Vì sao Hà Nội, TP.HCM chưa thể 'khai tử' xe 3 bánh tự chế?

Nhiều tuyến đường Hà Nội và TP.HCM vẫn nhan nhản xe 3 bánh tự chế. Trước đó, hai đô thị lớn nhất nước đều đã cam kết 'xóa sổ' phương tiện này.

Xe 3 bánh ngang nhiên chở hàng cồng kềnh gây mất ATGT trên đường phố Hà Nội

Hà Nội loay hoay xây dựng cơ chế hỗ trợ

Ngày 20/12, ghi nhận của PV Báo Giao thông, những chiếc xe 3 bánh tự chế gắn mác “thương binh” hoạt động nhộn nhịp trên các tuyến phố của Hà Nội như: Đê La Thành, Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến, Láng Hạ - Giảng Võ…

Trên đường Lê Văn Lương hướng đi Tố Hữu, hàng chục chiếc xe 3 bánh nối đuôi nhau chở hàng cồng kềnh đi về trung tâm thành phố. Một chiếc xe 3 bánh cũ nát chất đầy khung sắt dài, lia qua lia lại khiến nhiều người đi đường phải đi dẹp vào lề để tránh.

Tương tự, tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, gần 17h chiều cùng ngày, giữa dòng phương tiện đông đúc, 2 chiếc xe 3 bánh chở vật liệu xây dựng cố gắng len lỏi khiến dòng xe ùn tắc thêm trầm trọng.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội khóa XV tổ chức đầu tháng 12/2019, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo về tiến độ thực hiện đề án “Tăng cường quản lý phương tiện GTĐB nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030”.

Theo đó, thành phố cho biết đang rà soát, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 06/2013 quy định hoạt động các phương tiện giao thông trên địa bàn. Sau quá trình rà soát, lấy ý kiến liên ngành, đánh giá tác động…

Sở GTVT TP Hà Nội đã lần lượt có các tờ trình gửi UBND thành phố sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 06, trong đó có các quy định đối với hoạt động của xe xích lô, xe 3 bánh, xe thương binh.

Cụ thể, xe 3 bánh phục vụ đi lại của thương binh và người khuyết tật phải được đăng ký, đăng kiểm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; dừng hoạt động của xe 3 bánh kinh doanh dịch vụ chở hàng, chở người trên địa bàn và có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi việc làm đối với thương binh có xe 3 bánh kinh doanh dịch vụ chở hàng, chở người đang hoạt động.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Hà, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, nguyên nhân của việc chậm ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 06 là do các cơ quan chức năng còn đang phối hợp xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho thương binh, người khuyết tật.

Theo ông Hà, TP Hà Nội cũng đang nghiên cứu chính sách ưu đãi, hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống của thương binh, bệnh binh, người khuyết tật tự nguyện từ bỏ việc sử dụng xe 3 bánh tự chế.

Đối với chủ phương tiện đang sử dụng xe 3 bánh để kinh doanh, nếu có nhu cầu đào tạo để chuyển đổi nghề mới sẽ được miễn phí đào tạo, giới thiệu việc làm, kể cả vợ (chồng), con của họ.

“Ngoài ra hỗ trợ cho thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đang sử dụng xe 3 bánh để kinh doanh tự nguyện từ bỏ xe 3, 4 bánh tự lắp ráp để mua xe tải nhỏ kinh doanh vận chuyển hàng hóa.

Các DN thương binh và thương binh nếu có nhu cầu hỗ trợ thuê mặt bằng để sản xuất kinh doanh sẽ được UBND các quận, huyện, thị xã xem xét”, ông Hà nói và cho biết, dự kiến quyết định thay thế Quyết định số 06 đặt ra lộ trình chỉ cho phép xe 3, 4 bánh do thương binh, người khuyết tật trực tiếp điều khiển để chở hàng, chở người được hoạt động đến hết ngày 1/1/2022.

TP.HCM sẽ loại bỏ xe 3, 4 bánh gắn động cơ vào năm 2025

Sở GTVT TP.HCM cho biết, từ năm 2008, thành phố đã cấm các loại xe 3, 4 bánh tự chế hoạt động. Kết quả, đã thu hồi, tiêu hủy gần 29.000 xe tự chế, đồng thời chi 160 tỷ đồng hỗ trợ những người thuộc diện bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên đến nay, theo thống kê của cơ quan chức năng, thành phố vẫn còn khoảng 30.000 xe 3, 4 bánh tự chế hoạt động và có gần 2.167 xe cơ giới 4 bánh được đăng ký cấp biển số.

Đối với loại xe tự chế, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP giao Công an TP và các quận huyện mạnh tay xử lý, đình chỉ lưu hành.

Trường hợp cố tình vi phạm sẽ tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ. Đồng thời đình chỉ hoạt động các cơ sở lắp ráp, tự chế các loại phương tiện này, nếu cố ý vi phạm có thể tịch thu trang thiết bị của cơ sở sản xuất.

Riêng xe cơ giới 3, 4 bánh có gắn động cơ, có kiểm định, được cấp biển số cho phép lưu thông, cũng đang được UBND TP nghiên cứu loại bỏ dần.

Trước đó, thành phố có văn bản kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về niên hạn sử dụng đối với loại xe này, đồng thời quy định hạn chế sản xuất và tiến tới ngừng sản xuất.

Trường hợp vẫn tiếp tục sản xuất phải bổ sung những quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng kiến nghị UBND TP giao Viện nghiên cứu phát triển TP HCM chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan lập đề án kiểm soát và chấm dứt hoạt động đối với xe cơ giới, xe thô sơ 3, 4 bánh trên địa bàn trong năm 2021.

Để không ảnh hưởng đến người lao động chở thuê bằng xe cơ giới 3, 4 bánh, trước mắt, Sở GTVT TP.HCM đề xuất phương án điều chỉnh lưu thông đối với loại phương tiện này. Mục đích để hạn chế phạm vi hoạt động theo từng giai đoạn và dần tiến tới chấm dứt hoạt động trên địa bàn vào năm 2025.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho rằng, để triển khai loại bỏ xe 3, 4 bánh có hiệu quả, cần thiết phải có đánh giá tổng thể để đưa ra các giải pháp phù hợp trên cơ sở sự ủng hộ và đồng thuận từ người dân.

Đồng thời, cần có sự tham gia ý kiến của nhiều sở, ban ngành có liên quan triển khai đồng bộ, nhất quán trong quá trình thực hiện.

Thống kê của Công an TP Hà Nội, hiện trên địa bàn còn khoảng gần 6.000 xe 3 bánh tự sản xuất, lắp ráp. Trong đó, chỉ có khoảng 1.316 xe của thương, bệnh binh, còn lại của các đối tượng giả thương binh để nhằm mục đích vận chuyển hàng hóa thuê.

-

Lê Tươi - Đỗ Loan

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-ha-noi-tphcm-chua-the-khai-tu-xe-3-banh-tu-che-d490806.html