Vì sao GM đóng cửa nhà máy, sa thải công nhân?

Sáng thứ Hai tuần này, General Motors (GM) - tập đoàn xe hơi lớn nhất nước Mỹ - công bố sẽ đóng cửa năm nhà máy ở Bắc Mỹ và sa thải khoảng 14.000 nhân viên và công nhân để cơ cấu lại nhằm tiết kiệm khoảng 6 tỉ đô la Mỹ chi phí mỗi năm. Tin này gây chấn động thị trường, buộc Nhà Trắng phải gọi điện khẩn cấp cho Tổng giám đốc điều hành GM, bà Mary T.Barra, để thảo luận trong khi giá cổ phiếu của GM tăng 4,8% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai 26-11 tại New York.

Nhà máy GM ở Lordstown, Ohio, chuyên sản xuất mẫu xe nhỏ Cruze; do nhu cầu thị trường đối với dòng xe nhỏ suy giảm nên GM quyết định sẽ đóng cửa nhà máy trong năm tới. Ảnh: Reuters.

Thông báo của GM sau đó cho biết chi tiết, các nhà máy ở Ontario (Canada), Detroit, Michigan và Lordstown, Ohio (Mỹ) sẽ ngừng sản xuất các mẫu xe Chevrolet Impala, Cruze và Volt, Cadillac CT6 và Buick LaCrosse trong năm tới. Các nhà máy sản xuất hộp số và bộ truyền động ở Michigan và Maryland cũng sẽ ngừng hoạt động. Sẽ có 3.000 công nhân ở Mỹ, 2.500 công nhân Canada cùng với 8.000 nhân viên các bộ phận khác bị mất việc. Con số này chiếm khoảng 10% nguồn nhân lực 124.000 người của GM tại Bắc Mỹ.

Quyết định sa thải nhân viên và thu hẹp sản xuất của GM có vẻ phi lý giữa lúc có nhiều tín hiệu lạc quan về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. Sáu tháng đầu năm nay là thời kỳ tăng trưởng tốt nhất trong bốn năm gần đây, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong nửa thế kỷ và lợi nhuận của các doanh nghiệp đều vượt mức kỳ vọng. Tuy nhiên, vài phân tích gia cho rằng, GM đã thấy nền kinh tế bắt đầu chậm lại và doanh nghiệp cần phải thay đổi để ứng phó với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng.

Trong cuộc hội nghị qua điện thoại với các nhà phân tích ngay sau khi công bố quyết định tái cấu trúc, bà Barra nói rằng không có một nhân tố duy nhất nào thúc đẩy GM phải đóng cửa nhà máy mà đây chỉ là một động thái thận trọng, hạ bớt buồm để tránh bão. “Chúng tôi phải tiến hành các biện pháp này ngay bây giờ, trong lúc công ty và nền kinh tế đang còn mạnh đủ để ứng phó với một thị trường thay đổi nhanh”, bà nói.

Các nhà sản xuất xe hơi từng nuôi hy vọng rằng kinh tế tăng trưởng ổn định sẽ khiến lượng tiêu thụ xe hơi tăng theo, thúc đẩy doanh số và lợi nhuận của toàn ngành, nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Từ tháng 9 năm ngoái đến nay, lượng xe bán ra ở Mỹ đã giảm hơn 1 triệu chiếc, dữ liệu về kinh doanh bán lẻ, sản xuất công nghiệp và thị trường địa ốc đều cho thấy nền kinh tế đã có dấu hiệu mệt mỏi.

Giá xăng dầu giữ ở mức thấp trong thời gian dài khiến người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang mua các loại xe bán tải, xe thể thao đa dụng (SUV) thay vì dồn tiền cho loại xe du lịch bốn chỗ ngồi (sedan) như trước. Hai phần ba số xe mới bán ra trong năm qua là xe bán tải và xe SUV. Đó là lý do GM ngừng sản xuất các mẫu xe nhỏ như Cruze, Impala, Volt, Buick LaCrosse. Trước đây chưa lâu, hãng Ford cũng đã thông báo sẽ ngừng sản xuất các dòng xe sedan để tập trung vào loại xe bán tải mà Ford đang có vị thế rất lớn trên thị trường.

Cuộc thương chiến mà Tổng thống Donald Trump đang tiến hành, không chỉ với đối thủ Trung Quốc mà cả với các đối tác đồng minh như Nhật Bản và EU, có phần gây tác dụng ngược. Chính sách áp thuế nhập khẩu 25% lên mặt hàng thép và 10% lên mặt hàng nhôm chẳng hạn, làm cho chi phí sản xuất xe hơi tăng lên; lãi suất đồng đô la Mỹ tăng ba lần trong năm nay cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Về thuế, cả GM và Ford đều công bố năm nay họ phải chi thêm 1 tỉ đô la cho thuế nhập khẩu nguyên liệu và giá thép tăng. Nhìn xa hơn, hiệp định thương mại tự do USCMA giữa ba nước Bắc Mỹ quy định 40-45% xe hơi và phụ tùng xe hơi xuất vào các thị trường của nhau phải được sản xuất bởi những công nhân có mức lương không dưới 16 đô la Mỹ/giờ, tưởng rằng sẽ tái lập sân chơi bình đẳng cho công nhân của ba nước nhưng thực tế lại đẩy chi phí sản xuất tăng cao hơn, gây thêm áp lực cho sản xuất.

Quyết định của GM được các nhà đầu tư tài chính tán thành, giá cổ phiếu tăng mạnh, nhưng lại gây phẫn nộ cho các chính trị gia ở cả hai nước Mỹ và Canada. Sáng thứ Hai, Tổng thống Trump nói với báo chí ông đã phàn nàn với Tổng giám đốc GM và yêu cầu bà sớm đảo ngược quyết định. Ông D.Trump thậm chí viện tới sự kiện Chính phủ Mỹ đã “cứu nguy” cho GM khỏi phá sản trong cuộc khủng hoảng 2008 và “thiện chí” của ông trong việc nới lỏng các quy định về khí thải xe hơi ban hành dưới thời Obama để cho rằng Chính phủ Mỹ rất ưu ái cho ngành công nghiệp xe hơi, từ đó đòi hỏi các công ty như GM phải duy trì sản xuất và việc làm cho người Mỹ. Ông Trum còn hy vọng, nếu không tiếp tục sản xuất các loại xe nhỏ như Cruze, GM vẫn có thể bố trí để nhà máy ở Ohio làm các mẫu xe khác. Đáng chú ý là các nhà máy GM sắp đóng cửa tại Mỹ nằm ở 4 tiểu bang ủng hộ ông Trump (Wisconsin, Michigan, Ohio và Pennsylvania), từng đóng góp tới 24% trong tổng số 270 phiếu đại cử tri để ông thắng cử.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng nói, ông đã bày tỏ với bà Barra “sự bất bình sâu sắc” về quyết định đóng cửa nhà máy của GM ở Canada. Nghiệp đoàn Công nhân xe hơi Mỹ (UAW), tổ chức đại diện cho công nhân các nhà máy xe hơi của Mỹ, nói rằng động thái của GM “sẽ không thể diễn ra mà không bị thách thức”. Đóng cửa nhà máy tại Mỹ và Canada trong khi mở rộng sản xuất ở Trung Quốc “đang gây thiệt hại sâu sắc cho lực lượng lao động Mỹ của chúng tôi”, ông Terry Dittes, Phó chủ tịch UAW phụ trách thương lượng với GM, cho biết.

Thái Bình

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282175/vi-sao-gm-dong-cua-nha-may-sa-thai-cong-nhan-.html