Vì sao Google khó bị 'truất ngôi'?

Một khi lên mạng, sẽ rất khó tránh khỏi việc người dùng sử dụng Google để tìm kiếm mọi thứ, công cụ này đã ăn sâu vào đời sống tới mức cụm từ 'google' còn được coi như động từ 'tìm kiếm'.

Chính sự thống trị này đã khiến Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện Google - đánh dấu một vụ kiến lớn nhất nhắm vào một công ty công nghệ, trước đó là Microsoft vào năm 1998.

Không rõ hậu quả mà "gã khổng lồ" công nghệ có thể phải đối mặt, nhưng Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Jeffrey Rosen tuyên bố rằng mọi thứ đều có thể xảy ra.

Nhưng câu hỏi hiện đang được nhiều người đặt ra là: liệu mọi thứ đã đủ để đập tan vị thế độc tôn của Google hay không?

Hiện Google đang chiếm hơn 92% thị trường công cụ tìm kiếm toàn cầu, theo trang web phân tích StatCounter. Google Chrome kiểm soát 66% lượng duyệt web trên thế giới và gần 3/4 điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android của Google.

Trạng thái của Google như một công cụ tìm kiếm mặc định là một trong những khía cạnh trung tâm của vụ kiện lần này, cáo buộc rằng Google chi hàng tỷ USD cho các thỏa thuận với nhiều trình duyệt web, nhà cung cấp mạng và sản xuất điện thoại thông minh để đảm bảo rằng công cụ của họ luôn được ưu tiên cài đặt.

Google cho biết hành động trả tiền để làm trình duyệt mặc định của họ không khác gì so với các động thái quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp khác.

Kent Walker, Phó chủ tịch cấp cao về các vấn đề toàn cầu của Google, đã tuyên bố vụ kiện của chính phủ Mỹ là "sai sót nghiêm trọng".

"Mọi người sử dụng Google vì họ chọn như vậy, không phải vì họ bị ép buộc hoặc vì họ không thể tìm thấy các giải pháp thay thế", ông Walker cho biết.

Các nhà quản lý châu Âu đã đi đầu trong việc cố gắng kiềm chế Google, áp đặt các khoản phạt chống độc quyền với tổng trị giá hơn 9 tỷ USD và buộc công ty này phải cho phép người dùng Android chọn trình duyệt và công cụ tìm kiếm ưa thích của họ.

Điều đó dường như không hiệu quả - Google vẫn chiếm khoảng 93% thị phần tìm kiếm của châu Âu tính đến tháng 9 năm 2020, theo StatCounter.

Charlotte Slaiman, giám đốc chính sách cạnh tranh của nhóm vận động công nghệ Public Knowledge cho biết: “Với vị thế mà Google đang có hiện nay, nhiều người dùng sẽ không bận tâm tới việc lựa chọn công cụ tìm kiếm khác và các công ty điện thoại có thể tiếp tục hành xử như vậy. Tôi nghĩ rằng chỉ loại bỏ các hợp đồng mặc định là không đủ".

Tại sao rất khó để có một Google thứ hai?

Việc xóa bỏ sự thống trị của một trong những công ty lớn nhất thế giới - với giá trị thị trường hơn 1 nghìn tỷ USD, với nguồn lực gần như vô hạn và mất hai thập kỷ để củng cố vị thế của nó, là điều không hề dễ dàng.

Một lý do khác khiến Google không thể từ bỏ vị thế của mình đó là thế giới hiện thiếu một giải pháp thay thế khả thi và đơn vị đủ sức thách thức họ.

"Chỉ mục tìm kiếm của Google đã chứa hàng trăm tỷ trang web và có kích thước hơn 100 triệu gigabyte", Bộ Tư pháp Mỹ cho biết. "Việc phát triển một chỉ số tìm kiếm chung của quy mô này, cũng như các thuật toán tìm kiếm khả thi, sẽ đòi hỏi một khoản đầu tư trả trước hàng tỷ đô la."

Gần đây, chỉ có Microsoft là công ty có đủ nguồn lực để cạnh tranh sòng phẳng với Google. Nhưng công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft, ra mắt cách đây hơn một thập kỷ, đã không thu hút được lượng người dùng đáng kể. Bing hiện đang ở vị trí thứ hai sau Google, nhưng chỉ chiếm khoảng 3% thị trường công cụ tìm kiếm toàn cầu, theo StatCounter.

Giải pháp cho chính phủ Mỹ

Một trong những điểm mạnh nhất của Google là bề rộng dữ liệu tuyệt đối mà công ty này đã tích lũy được, đây là khả năng rất khó sao chép.

"Dữ liệu mà Google đã có thể xây dựng trong nhiều năm, từ dữ liệu nhấp chuột và truy vấn, cho phép họ dự đoán được những kết quả tìm kiếm cho người dùng“, chuyên gia Charlotte Slaiman chỉ ra. "Vì vậy, tôi nghĩ đây là mục tiêu chính phủ Mỹ có thể nhắm đến".

Chính phủ Mỹ cũng có thể yêu cầu Google cung cấp cho người dùng khả năng lựa chọn công cụ tìm kiếm ưa thích của họ, như công ty đã phải làm trên các thiết bị Android ở châu Âu.

Nhưng với tác động hạn chế mà biện pháp đó đem lại, dù Google có thể đối mặt với khoản tiền phạt hàng tỷ đô la, thì Washington cần phải tìm ra các giải pháp mạnh tay hơn.

Cuối cùng, có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để hạ bệ Google so với bất kỳ công ty nào khác trong lịch sử. Và việc đưa ra hành động sửa chữa cho hành vi của Google sẽ là "cực kỳ khó khăn", theo Slaiman.

"Nó đã diễn ra quá lâu, chúng ta đã cho phép Google thực sự tích lũy một vị trí cực kỳ quyền lực", Slaiman nhận định.

Bắc Hiệp

Theo CNN

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/khoa-hoc/vi-sao-google-kho-bi-truat-ngoi-183136.html