Vì sao Hạ viện Mỹ liên tiếp thất bại khi bầu chủ tịch?

Đến cuối ngày 4/1, sau 6 vòng bỏ phiếu, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát chưa bầu được chủ tịch do ứng cử viên Kevin McCarthy vấp phải sự phản đối của các thành viên cứng rắn trong nội bộ đảng này.

Sau 6 vòng bỏ phiếu trong hai ngày 3-4/1, ông McCarthy, thành viên hàng đầu của đảng Cộng hòa tại Hạ viện kể từ năm 2019, vẫn không giành đủ số phiếu ủng hộ cần thiết để trở thành Chủ tịch Hạ viện.

Được dự báo từ trước sẽ phải đối mặt với một cuộc bầu cử khó khăn khi mâu thuẫn trong nội bộ đảng Cộng hòa đang gay gắt và căng thẳng hơn bao giờ hết, nhưng ông McCarthy không thể ngờ các nỗ lực vận động ủng hộ trong những tháng qua của ông đã không đem lại bất kỳ một thành công nào.

Sau 6 vòng bỏ phiếu (tính đến cuối ngày 4/1), ông Kevin McCarthy vẫn chưa nhận được đủ phiếu bầu cần thiết để trở thành Chủ tịch Hạ viện. Ảnh: Getty

Sau 6 vòng bỏ phiếu (tính đến cuối ngày 4/1), ông Kevin McCarthy vẫn chưa nhận được đủ phiếu bầu cần thiết để trở thành Chủ tịch Hạ viện. Ảnh: Getty

Khoảng 20 thành viên cánh hữu của đảng Cộng hòa từ chối ủng hộ ông McCarthy. Những thành viên này đều bỏ phiếu cho Hạ nghị sỹ Byron Donalds.

Tất cả công việc của Hạ viện, bao gồm cả việc tuyên thệ nhậm chức của các thành viên mới, đều phải tạm dừng cho đến khi xác định được vị trí chủ tịch.

Vì sao Hạ viện vẫn chưa bầu được chủ tịch?

Ông McCarthy chỉ nhận được 203 phiếu ủng hộ trong 2 vòng bỏ phiếu đầu tiên, thấp hơn số phiếu của lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries, Đến vòng bỏ phiếu thứ 3 số phiếu ủng hộ ông McCarthy tụt xuống còn 202 phiếu và đến vòng bỏ phiếu thứ 6, số phiếu của ông chỉ còn 201. Trong khi để trở thành Chủ tịch Hạ viện, ứng cử viên cần phải nhận được tối thiểu 218 phiếu.

Nhiều người đã cảnh báo ông McCarthy không nhận được đủ số phiếu ủng hộ cần thiết để trở thành Chủ tịch Hạ viện.

Ông McCarthy đã đàm phán với các thành viên nổi bật của đảng Cộng hòa trong đó có các nghị sỹ Andy Biggs, Scott Perry và Matt Gaetz cho đến đêm 2/1 khi Freedom Caucus – nhóm nghị sỹ cực hữu có tham vọng thay đổi các quy tắc trong quốc hội, đưa ra đề nghị cuối cùng. Ông McCarthy đã từ chối đề nghị đó.

“Trong suốt 2 tháng qua, chúng tôi đã làm việc cùng nhau để xây dựng quy tắc trao quyền cho tất cả các thành viên, nhưng chúng tôi sẽ không trao quyền cho một số thành viên nhất định trên những thành viên khác”, ông McCarthy phát biểu với báo giới.

Kết quả là các thành viên của Freedom Caucus cùng một số thành viên khác đã phản đối ông.

Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với Hạ viện?

Nếu không có Chủ tịch, Hạ viện không thể hoạt động đầy đủ vì đó là người chủ trì và là người đứng đầu về mặt hành chính.

Don Bacon, một nghị sỹ đảng Đảng Cộng hòa, đại diện bang Nebraska, cho biết: “Cần phải chú ý đến 19 người - hiện giờ là 20 - đang ngăn cản công việc của Quốc hội mà chúng ta được bầu để thực hiện. Vấn đề nằm ở họ”,

Trong một tuyên bố trên Twitter, nghị sỹ Gaetz nhấn mạnh: “Những gì họ làm là điều bất lợi và sai lầm nhưng tôi cũng đã chuẩn bị cho một trận chiến kéo dài mà cuối cùng tôi sẽ giành chiến thắng”.

Bế tắc sẽ được giải quyết ra sao?

Hiện chưa rõ ông McCarthy có giành được đủ số phiếu cần thiết để trở thành Chủ tịch Hạ viện hay không và khi nào ông có thể đạt được điều đó. Số thành viên đảng Cộng hòa đã tuyên bố ủng hộ một ứng cử viên khác hiện là 20 và con số này có thể tăng.

Đến cuối ngày 4/1, sau 6 vòng bỏ phiếu, Hạ viện Mỹ vẫn chưa bầu được chủ tịch mới do ông McCarthy không nhận được đủ phiếu ủng hộ của đảng Cộng hòa.

Các nhà lập pháp sau đó đã bỏ phiếu để ngừng làm việc cho đến 20h tối 5/1, trong khi họ tìm kiếm giải pháp trong các cuộc họp kín.

Những ứng viên khác?

Ngày 3/1, đảng Cộng hòa đề cử các ứng viên trong đó có nghị sỹ Andy Biggs, Jim Jordan và cả Lee Zeldin – người đã rời Nhà Trắng vào năm ngoái để tranh cử thống đốc bang New York. Chủ tịch Hạ viện không nhất thiết phải là một thành viên của Hạ viện.

Một số thành viên đảng Cộng hòa thậm chí còn nêu ý tưởng đề cử ông Donald Trump. Ông McCarthy nói rằng cựu Tổng thống vẫn ủng hộ ông.

Sáng 4/1, ông Donald Trump đã kêu gọi đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ nghị sĩ ông McCarthy. Ông đăng tải trên mạng xã hội Truth Social rằng: “Hãy kết thúc thỏa thuận, giành lấy chiến thắng. Các thành viên đảng Cộng hòa, đừng biến một chiến thắng vĩ đại thành một thất bại lớn và đáng xấu hổ”.

Nhiều thành viên cánh hữu phản đối ông McCarthy là đồng minh thân cận của cựu Tổng thống Trump. Tuy nhiên, ngày 3/1, ông Gaetz đã đề cử nghị sỹ Jim Jordan - một thành viên cánh hữu đang trung thành với ông McCarthy.

“Tôi muốn đề cử thành viên tài năng nhất, làm việc chăm chỉ nhất trong hội nghị của Đảng Cộng hòa, người vừa có bài phát biểu với tầm nhìn xa hơn những gì chúng ta từng nghe từ người khác”, ông Gaetz nói.

Nghị sỹ McCarthy nói với các phóng viên rằng ông sẽ không bỏ cuộc.

Trong khi đó, nhiều nhà quan sát cho rằng cánh tay phải của ông McCarthy trong vai trò lãnh đạo Đảng Cộng hòa, nghị sỹ Steve Scalise đại diện bang Louisiana, có thể nổi lên như một ứng cử viên thay thế được phe cực hữu chấp nhận. Tuy nhiên, ngày 3/1, ông Scalise vẫn đề cử ông McCarthy.

Một ứng cử viên cần phải nhận được đa số phiếu bầu từ các thành viên Hạ viện có mặt và bỏ phiếu. Với tỷ lệ 222-213 giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, ông McCarthy không thể để mất nhiều hơn một số phiếu bầu.

Đã từng có tiền lệ?

Lần gần đây nhất Hạ viện không bầu được chủ tịch trong vòng bỏ phiếu đầu tiên là năm 1923. Khi đó, họ phải tiến hành tới 9 vòng bỏ phiếu.

Đảng Cộng hòa chiếm đa số khi đó đã đề cử ông Frederick Gillett (đại diện bang Massachusetts) vào vị trí Chủ tịch Hạ viện nhưng một số ứng cử viên khác, trong đó có một ứng viên đảng Đảng Dân chủ, cũng nhận được phiếu bầu trong cuộc bỏ phiếu.

Điều này dẫn đến một loạt các vòng bỏ phiếu kéo dài 3 ngày trước khi lãnh đạo đa số, Nicholas Longworth (đại diện bang Ohio), tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với những người phản đối. Mối quan tâm của họ, tương tự như các vấn đề với ông McCarthy, là những thay đổi bị bác bỏ mà họ tin rằng xứng đáng được điều trần công bằng. Ông Longworth đã miễn cưỡng đồng ý. Ngày hôm sau, Gillett nhận được đủ số phiếu bầu cần thiết.

Cũng có ví dụ khác trong giai đoạn 1855-1856, những năm nước Mỹ chia rẽ vì chế độ nô lệ trước cuộc nội chiến. Khi đó, với việc đảng Cộng hòa mới nổi lên như một lực lượng chống chế độ nô lệ, phải mất tới 133 lần bỏ phiếu trong gần hai tháng để bầu ra Chủ tịch hạ viện./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Guardian

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vi-sao-ha-vien-my-lien-tiep-that-bai-khi-bau-chu-tich-post994667.vov