Vì sao giới trẻ Hàn Quốc sợ kết hôn và sinh con?

Trong 10 năm trở lại đây, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh con và kết hôn thấp nhất thế giới. Năm 2018, tổng tỷ suất sinh của nước này lần đầu tiên ở mức 0.98 (năm 2017 là 1.05).

Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2021 mức sinh của Hàn Quốc sẽ là 0.86 và dân số nước này sẽ bắt đầu giảm dần sau năm 2029. Ngày càng có nhiều thanh niên Hàn Quốc không muốn kết hôn và sinh con. Có nhiều nhân tố kinh tế, xã hội và văn hóa tác động đến vấn đề này.

Quan niệm về hôn nhân và con cái

Cùng với các biến đổi về kinh tế, văn hóa và xã hội, quan niệm về đời sống gia đình và việc có ở Hàn Quốc có nhiều thay đổi. Theo đó, việc kết hôn và sinh con chuyển dần từ giá trị mang tính phổ quát, bắt buộc sang một lựa chọn. Theo khảo sát năm 1998 của Cục thống kê Quốc gia (NSO), tỷ lệ phụ nữ chưa kết hôn cho rằng “con người nên kết hôn” chỉ chiếm 20,3%. Cuộc khảo sát về Hôn nhân năm 2005 cho thấy 50,8% phụ nữ chưa kết hôn có thái độ tiêu cực về hôn nhân và chỉ 1/4 số phụ nữ được hỏi cho rằng họ buộc phải có con.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong xã hội hiện đại, con người có nhiều lựa chọn để phát triển, lối sống hướng đến thỏa mãn nhu cầu cá nhân ngày càng thịnh hành. Việc kết hôn và sinh con khiến nhiều người trẻ phải tiêu tốn thời gian, sức lực, tài chính, cơ hội nghề nghiệp và hưởng thụ. Quan điểm của phụ nữ đã kết hôn ở Hàn Quốc về sinh con cũng thay đổi đáng kể: tỷ lệ người cho rằng phải có con là 40,5% năm 1991, giảm còn 16,2% năm 2000 và 10,2% năm 2006.

Trước khi công nghiệp hóa thành công, giống như nhiều các quốc gia khác, khi hoạt động nông nghiệp còn phổ biến, con cái là nguồn đảm bảo kinh tế gia đình và là nguồn đảm bảo nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ khi về già. Hoạt động nông nghiệp truyền thống luôn đòi hỏi nhiều nhân lực khỏe mạnh, gia đình luôn sinh nhiều con để có nguồn lao động dồi dào và chăm sóc người cao tuổi. Khi xã hội phát triển, các dịch vụ an sinh, phúc lợi xã hội ngày càng đa dạng để đáp ứng nhu cầu con người. Hiện nay ở Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác, ngày càng có nhiều người cao tuổi sống bằng lương hưu, tiền tiền kiệm và ở trong viện dưỡng lão thay vì phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của con cái. Nói cách khác, giá trị của con cái thay đổi trong xã hội hiện đại và việc sinh nhiều con không còn là lựa chọn ưu tiên nữa.

Trong cuộc khảo sát năm 2018 thực hiện bởi Viện Sức khỏe và Các vấn đề xã hội Hàn Quốc cho thấy 28,9% nam giới và 48,0% phụ nữ nói rằng không cần thiết phải có con. Tỷ lệ nam giới và phụ nữ không định có con đã tăng gấp đôi so với cuộc khảo sát vào năm 2015.

Chi phí nuôi dạy con cái

Chi phí nuôi dạy con cái ở Hàn Quốc, đặc biệt là chi phí cho giáo dục ảnh hưởng nhiều đến cảm quan về hôn nhân và sinh con của giới trẻ. Cuộc điều tra 2005 cho thấy 9,9% phụ nữ độ tuổi 20-29 ở Hàn Quốc thừa nhận lý do chính của việc sinh một con là do chi phí nuôi dạy ngày càng tăng, 18,2% cho rằng do chi phí giáo dục (với những người có hai con thì tỷ lệ này lần lượt là 11,9% và 23,8%). Chi phí giáo dục ngày càng đắt đỏ khiến các cặp vợ chồng sinh ít con hơn để có thể đầu tư giáo dục cho con cái.

Sinh nhiều con trong khi chi phí nuôi dạy chúng ngày càng tăng khiến tài chính gia đình mất cân bằng. Nhà kinh tế học Gary Becker cho rằng con cái là “một loại hàng hóa tiêu thụ đặc biệt” mà sự hài lòng của cha mẹ với con cái cũng giống như sự thỏa mãn với các vật dụng khác trong cuộc sống. Các cặp vợ chồng quyết định sinh con dựa trên cơ sở so sánh lợi ích và phí tổn. Cha mẹ không chỉ phải chi tiêu cho việc nuôi dạy con mà còn hi sinh những cơ hội và khả năng tận hưởng cuộc sống. Thời gian đầu tư cho mỗi đứa con cũng sẽ ít đi trong gia đình đông con. Vì thế, theo Becker, chất lượng nuôi dạy con cái được đặt ra song song với quyết định về số con và điều này lý giải tại sao các cặp vợ chồng có thu nhập trung bình trở lên trong xã hội công nghiệp hiện đại có xu hướng hạn chế sinh nở và con cái thành đạt hơn so với phần còn lại. Theo Becker đây là sự lựa chọn hợp lý trong hành vi sinh đẻ.

Một số yếu tố kinh tế xã hội khác

Vị thế của phụ nữ trong xã hội cũng có ảnh hưởng đến mức sinh. Hàn Quốc bắt đầu chứng kiến tăng trưởng kinh tế và biến đổi xã hội nhanh kể từ 1960. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.600 USD năm 1980 lên 20.562 USD năm 2010. Sự thay đổi đáng chú ý nhất là giáo dục của phụ nữ. Tỷ lệ theo học phổ thông trung học ở Hàn Quốc tăng từ 44% lên 92% chỉ trong một thế hệ (30 năm) và tỷ lệ phụ nữ tốt nghiệp phổ thông theo đuổi các bậc học cao hơn (cao đẳng, đại học) tăng từ 32% năm 1990 lên 81% vào năm 2010. Phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn có nhiều cơ hội trong thị trường lao động. Trong xã hội cạnh tranh cao như Hàn Quốc, việc phụ nữ chọn đi làm đồng nghĩa với việc họ sẽ lảng tránh sinh nở với lý do mất cơ hội phát triển sự nghiệp.

Ở Hàn Quốc, tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế ngày càng tăng, nhóm tuổi 25-29 tăng từ 47,9% năm 1995 lên 72,7% năm 2007 và tỷ lệ này là 47,6% và 73,2% đối với nhóm tuổi 30-34. Trong khi đó, điều kiện xã hội và hạ tầng của Hàn Quốc trong giai đoạn này chưa phát triển tương thích để phụ nữ cân bằng giữa công việc và đời sống gia đình, nhất là chăm sóc con cái. Trợ cấp thai sản và sinh con không đáng kể so với chi tiêu thực tế. Hơn nữa, các công việc thân thiện với gia đình và bình đẳng giới không được chú trọng. Ví dụ, phụ nữ trung bình dành 187 phút cho việc nhà và chăm con trong khi chồng họ chỉ dành 72 phút trong 1 ngày.

Dịch vụ trông trẻ cũng không tương thích với các yêu cầu công việc vốn rất đa dạng đối của nữ giới. Một số nghiên cứu cho thấy các dịch vụ chăm sóc trẻ em chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu ở Hàn Quốc. Về khía cạnh văn hóa, vai trò của nam giới trong nội trợ vẫn tương tự như trong quá khứ, đặc trưng bởi chế độ gia trưởng. Do đó, cân bằng việc chăm sóc gia đình và công việc là thách thức lớn nhất đối với phụ nữ. Năm 2005, 60,6% nữ giới đã nghỉ việc do kết hôn và 49,8% do sinh con đầu lòng. Nói cách khác, trong xã hội Hàn Quốc hiện đại, phụ nữ thường phải chọn giữa lập gia đình hoặc công việc. Kết quả là họ có xu hướng sinh con muộn hơn, ít hơn và thậm chí không sinh con.

Bên cạnh đó, việc làm thiếu ổn định và kinh tế trì trệ cũng là một nguyên nhân của vấn đề. Theo Khảo sát quốc gia về Hôn nhân và sinh đẻ năm 2005, thất nghiệp và việc làm thiếu ổn định khiến nhiều người trẻ trì hoãn kết hôn và sinh con.

Một điểm khác biệt giữa Hàn Quốc với các nước Âu Mỹ là ở Hàn Quốc việc sinh con mà không kết hôn thường bị lên án khá mạnh mẽ. Ở Hàn Quốc việc kết hôn được xem là một nghi thức xã hội quan trọng, nên sinh con khi chưa hoặc không kết hôn khó được chấp nhận. Hầu hết các trường hợp mang thai ngoài hôn nhân đều phải phá thai trước sức ép của các chuẩn mực xã hội. Cuộc khảo sát năm 2005 của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết 42% trong số 350.000 ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/vi-sao-gioi-tre-han-quoc-so-ket-hon-va-sinh-con-d159227.html