Vì sao hai nhà máy xử lý rác ở miền Tây ngưng hoạt động?

Sau 2 lần đưa vào hoạt động, Nhà máy xử lý rác công nghệ cao Phương Thảo tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long phải ngưng hoạt động trong nhiều năm liền. UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu, đến cuối năm 2018, nhà máy không hoạt động thì sẽ thu hồi, chấm dứt hoạt động của dự án.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại Cà Mau. Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau sau 6 năm hoạt động lỗ đến 133 tỷ đồng.

Xây nhà để “đắp chiếu” nhiều năm

Nhà máy rác Phương Thảo do Công ty CP Xây dựng Phương Thảo làm chủ đầu tư, có quy mô công suất 200-300 tấn rác/ngày. Sau đó, công ty được điều chỉnh giấy chứng nhận, tăng vốn lên 238 tỷ đồng và Ngân hàng Phát triển Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VDB Cần Thơ) cho vay 200 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, công nghệ từ châu Âu.

Năm 2013, nhà máy đi vào hoạt động dụng nhưng chỉ đạt 1/5 công suất thiết kế nên không đủ chi phí vận hành, tiền điện và trả tiền công nhân. Cầm cự được khoảng nửa năm, nhà máy phải ngưng hoạt động. Đến tháng 9-2016, nhà máy tái hoạt động và chuyển sang phương pháp đốt nhưng chỉ một năm sau cũng phải ngưng hoạt động cho đến nay.

“Công ty Phương Thảo đầu tư nhiều vốn và tốn nhiều thời gian nhưng dự án bế tắc, không xử lý được rác thải. Do không hoạt động nên các thiết bị mua sắm hiện đại xuống cấp, từ đó không thanh toán được nhiều chi phí, trong đó có lãi vay ngân hàng”, ông Trương Đặng Vĩnh Phúc, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Long nói.

Bãi rác tạm tại Cà Mau quá tải, sau nhiều tháng nhà máy tạm ngưng hoạt động.

Phía ngân hàng cùng Công ty Phương Thảo tìm nhà đầu tư để chuyển nhượng lại nhưng việc này cũng... không xong. Trước đây, bà Liêu Cát Phương Thảo là Tổng giám đốc và là người đại diện pháp luật. Năm 2017, ông Trần Văn Bích lên thay, bà Thảo trở thành thành viên HĐQT, ông Trần Thanh Tuấn là người đại diện theo pháp luật.

Hiện ông Bích đang lâm bệnh nặng, không còn khả năng điều hành công ty. Riêng bà Thảo đến nay cũng không có mặt tại công ty, không bàn giao tài sản, giấy tờ lại cho Tổng giám đốc mới. Do nhà máy rác Phương Thảo tạm ngưng hoạt động nên từ cổng vào nước ngập lênh láng, bèo sinh sôi nảy nở. Nhiều người không khỏi xót xa cho một dự án đầu tư hoành tráng nhưng lại “đắp chiếu”.

Ông Đặng Văn Lượng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết tỉnh đã tạo mọi điều kiện, tháo gỡ khó khăn để nhà máy vận hành. Sau nhiều lần gia hạn, nếu từ đây đến cuối năm 2018, nhà máy không hoạt động thì tỉnh sẽ thu hồi dự án và tìm nhà đầu tư khác.

Vẫn theo ông Lượng, từ khi nhà máy xử lý rác ngưng hoạt động, thì rác tại tỉnh được xử lý theo hình thức chôn lấp tại bãi rác cạnh nhà máy xử lý rác Phương Thảo. Đến hết quý I-2019, nếu bãi rác này hết khả năng tiếp nhận, Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long sẽ xin chủ trương đầu tư xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh số 3, với quy mô đầu tư 4ha, sức chứa 200.000 tấn rác (xử lý trong 3 năm).

Sáu năm, lỗ 133 tỷ...

Từ tháng 7-2018 đến nay, Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) do Công ty TNHH XD-TM-DL Công Lý, gọi tắt là Công ty Công Lý làm chủ đầu tư) ngưng hoạt động để sửa chữa, bảo trì. Tuy nhiên, sau 3 tháng, nhà máy rác chưa vận hành trở lại, tại các bãi tạm chứa rác ở TP Cà Mau và các huyện ùn ứ nghiêm trọng. Địa phương cho gia cố bãi rác tạm nhưng việc này kéo dài nhiều tháng nên không còn sức chứa rác.

Đầu tháng 11 vừa qua, ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có buổi làm việc Công ty Công Lý. Phía nhà máy xin gia hạn thêm 3 tháng tạm ngưng hoạt động vì chờ nhập khẩu thiết bị, và đề nghị xem xét đến một số khó khăn dẫn đến tình trạng thua lỗ của nhà máy. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau không đồng ý với đề nghị này và yêu cầu chủ đầu tư sớm khắc phục những khó khăn để vận hành lại nhà máy.

Ông Tô Hoài Dân, Giám đốc Công ty Công Lý cho biết, ngày 12-11, công ty đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Cà Mau xin tháo gỡ một số khó khăn cho nhà máy. Cụ thể, đề nghị tỉnh hỗ trợ mức chi phí xử lý rác thải là 450.000 đồng/tấn; giao cho nhà máy 10ha đất để làm đường thoát nước, nhà ở công nhân, trồng thêm cây xanh hạn chế phát tán mùi ra môi trường và hỗ trợ tiêu thụ phân compost, sản phẩm chính sau khi xử lý rác thải.

Theo ông Dân, nhà máy hoạt động vào năm 2012, với tổng mức đầu tư 329 tỷ đồng. Sau 6 năm vận hành, nhà máy xử lý hơn 300.000 tấn rác thải sinh hoạt tại TP Cà Mau, các huyện Thới Bình, Đầm Dơi, Cái Nước, U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân và Năm Căn. Nhưng cùng với đó, công ty phải gánh chịu khoản lỗ 133 tỷ đồng.

Nguyên nhân thua lỗ do thời gian đầu hoạt động khối lượng rác xử lý chỉ đạt khoảng 50% công suất của nhà máy, chi phí xử lý rác thải thấp so với chi phí thực tế phải chi trả, không có doanh thu từ bán phân compost, đây là sản phẩm chính sau khi xử lý rác.

Chưa kể, chi phí khấu hao, vận hành thiết bị và đặc biệt do đặc thù ngành xử lý rác các thiết bị, máy móc luôn bị oxy hóa, rỉ sét… “Nhà máy gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời gian tạm ngưng hoạt động, công ty vẫn phải trả lương cho gần 100 cán bộ, nhân viên của nhà máy. Những người lao động, làm trong nghề rác đều khó khăn, dù thua lỗ công ty vẫn phải làm việc này để động viên người lao động gắn bó với nhà máy”, ông Dân than.

Văn Vĩnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/ban-doc-cand/vi-sao-hai-nha-may-xu-ly-rac-o-mien-tay-ngung-hoat-dong-520291/