Vì sao hạn chế quyền lập Hội với cán bộ, công chức?

Hôm qua (25/10), Quốc hội (QH) tiếp tục ngày làm việc, các đại biểu (ĐB) đã thảo luận tại hội trường dự thảo Luật về hội. Nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí cao với việc ban hành Luật về hội, bởi lẽ Hiến pháp năm 46, 1980, 1992, đặc biệt Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: 'Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin của hội họp, lập hội và biểu tình'.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.(Ảnh: Quochoi.vn.)

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.(Ảnh: Quochoi.vn.)

Hạn chế quyền lập hội với cán bộ, công chức

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật về Hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày cho biết, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội.

Trước vấn đề các ĐB băn khoăn khi dự thảo Luật quy định các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội và quyền tham gia hội là: “Cán bộ, công chức chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức”.

Ông Định cho biết, UBTVQH nhận thấy, để thực hiện tốt chức trách của mình thì cán bộ, công chức cũng phải chịu những hạn chế nhất định khi thực hiện quyền lập hội để không ảnh hưởng đến việc thực thi công vụ, bảo đảm tính độc lập, khách quan của hoạt động quản lý nhà nước.

Đồng thời, để bảo đảm với quy định tương ứng trong Luật Cán bộ, công chức liên quan đến bí mật nhà nước, dự thảo cũng quy định: Cán bộ, công chức làm việc trong một số ngành, lĩnh vực và những người làm việc trong lực lượng vũ trang liên quan đến bí mật nhà nước thì sau 5 năm kể từ ngày nghỉ hưu hoặc thôi làm nhiệm vụ đó mới được tham gia sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội.

Cho ý kiến về vấn đề này, ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đề nghị bổ sung áp dụng đối với viên chức. Bởi vì viên chức cũng là đối tượng thực hiện công vụ được Nhà nước giao.

Đề nghị dự thảo cần quy định rõ hơn là những cán bộ, công chức không được sáng lập, đăng ký thành lập, lãnh đạo hội có liên quan đến lĩnh vực công tác trước đó của cán bộ, công chức, theo ĐB Cao Đình Thường (Phú Thọ), có những cán bộ, công chức hoạt động lĩnh vực này, sau khi nghỉ hưu họ sáng lập, lãnh đạo hội khác không liên quan đến công việc trước đó, thì không nên hạn chế đến 5 năm.

“Theo tôi, vấn đề này nên quy định nếu tham gia sáng lập hội đối với lĩnh vực không liên quan đến bí mật nhà nước mà trước đây người sáng lập công tác thì họ được phép tham gia sáng lập hội”, ĐB Phong đề nghị.

Cần tạo điều kiện để người dân hội nhập

Khá nhiều ĐB cho ý kiến về khoản 5 Điều 8 của Luật quy định: “Hội không liên kết gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.

Nhiều ĐB không đồng tình với quy định này, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, hiện nay hoạt động hội, rất nhiều tổ chức hội được các tổ chức nước ngoài để nâng cao trình độ hội viên, gia nhập quốc tế, ngoại giao nhân dân để làm rất nhiều yếu tố. Nếu có những hội lợi dụng việc này, chúng ta đủ hệ thống bộ máy quản lý nhà nước, pháp luật để xử lý.

“Mở rộng quốc tế để tạo điều kiện để hội và người dân tiếp cận với thế giới từ trong sinh hoạt hội đến sinh hoạt kinh tế - xã hội, chính trị và tất cả những yếu tố thì chúng ta mới chống lại được thế lực thù địch, hòa nhập được”, ĐB Sơn nêu quan điểm.

Cho rằng quy định như dự thảo là hơi “khiên cưỡng”, theo ĐB Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) ở đây là liên kết nhận tài trợ chứ không phải lập hội.

ĐB Trí cho rằng, quy định như vậy là cản trở hội nhập, làm cho chúng ta không có điều kiện để thể hiện vai trò của hội, cá nhân, tổ chức, làm mất cơ hội để hỗ trợ cho các cá nhân, những người thuộc nhóm yếu thế và mâu thuẫn với những gì đang diễn ra ở Việt Nam.

“Ví dụ như Hội Chữ thập đỏ vẫn thường nhận cứu trợ, cứu trợ nước ngoài. Nhiều hội nhận thuốc men từ nước ngoài, các nhà khoa học nhận tài trợ để tham gia hội thảo, nghiên cứu gặp khó khăn...”, ĐB Trí cho biết.

Còn ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) băn khoăn khi các hội từ trước đến nay được cấp có thẩm quyền cho phép gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng sẽ không còn phù hợp theo luật này thì sẽ xử lý như thế nào, có phải thôi tư cách thành viên mà hội đó đã gia nhập hay không?

Theo ĐB Cương, quy định về không nhận tài trợ của nước ngoài, trường hợp đặc biệt là do Chính phủ quy định cũng chưa được làm rõ.

Trong khi báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTVQH cho rằng trong số 63 nghìn hội có đăng ký thì số hội nhận tài trợ của nước ngoài không nhiều.

“Không nhiều là bao nhiêu thì không có con số cụ thể, vài ngàn hội cũng là không nhiều, nhưng nếu chỉ cần vài trăm hội nhận tài trợ thì cũng không thể coi đó là trường hợp đặc biệt được”, ĐB Cương nói.

Cùng chung quan điểm, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng cần thận trọng cân nhắc kỹ, tuy nhiên cần đưa ra quy định vừa đảm bảo lợi ích quốc gia dân tộc vừa đảm bảo sự nhất quán với các điều ước quốc tế.

“Quốc hội cần tìm giải pháp kỹ thuật lập pháp thông minh vừa đáp ứng thực tiễn vừa tránh sau khi QH thông qua bị kêu ca cấm đoán hay sự phản đối của các đối tượng xuyên tạc. Vì vậy, đề nghị tách khoản 5 Điều 8 thành một điều độc lập với tên gọi “Liên kết gia nhập hội nước ngoài và nhận tài trợ của nước ngoài”, ông Hiểu đề nghị.

Phạm DIệu - Hà Dung

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/vi-sao-han-che-quyen-lap-hoi-voi-can-bo-cong-chuc-d27750.html