Vì sao hàng nội khó vào siêu thị?

Mặc dù Việt Nam là quê hương của nhiều loại nông sản, trái cây, nhưng lượng hàng nông sản thâm nhập vào hệ thống các siêu thị vẫn khiêm tốn, nếu không muốn nói là lép vế so với trái cây nhập khẩu. Thật ít người nghĩ tới có ngày trên các kệ hàng trong siêu thị những trái nho, trái dưa nhập ngoại lại nhiều hơn hàng cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi giá rất cao.

Táo nhập ngoại trong siêu thị Việt Nam.

Gần đây, dư luận nóng xung quanh Dự thảo Nghị định Phát triển và quản lý hệ thống ngành phân phối do Bộ Công thương chịu trách nhiệm soạn thảo. Dự thảo này liên quan mật thiết đến việc hàng nội vào siêu thị cách nào, tỉ lệ bao nhiêu.

Khó vào siêu thị ngoại

Một nữ doanh nhân hoạt động chính tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh kể lại câu chuyện “chào hàng” của mình. Lần đó, nhân việc một trung tâm thương mại của Thái Lan khai trương ở TP HCM, bà đã mời vị tổng giám đốc người Pháp đi ăn trưa. Trong câu chuyện vị nữ doanh nghiệp đã giới thiệu với “đối tác tiềm năng” danh tính nhiều nhà sản xuất của TP HCM mà sản phẩm của họ đã xuất khẩu sang nhiều nước. Sau đó, là màn đặt vấn đề đưa hàng vào bán ở trung tâm thương mại mới khai trương.

Theo nữ doanh nhân nọ, dù rằng hết sức tế nhị nhưng vị tổng giám đốc vẫn từ chối, nói rằng: Không có chuyện đó! Với lý do, hầu hết hàng có mặt trong trung tâm thương mại mới này là hàng có thương hiệu, được nhập khẩu từ nước ngoài và đã đi cùng với thương hiệu trung tâm thương mại này ở nhiều nước, tức là đã có hệ thống.

Như vậy là hàng sản xuất trong nước hết sức khó chen chân vào siêu thị ngoại, vì họ đã “làm ăn” theo hệ thống riêng của mình, các mắt xích đã níu chắc với nhau.

Thực tế thì chủ siêu thị thường là những người dày dạn kinh nghiệm thương trường, mục đích cao nhất của họ là lợi nhuận, nên rất nhiều người dám đánh liều nhất nhập vào những mặt hàng mới. Họ hiểu rõ khách hàng của mình là ai, đang cần gì. Có nghĩa là kinh doanh hệ thống siêu thị chỉ tuân theo nguyên tắc thị trường. Lợi nhuận càng cao càng tốt. Rủi ro càng ít càng tốt.

Hiện nhiều tập đoàn, kênh phân phối lớn của thế giới đã hoạt động ở Việt Nam, như Metro, Segros (Đức); Lotte, Emart (Hàn Quốc); Aeon (Nhật Bản); Auchan, Carrefour (Pháp); Central Group (Thái Lan); Walmart, Target (Mỹ)… Nhưng hàng hóa sản xuất trong nước vẫn rất khó vào siêu thị của các tập đoàn này.

Trở lại với Dự thảo Nghị định Phát triển và quản lý hệ thống ngành phân phối, với yêu cầu siêu thị “phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam”, thật quá khó. Không ít doanh nghiệp nội nói rằng đem điều đó ra bàn không khác nào nói chuyện trên trời, trong khi doanh nghiệp lại đang đứng kiễng chân trên mặt đất.

Cùng đó, các quy định khác như“mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối”; “có diện tích kinh doanh từ 250 mét vuông đến 10.000 mét vuông”; “các dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua Internet, qua bưu điện, điện thoại”... cũng được cho là thiếu tính thị trường. Bởi các chủ siêu thị chỉ hoạt động theo nguyên tắc tuân theo nhu cầu của khách hàng, có nghĩa là giờ mở cửa, đóng cửa, bán hàng qua Internet, qua bưu điện hay điện thoại hay không... đều xuất phát từ chỗ khách hàng của họ có cần, có muốn như vậy hay không và doanh thu/lợi nhuận từ việc đó ra sao.

Vào siêu thị nội cũng khó

Cuối năm 2017, trong khuôn khổ Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa 2017, Sở Công thương TP HCM đã tổ chức buổi đối thoại trực tiếp giữa hệ thống phân phối, thu mua hàng đầu tại TP HCM, các chợ đầu mối nông sản thực phẩm với các doanh nghiệp, hợp tác xã đến từ 40 tỉnh/thành. Mục đích tăng khả năng đưa hàng hóa vào các kênh phân phối tại TP HCM.

Nhiều ý kiến tại đây đã thẳng thắn chỉ ra rằng, gốc rễ của vấn đề là tính cạnh tranh của hàng sản xuất trong nước thiếu tính cạnh tranh. Chúng ta đang có quá nhiều các nhà sản xuất hàng hóa ở dạng nhỏ lẻ, năng lực tổ chức sản xuất và cung ứng có hạn, trong khi đó hệ thống phân phối kinh doanh theo chuỗi vẫn chưa phát triển lại yếu. Hiện TP HCM với hơn 10 triệu dân thì vẫn chỉ có 207 siêu thị, 43 trung tâm thương mại, 239 chợ truyền thống và hơn 1.100 cửa hàng tiện lợi.

Nếu “đúng tầm” thì thành phố này cần phải có 100 trung tâm thương mại, 1.000 siêu thị và 10.000 cửa hàng tiện ích. “Đất chật người đông” dẫn tới việc những nhà sản xuất nhỏ, các cơ sở sản xuất làng nghề với hạn chế về năng lực tài chính rất khó đưa hàng vào các kênh phân phối hiện đại. Kể cả có đưa được vào rồi thì cũng không “đứng” được trên kệ hàng lâu. Có nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất ở “kèo dưới”, còn nhà phân phối lại có rất nhiều quyền lựa chọn.

Một sự thật khác cũng được đưa ra, theo ông Nguyễn Xuân Sơn- giám đốc Công ty TNHH Hương Quê (Đà Nẵng), đó là trong quá trình đưa hàng vào siêu thị (ở đây là siêu thị nội) thì lại vướng phải nạn “xin - cho”. Kể cả người đứng đầu hệ thống phân phối có cởi mở đi chăng nữa nhưng khi xuống đến nhân viên lại làm khó doanh nghiệp. Cùng một sản phẩm nhưng đơn vị này có thể đưa vào nhưng doanh nghiệp khác lại bị làm khó với những tiêu chí rất ngặt nghèo. Đã thế, để đưa được hàng vào siêu thị thì doanh nghiệp phải chịu phí rất cao. Nói như bà Trần Thị Kim Nhung-Công ty TNHH Kim Đông Thuận (Đồng Nai), đơn vị chuyên cung cấp các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thì chi phí vào siêu thị chiếm hơn 30% doanh thu bán hàng.

Có một nghịch lý là mặc dù Việt Nam là quê hương của nhiều loại nông sản, trái cây, nhưng lượng hàng nông sản thâm nhập vào hệ thống các siêu thị vẫn khiêm tốn, nếu không muốn nói là lép vế so với trái cây nhập khẩu. Thật ít người nghĩ tới có ngày trên các kệ hàng trong siêu thị thì những trái nho, trái dưa nhập ngoại lại nhiều hơn hàng cùng chủng loại của Việt Nam trong khi giá rất cao. Ví dụ 1 kg nho Mỹ được bày bán trong siêu thị có giá lên tới 300.000 đồng. Quả cherry nhập từ Úc có giá niêm yết trong siêu thị lên tới 70.000 đồng/lạng. Táo Mỹ, xoài Thái Lan cũng cực đắt, trong khi đây đều là những loại quả mà Việt Nam không thiếu.

Câu hỏi đặt ra là, vậy thì tại sao giá nông sản sản xuất trong nước thấp lại không vào được siêu thị trong khi điệp khúc “được mùa rớt giá” cứ lặp đi lặp lại và người nông dân phải vật lộn vì giá thành quá rẻ mạt? Theo các doanh nghiệp phân phối nông sản, nguyên nhân chính vì nông sản sản xuất trong nước thiếu các chứng nhận, quy định nếu muốn có mặt trên kệ hàng hóa trong siêu thị. Mà điều đó đòi hỏi người sản xuất phải “nâng tầm”, trong khi điều đó tại thời điểm này vẫn là rất khó.

Đỗ Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/vi-sao-hang-noi-kho-vao-sieu-thi-tintuc407617