Vì sao Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng giữa mùa mưa?

Dù đang ở thời điểm chất lượng không khí tốt nhất trong năm do mưa nhiều, tuy nhiên Hà Nội lại thường xuyên chịu ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Những ngày qua, hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air ghi nhận diễn biến chất lượng không khí xấu đi tại nhiều điểm đo của Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc, miền Trung, đặc biệt là khu vực ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Sóc Sơn.

Ô nhiễm nghiêm trọng nhất vào chiều tối và đêm muộn. Vào buổi sáng, chất lượng không khí được cải thiện. Qua khảo sát, chất lượng không khí của Hà Nội trở nên ô nhiễm nghiêm trọng là do khoảng 1 tuần trở lại đây, ở khu vực ngoại thành, người dân đã đốt rơm rạ quá nhiều sau khi thu hoạch lúa, khiến khói bụi lan từ ngoại thành vào nội thành, kết hợp với nắng nóng trong những ngày qua làm không khí ô nhiễm.

Một trong các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trời mù mịt và ô nhiễm được chuyên gia môi trường chỉ ra là do việc đốt rơm rạ.

Một trong các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trời mù mịt và ô nhiễm được chuyên gia môi trường chỉ ra là do việc đốt rơm rạ.

Theo dữ liệu Mạng lưới không khí sạch Pam Ari, chất lượng không khí Hà Nội trong sáng 6/6 chủ yếu ở mức xấu và kém, một số quận nội thành như Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng chỉ số AQI trên 200.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, tình trạng đốt rơm rạ diễn ra phổ biến trong những ngày vừa qua là quá trình đốt không kiểm soát và đốt không cháy hoàn toàn nên dễ phát sinh nhiều chất ô nhiễm không khí như bụi PM 2.5, PM 10... ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính những người dân tại đó và cả những người dân sống ở những khu vực không có hiện tượng đốt rơm rạ.

"Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, ngạt thở... Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO, đây là loại khí rất độc. Người hít nhiều và kéo dài dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… Không những vậy, với lượng khói dày đặc, mù mịt sẽ làm giảm tầm nhìn, khó khăn cho các phương tiện khi tham gia giao thông", ông Đăng nhấn mạnh.

Trên các cánh đồng ở ngoại thành Thủ đô Hà Nội, người dân các huyện đang bước vào mùa thu hoạch rộ. Khi thu hoạch xong, rơm rạ được người dân đốt ngay lập tức.

Còn theo tính toán của GS Nguyễn Lân Dũng: "Trung bình một hecta lúa cho 10 - 12 tấn rơm rạ. Việc đốt lượng phế thải nông nghiệp khổng lồ này sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO, CO2, NO2, SO2, H2O, và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người. Việc đốt một lượng lớn rơm rạ sẽ làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện".

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cũng cho rằng, khi đốt rơm rạ, một lượng bụi mịn có đường kính nhỏ sẽ đi sâu vào phổi, máu của người hít phải. Chính điều này sẽ gây nên các bệnh về đường hô hấp cấp tính và mạn tính.

Thói quen đốt rơm rạ của người dân “lợi ích hại nhiều” khi nó tác động tiêu cực đến môi trường.

Ông Tùng nhấn mạnh, nguyên nhân chính hiện nay là do thói quen của người dân từ xưa là đốt rơm, rạ tại ruộng. Hơn nữa, nhận thức của người dân về tác hại của việc đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường không khí còn hạn chế. Ngoài ra, do điều kiện kinh tế của người dân còn hạn chế nên việc triển khai các biện pháp xử lý rơm, rạ, nhất là việc dùng chế phẩm sinh học để phân hủy gặp nhiều khó khăn.

"Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền về tác hại của việc đốt rơm, rạ đến môi trường và sức khỏe con người; khuyến khích các mô hình sản xuất sử dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp; xây dựng tiêu chí thi đua, khen thưởng cho các địa phương làm tốt công tác thu gom, xử lý rơm rạ hiệu quả. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm đối với hành vi cố tình đốt rơm rạ", ông Tùng nói thêm.

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vi-sao-ha-noi-o-nhiem-khong-khi-nghiem-trong-giua-mua-mua-20210608114122032.htm