Vì sao Hải quan Hải Phòng điều chỉnh địa bàn quản lý một số chi cục cảng biển?

Cục Hải quan Hải Phòng vừa có thông báo về việc điều chỉnh, phân công địa bàn quản lý của một số chi cục hải quan cửa khẩu từ ngày 1/10/2020.

Tàu container cập cảng HICT tại khu vực cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Tàu container cập cảng HICT tại khu vực cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Cụ thể, cảng PTSC Đình Vũ được chuyển từ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1 sang Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3.

Cảng Tân Cảng 128 chuyển từ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2 sang Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ.

Cảng Nam Hải Đình Vũ chuyển từ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3 sang Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2.

Cảng cạn Tân cảng Hải Phòng chuyển từ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2 sang Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ.

Kho ngoại quan Tân Cảng 128 và Kho CFS của Tân Cảng 128 (nằm trong cảng Tân Cảng 128) từ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2 sang Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ.

Trao đổi thêm với phóng viên về việc điều chỉnh, phân công địa bàn quản lý của một số chi cục hải quan cửa khẩu như đề cập ở trên, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Kiên Giang cho biết, đây là việc làm thường xuyên để phù hợp với thực tế và xu thế phát triển của hệ thống cảng tại Hải Phòng (phát triển hệ thống cảng vươn ra biển).

Thứ hai, việc điều chỉnh giúp đơn vị sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực của các chi cục.

Nguyên nhân quan trọng thứ ba xuất từ nhu cầu tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng và cả cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

“Thực tế, tại Hải Phòng có 4 doanh nghiệp chính hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cảng biển là Công ty CP cảng Hải Phòng; Tổng Công ty Tân Cảng; Công ty CP Container Việt Nam (VICONSHIP); Công ty CP Gemadept, nhưng trước đây vẫn còn một số kho, bãi, cảng thuộc sở hữu của một doanh nghiệp nhưng thuộc sự quản lý của hai chi cục. Vì vậy, việc điều chỉnh này sẽ giúp tạo thuận lợi theo hướng các kho, bãi, cảng thuộc một doanh nghiệp sẽ chỉ làm thủ tục tại một chi cục, qua đó vừa tạo thuận cho doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu”- ông Nguyễn Kiên Giang nói.

Từ quá trình phát triển, đô thị hóa ở Hải Phòng, nhiều cảng lớn ở địa phương này trước đây như Hoàng Diệu, Chùa Vẽ… nay đã nằm trong khu vực nội thành, hàng hóa xuất nhập khẩu giảm đáng kể.

Vì vậy, theo xu thế phát triển, TP Hải Phòng đang tập trung đầu tư phát triển các hệ thống cảng biển hiện đại ở khu vực cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, khu vực bán đảo Đình Vũ để đáp ứng nhu cầu của khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thông quan địa bàn ngày một lớn và đang có tốc độ tăng trưởng nhanh.

Về kết quả thu ngân sách tại 4 chi cục hải quan cửa khẩu trực thuộc Cục Hải quan Hải Phòng, cập nhật hết tháng 8, như sau:

Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1 đạt 10.763 tỷ đồng, bằng 49,15%;

Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2 đạt 1.719 tỷ đồng, bằng 45,83%;

Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3 đạt 7.721 tỷ đồng, bằng 67,14%;

Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ đạt 4.683 tỷ đồng, bằng 45,25%.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/vi-sao-hai-quan-hai-phong-dieu-chinh-dia-ban-quan-ly-mot-so-chi-cuc-cang-bien-133785.html