Vì sao hành lang an toàn giao thông trên đường Hòa Lạc - Hòa Bình bị xâm phạm?

Ông Đinh Trọng Tuấn - Trưởng phòng TN&MT huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình cho biết, huyện gặp nhiều khó khăn khi quản lý đất thuộc hành lang an toàn giao thông đường bộ tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình do chủ đầu tư chưa cắm mốc giới.

Ngày 8/4 vừa qua, báo điện tử Nhân đạo và Đời sống có bài viết “Hiểm họa từ vi phạm hành lang an toàn giao thông trên đường Hòa Lạc – Hòa Bình” phản ánh về tình trạng một số cá nhân, tổ chức cố tình xâm lấn đất đường bộ, san lấp mặt bằng, xây dựng công trình kiên cố trong khu vực hành lang an toàn giao thông và tự ý đấu nối vào tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình.

Ngày 9/4, UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản số 2053/VPUBND-CNXD về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ cao tốc gửi các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình.

Văn bản nêu: Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo như sau: Giao Sở GTVT, Sở Xây dựng, UBND huyện Kỳ Sơn, UBND TP Hòa Bình căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện nội dung công văn số 2949/BGTVT-KCHT ngày 1/4/2019 của Bộ GTVT; Báo cáo kết quả thực hiện trình Chủ tịch UBND tỉnh.

Với việc tự ý đấu nối như thế này thì việc xảy ra tai nạn giao thông là điều khó tránh khỏi.

Với việc tự ý đấu nối như thế này thì việc xảy ra tai nạn giao thông là điều khó tránh khỏi.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Đinh Trọng Tuấn - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường - huyện Kỳ Sơn - cho biết, tỉnh đang xây dựng quy chế phối hợp để thực hiện và xử lý triệt để tình trạng trên.

Theo ông Tuấn, khó khăn ở đây chính là việc một số diện tích mà người dân đang san ủi là đất thuộc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của người dân, chưa chia tách hoặc cắt phần diện tích đó ra khỏi GCNQSDĐ. Người dân thực hiện việc san ủi đất trên phần diện tích mà họ đang quản lý và sử dụng, do đó Phòng TN&MT không thể làm gì được.

Khu vực mỏ được cấp phép phía bên trong nhưng quá trình khai thác, đơn vị tự ý khai thác diện tích nằm ngoài giấy phép, cố tình tạo đường đấu nối tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình

Ông Tuấn cho biết thêm, hiện chủ đầu tư tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình vẫn chưa cắm mốc bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ nên huyện gặp nhiều khó khăn trong việc xác định mốc giới.

“Phòng TN&MT sẽ rà soát và thống kê lại diện tích dọc tuyến đường sau khi chủ đầu tư cắm xong mốc giới bảo vệ hành lang an toàn giao thông”, ông Tuấn khẳng định.

Phóng viên báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đã phối hợp cùng với cán bộ Phòng TN&MT huyện Kỳ Sơn đi kiểm tra thực tế hiện trạng đất dọc tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình.

Nhiều rãnh, cống dọc tại vị trí vi phạm đã bị đổ đất gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước và kết cấu hạ tầng của tuyến đường.

Thực tế có nhiều khu vực đã được san ủi, đổ đất tạo mặt bằng nhưng theo cán bộ Phòng TN&MT thì phần diện tích đó đều nằm trong GCNQSDĐ của người dân địa phương.

Khu vực này được cấp phép khai thác bên trong nhưng đơn vị cố tình khai thác ngoài diện tích được cấp phép để tạo đấu nối ra ngoài tuyến đường.

Đáng nói, trên tuyến đường này có một số điểm được khai thác khoáng sản. Những điểm này đều đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép, nhưng trong quá trình thực hiện, đơn vị lại khai thác ngoài diện tích được cấp phép với mục đích tạo đường đấu nối trực tiếp vào tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình để thuận tiện trong việc vận chuyển khoáng sản.

Vi phạm HLATGT xảy ra chủ yếu đoạn qua tỉnh Hòa Bình

Tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình được đầu tư mới, nối tiếp đại lộ Thăng Long, có điểm đầu tại ngã tư Hòa Lạc (km17+85-Quốc lộ 21), điểm cuối tại km32 +367, tương ứng với km67+510-lý trình Quốc lộ 6 thuộc xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Hòa Bình có chiều dài 26 km với 7 nút giao thông và 12 công trình cầu lớn, nhỏ.

Đáng nói, những vi phạm mới liên quan đến đất hành lang an toàn giao thông đường bộ trên tuyến đường này chỉ xảy ra tại địa phận tỉnh Hòa Bình, chứ không thuộc đoạn qua TP Hà Nội.

Để kịp thời phản ánh tình trạng trên, phóng viên báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đã liên hệ với UBND tỉnh Hòa Bình, nhưng gần một tuần trôi qua, phóng viên vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi về lịch làm việc.

Trong báo cáo ngày 27/3 của UBND huyện Kỳ Sơn về tình hình hoạt động khai thác đất trên địa bàn huyện, Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện đã lập biên bản và xử lý 6 trường hợp vi phạm đối với hoạt động khai thác đất san lấp mặt bằng.

Báo cáo cũng đề nghị Sở TN&MT tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn cho các hộ được cấp phép thực hiện khai thác, san lấp đất đúng vị trí mở đã được cấp. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp khai thác không đúng vị trí mỏ được cấp và các hộ khai thác trái phép.

Qua quan sát, một số khu vực bị lập biên bản, cá nhân và tổ chức đã ngừng hoạt động san lấp đất nhưng lại không khắc phục lại theo hiện trạng ban đầu. Nhiều rãnh, cống dọc tại vị trí vi phạm đã bị đổ đất để tạo đấu nối giữa khu vực bên trong và tuyến đường.

Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống thoát nước và gây ảnh hưởng nhỏ đến kết cấu của tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình. Đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đối với người tham gia giao thông.

Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin.

Nguyễn Tuấn

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/phap-luat/vi-sao-hanh-lang-an-toan-giao-thong-tren-duong-hoa-lac-hoa-binh-bi-xam-pham-20557