm.

Nguyên Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng lý giải trách nhiệm của ông là không sâu sát, kiểm tra đàn bò F1 khi dự án kết thúc vào tháng 6/2019.

“Khi kết thúc dự án, tôi có đề xuất giao lại đàn bò cho cơ quan chức năng tiếp tục nuôi dưỡng, nghiên cứu. Nhưng khi mình nghỉ hưu rồi cũng không còn trách nhiệm và không được có trách nhiệm với đàn bò. Tôi làm dự án là vì cái tâm, vì trong nhiều năm tôi và các đồng sự chỉ nhận mỗi người 1 triệu/tháng, không hề có tư lợi gì ở đây cả”, ông Thám phân trần.

Còn ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình, cũng bất ngờ về đàn bò F1 bị bỏ đói.

“Đúng là dự án nằm trong khu vực quản lý của Vườn quốc gia Phước Bình, nhưng lại do Trung tâm ứng dụng Khoa học Công nghệ Lâm Đồng làm chủ. Đến khi báo chí phản ánh đàn bò tót lai F1 bị bỏ đói tôi mới giật mình vì cứ nghĩ lâu nay chúng được chăm sóc tốt”, ông Vân nói.

"Hậu duệ" bò tót rừng kêu cứu

Ngày 29/9, phóng viên Zing có mặt tại thôn Bạc Rây 2 chứng kiến đàn bò tót rừng lai F1 gầy trơ xương. 11 con bò là "hậu duệ" của bò tót rừng hơn một năm nay không có thức ăn tươi, chỉ nhai rơm khô và uống nước suối.

"Hậu duệ" bò tót rừng đứng trước nguy cơ kiệt sức vì không được chăm sóc tốt. Ảnh: An Bình.

"Dự án kết thúc từ tháng 7/2019. Từ đó đàn bò F1 không có cỏ tươi ăn, không ai quan tâm chăm sóc khiến chúng bị suy dinh dưỡng nặng", ông Nguyễn Đình Tích (người trực tiếp nuôi dưỡng đàn bò) nói.

Ông Tích cho biết đã nhiều lần phản ánh nhưng Trung tâm ứng dụng Khoa học Công nghệ Lâm Đồng dặn cố gắng cầm cự, vì dự án đã kết thúc. "Tôi mong muốn cơ quan chức năng làm sao để đàn bò phát triển tự nhiên, chứ để vậy chúng sẽ chết vì suy dinh dưỡng và kệt sức", ông Tích chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Công Vân (Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình) cho biết ngay sáng 30/9, ông đã cử nhân viên trực tiếp xuống nơi nuôi nhốt đàn bò tót F1 để kiểm tra.

“Đây là tài sản rất quý, nên khi báo chí phản ánh Vườn quốc gia Phước Bình quyết định bỏ tiền túi ra để mua thức ăn cho chúng. Tôi nghĩ vẫn còn kịp để cứu đàn bò, trước mắt sẽ cố gắng bồi bổ để chúng phục hồi lại thể trạng”, ông Vân cho hay.

Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình cũng cho biết sau khi dự án kết thúc, đơn vị đã làm báo cáo xin UBND tỉnh, Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận cho chủ trương tiếp nhận đàn bò.

“Cấp trên đồng ý chủ trương rồi, nhưng kinh phí chưa được cấp. Chúng tôi sẽ khoanh vùng nuôi đàn bò theo kiểu bán tự nhiên để chúng phát triển tốt nhất”, ông Vân cho biết thêm.

Xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, nơi đang nuôi 11 con bò tót lai. Ảnh: Google Maps.

An Bình

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-hau-due-bo-tot-rung-bi-bo-doi-post1136602.html