Vì sao hàng trăm hộ dân đồng loạt tố cáo Huyện Củ Chi thu hồi đất cho KCN 'ma'?

Cụm Công nghiệp cơ khí chế tạo Tân Quy chưa có giấy phép nhưng trên thực tế hơn 900 hộ dân đang sinh sống tại huyện Củ Chi, TP.HCM khốn khổ khi nhận được quyết định thu hồi gần 400ha đất từ năm 2005 đến nay. Vì dự án KCN 'ma' mà vùng cây ăn trái trù phú tiếp giáp tỉnh Bình Dương trở nên hoang tàn, thiệt hại về kinh tế và nông nghiệp cho cả thành phố.

Sóng gió vùng đất trồng cây ăn trái nổi tiếng trù phú

Huyện Củ Chi có nhiều vùng địa chất khác nhau. Khu vực có nhóm đất xám và đất đỏ vàng về hướng Tây Ninh khó canh tác hoa màu nên thích hợp phát triền khu công nghiệp. Vùng đất phía Đông của huyện Củ Chi (các xã Hòa Phú, Tân Thạnh Đông, Bình Mỹ), nơi tiếp giáp với Tỉnh Bình Dương, được phù sa dòng sông Sài Gòn bồi đắp nên trù phú cây trái quanh năm. Tại đây, những gia đình sống bao đời bằng nghề trồng cây ăn trái, nhà vườn luôn đạt năng suất cao, đóng góp vào vùng nguyên liệu và lương thực dồi dào cho TP.HCM.

Bất ngờ vào năm 2005, Dự án Cụm công nghiệp cơ khí chế tại Tân Quy được UBND TP.HCM ra văn bản số 4214/UBND-CNN ngày 15/7/2005 triển khai địa điểm quy hoạch với quy mô hơn 300 ha tại xã Hòa Phú và xã tân Thạnh Đông - Củ Chi. Từ đó, vùng đất trồng cây ăn trái bao đời bình yên trở nên hoang hóa vì các quyết định thu hồi đất, cưỡng chế đất cho dự án Cụm công nghiệp cơ khí Tân Quy chưa bao giờ được có giấy khai sinh.

“Vội vàng” thu hồi đất.

Qua tìm hiểu, được biết, Cụm KCN Cơ khí chế tạo Tân Quy hiện không hề có trên giấy cũng như thực tế, cũng như chưa có quyết định thành lập, nhưng UBND huyện Củ Chi lại “vội vàng” đưa ra quyết định về việc thu hồi gần 400ha đất của hơn 900 hộ dân tại 2 xã Hòa Phú và Bình Mỹ, để cho dự án cụm KCN Cơ khí chế tạo Tân Quy do BQL Khu chế xuất và KCN thành phố (Hepza) làm chủ đầu tư.

KCN Đông Nam Củ Chi, nơi nhiều diện tích đất của người dân có đất gần đây bị cưỡng chế

KCN Đông Nam Củ Chi, nơi nhiều diện tích đất của người dân có đất gần đây bị cưỡng chế

Cụ thể tại Quyết định số 3343/QĐ-UBND ngày 4/8/2008 duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 xác định diện tích đất quy hoạch là 338,38ha nằm trong phạm vi xã Bình Mỹ 222,86ha và xã Hòa Phú 115,52ha. Trong đó diện tích đất KCN là 282,96ha và khu dân cư phục vụ công nghiệp có quy mô khoảng 55,42ha.

Phạm vi quy hoạch xác định phía Đông giáp khu dân cư hiện hữu và đường Võ Văn Bích, phía Tây giáp khu dân cư hiện hữu và đường Bến Than, phía Nam giáp đất nông nghiệp và một phần rạch Bà Bếp, phía Bắc giáp Tỉnh lộ 8.

Quyết định 5945/QĐ-UBND ngày 29/12/2009 Duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 lại tăng quy mô khu vực quy hoạch lên 342,53ha. Trong đó một phần diện tích đất 227,01ha nằm trong phạm vi xã Bình Mỹ và một phần diện tích đất 115,52ha nằm trong phạm vi xã Hòa Phú, huyện Củ Chi.

Vị trí và giới hạn phạm vi quy hoạch cũng có thay đổi là phía Đông giáp Tỉnh lộ 9, phía Bắc giáp khu dân cư hiện hữu và Tỉnh lộ 8, phía Tây giáp đường Bến Than, phía Nam giáp đất nông nghiệp và một phần rạch Bà Bếp.

Điều đáng nói, trên thực tế, dự án này chưa hề được UBND TP.HCM phê duyệt quyết định, nhưng UBND huyện Củ Chi lại nhanh nhẹn thu hồi đất một cách quyết liệt.

Theo phản ánh của nhiều hộ dân sống dọc tuyến Tỉnh lộ 9, xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TP HCM), năm 2008 UBND huyện Củ Chi đã tiến hành thu hồi đất của người dân 2 xã Hòa Phú, Bình Mỹ cho dự án Cụm công nghiệp cơ khí chế tạo Tân Quy. Trên thực tế, dự án này chưa được UBND TP HCM phê duyệt nhưng UBND huyện Củ Chi vẫn thu hồi đất, tự ấn định mức giá đền bù từ 94.000 đồng/m2 đến hơn 350.000 đồng/m2 cho đất nông nghiệp.

Thu hồi, cưỡng chế náo loạn cả vùng quê yên bình từ năm 2005, đến ngày 2/12/2008, Thủ tướng Chính phủ mới ra Quyết định số 1736 “về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các Khu Công nghiệp tại TP HCM đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”.

Nhiều người dân họp mặt đưa ra những văn bản, nội dung mà UBND huyện Củ Chi đã làm sai?

Trong danh sách ban hành kèm quyết định này có Khu Công nghiệp Đông Nam Củ Chi với diện tích hơn 283 ha, nằm trên địa bàn xã Bình Mỹ và Hòa Phú, thực chất là dự án Cụm công nghiệp cơ khí Tân Quy trước đây. Như vậy, việc bồi thường dự án Khu Công nghiệp Đông Nam Củ Chi được UBND huyện Củ Chi tiến hành từ trước khi có Quyết định số 1736 của Thủ tướng Chính phủ.

Lúc bấy giờ, người dân nơi đây mới ngã ngữa vì chẳng có Cụm Công nghiệp cơ khí chế tạo Tân Quy nào. Nhưng đất đã bị thu hồi, không cho trồng trọt trở nên hoang hóa bạc màu. Hơn 900 hộ dân sống nhờ vào các vườn cây ăn trái bỗng nhiên trắng tay. Ai chịu trách nhiệm cho sự thiệt hại này?

UBND huyện Củ Chi sai?

Qua tìm hiểu được biết, người dân kiện hành chính UBND huyện Củ Chi ra tòa và được Tòa án nhân dân TP.HCM khẳng định trong phiên xử phúc thẩm vụ kiện giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Trọng Đạt (68 tuổi) và bị đơn là UBND huyện Củ Chi.

…Theo Nội dung bản án số 468/2013 ngày 8/4/2013, của Tòa án nhân dân TP HCM ghi rõ: “Quyết định thu hồi đất không căn cứ vào quyết định phê duyệt dự án và thành lập Cụm Tân Quy của UBND TPHCM là chưa có cơ sở pháp lý cho việc thu hồi đất”. Đồng thời có kết luận bản án là: Dự án Cụm Công nghiệp cơ khí Tân Quy mới chỉ là ý tưởng, đề án chưa được thông qua theo đúng quy định của Luật Đất đai.

Để vụ việc được khách quan, đa chiều nhất, phóng viên báo Pháp Luật Việt Nam đã đến UBND huyện Củ Chi để đề nghị cung cấp thông tin cho báo chí, dù tại đây có nhiều cán bộ đang ở tại UBND huyện nhưng lại có thái độ né tránh, đẩy phóng viên qua Ban Tiếp công dân để gửi thông tin lại.

Báo Pháp Luật Việt Nam sẽ tiếp tục đưa những thông tin tiếp theo về vụ việc này

Phạm Sơn - Quang Huy

Bài tiếp theo:

- Vì sao UBND huyện Củ Chi phớt lờ quyết định của Tòa án Nhân Dân TP.HCM, vẫn tiếp tục thu hồi, cưỡng chế đất?

- Cần chấm dứt tình trạng thu hồi, cưỡng chế đất tại Củ Chi khi chưa xác định rõ vị trí và ranh giới đất trong KCN Đông Nam

- Ai đang “chống lưng” để UBND huyện Củ Chi cưỡng chế đất trái với quy định?

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/vi-sao-hang-tram-ho-dan-dong-loat-to-cao-huyen-cu-chi-thu-hoi-dat-cho-kcn-quotmaquot-4261/