Vì sao hai ứng cử viên đại biểu Quốc hội bị rút tên khỏi danh sách?

Đại diện Hội đồng Bầu cử quốc gia cho biết, tại thời điểm xem xét cho rút tên 2 ứng cử viên đại biểu Quốc hội, chưa nhận được bất kỳ văn bản pháp lý nào của cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm pháp luật.

Tại họp báo về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử vào chiều 21/5, báo chí đặt câu hỏi về việc lý do rút tên 2 ứng viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là ông Nguyễn Thế Anh, Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang (ứng cử viên ĐBQH tại Kiên Giang) và ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (ứng cử viên tại Hà Nội) ra khỏi danh sách chính thức ứng cử ĐBQH khóa XV.

Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia (HĐBCQG) Nguyễn Thị Thanh cho biết, công tác nhân sự của cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 luôn là nội dung được các cơ quan báo chí quan tâm. Điều đó là rất đúng vì mục tiêu của cuộc bầu cử là lựa chọn được những đại biểu ưu tú, xứng đáng để tham gia Quốc hội và HĐND các cấp.

Đề cập đến 2 nhân sự cụ thể, bà Thanh cho hay, việc rút tên những nhân sự này, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã thông tin rất kịp thời, chính xác và công khai. Hội đồng Bầu cử quốc gia đã làm việc khách quan, công tâm, trách nhiệm, đúng quy trình, đúng pháp luật về việc cho rút tên đối với 2 ứng cử viên này", bà Thanh nói.

Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại cuộc họp báo. (Ảnh: TH).

Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại cuộc họp báo. (Ảnh: TH).

Trưởng ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh thông tin thêm, thông qua việc cho rút tên 2 ứng cử viên cũng thể hiện tinh thần làm việc của Hội đồng Bầu cử quốc gia là bám sát chỉ đạo của Trung ương Đảng và mong đợi của cử tri, nhân dân cả nước. Đó là lựa chọn những người ưu tú, tiêu biểu, cho đến khi nào kết quả cuối cùng được xác nhận tư cách đại biểu của Quốc hội, cũng như HĐND các cấp.

"Công tác nhân sự không dừng ở giai đoạn nào mà làm cho đến khi các đại biểu thực sự được công nhận là ĐBQH và HĐND các cấp theo quy định của pháp luật", bà Thanh nhấn mạnh.

Theo bà Thanh, trên cơ sở đơn xin rút của 2 ứng cử viên này, và trên cơ sở đề nghị của Ủy ban bầu cử tỉnh Kiên Giang và Ủy ban bầu cử TP Hà Nội, Hội đồng bầu cử quốc gia đã xem xét khách quan, thận trọng, kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt và có Nghị quyết về việc cho rút tên với lý do sức khỏe và lý do cá nhân của 2 ứng viên này.

Bà Thanh thông tin thêm, theo quy định pháp luật, sau khi Hội đồng Bầu cử quốc gia có Nghị quyết rút tên ông Nguyễn Quang Tuấn, Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng có Nghị quyết điều chỉnh số ứng cử viên tại đơn vị bầu cử số 10 của Hà Nội từ 4 ứng viên còn 3 để bầu 2.

Dẫn quy định khoản 1 Điều 60 Luật bầu cử ĐBQH và HĐND: “Xóa tên người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân”, bà Thanh cho biết, đối với 2 ứng cử viên trên, đến thời điểm HĐBCQG xem xét cho cho rút tên chưa khẳng định được có vi phạm pháp luật hay không vì chưa nhận được bất kỳ văn bản pháp lý nào của cơ quan có thẩm quyền kết luận 2 ứng cử viên này vi phạm pháp luật.

Đối với 2 ứng cử viên này nếu vi phạm pháp luật sẽ thực hiện theo các quy định của luật tố tụng hình sự, luật hình sự và nếu khẳng định có tội phải được thực hiện bằng quyết định của Tòa án.

Tính đến 17 giờ ngày 14/5/2021, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội đồng bầu cử quốc gia tiếp nhận được 164 đơn thư của công dân có nội dung khiếu nại, tố cáo và phản ánh về công tác bầu cử và ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Qua phân loại có 12 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử đại biểu Quốc hội; 112 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; 34 đơn tố cáo, phản ánh về việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác và lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, 06 đơn không liên quan đến bầu cử. Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội đồng bầu cử quốc gia đã chuyển đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết 69 đơn; xếp lưu 95 đơn (62 đơn trùng; 33 đơn không rõ nội dung, đơn không liên quan đến bầu cử). Đến nay, công tác xác minh, giải quyết đang được đẩy nhanh, đảm bảo quy định của pháp luật bầu cử và các quy định khác của pháp luật.

Thu Hằng

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/thoi-su/vi-sao-hai-ung-cu-vien-dai-bieu-quoc-hoi-bi-rut-ten-khoi-danh-sach-581157.html