Vì sao giới siêu giàu Trung Quốc để mắt đến các lâu đài ở châu Âu?

Theo SCMP, các lâu đài ở Pháp, Italy và các nước châu Âu khác gần đây đã trở thành nhu cầu phổ biến của các nhà đầu tư giàu có từ Trung Quốc.

SCMP giải thích rằng, những người có điều kiện đã tìm thấy ở các lâu đài này sự riêng tư và không gian cần thiết trong quá trình tự cách ly với đại dịch Covid-19.

“Các bất động sản lâu đài ở châu Âu hóa ra là tài sản phổ biến trong giới đầu tư giàu có, bao gồm cả người Trung Quốc”, SCMP dẫn lời các trung tâm bất động sản cho biết.

Giới siêu giàu Trung Quốc để mắt đến các lâu đài ở châu Âu. (Ảnh: Reuters)

Giới siêu giàu Trung Quốc để mắt đến các lâu đài ở châu Âu. (Ảnh: Reuters)

Các bộ phim của Disney đã khiến những lâu đài này trở nên nổi tiếng, và ảnh hưởng đại dịch Covid-19 đã làm tăng nhu cầu riêng tư trong những căn phòng rộng rãi của giới siêu giàu thế giới.

Ông Lodovico Pignatti Morano, quản lý tại tập đoàn bất động sản quốc tế Sotheby’s International Realty của Italy, cho biết: “Trong năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhu cầu chắc chắn tăng lên”.

SCMP cho biết, những bất động sản này được coi là một “hiện tượng mới” đối với những người mua ở châu Á, vì sẽ rất khó tìm những lâu đài như vậy ở khu vực. Theo các sàn giao dịch, giá thay đổi tùy thuộc vào vị trí, quy mô và tình trạng của các lâu đài. Do đó, ở Italy, giới nhà giàu sẽ phải trả từ 7 triệu đến 20 triệu euro cho một lâu đài, ở Pháp từ 700 nghìn đến 50 triệu euro, và ở Scotland giá khởi điểm là 225 nghìn đến 8 triệu bảng Anh.

Theo ông Morano, có rất nhiều người Đài Loan mua bất động sản ở Italy, những người này bị thu hút bởi sự độc đáo của việc sở hữu một lâu đài.

“Họ bị thu hút bởi vẻ ngoài truyền thống của một cung điện với tháp canh, tường thành và hào. Trong khi một số khách hàng hỏi về các cung điện truyền thống với tiện nghi hiện đại, phòng tập thể dục, hồ bơi và phòng chiếu phim gia đình”, ông Morano nói.

Còn đối với những người muốn đầu tư vào bất động sản, họ thường mua lâu đài có vườn nho và cây ăn quả ở vùng Toscana, miền bắc Italy, sau đó họ có thể tự làm rượu vang và dầu ô liu tại chỗ để kiếm một khoản thu nhập nhỏ.

Ông Alexis Caquet, Giám đốc điều hành tại công ty bất động sản Engel&Volkers Paris cho biết: “Thị trường lâu đài nhận được sự quan tâm mới trong những năm gần đây, thu hút cả người mua trong và ngoài nước tìm kiếm sự chân thực và nghệ thuật sống của người Pháp”.

Theo ông Caquet, nhóm khách hàng của ông chủ yếu là người Trung Quốc, Mỹ và Nam Mỹ, nhưng cũng có người châu Âu, trong đó 60% là người Pháp. Đồng thời, các khách hàng đến từ Trung Quốc thường chọn sự kết hợp hoàn hảo giữa lâu đài truyền thống đẹp và vườn nho với “danh tiếng hoặc tiềm lực mạnh mẽ”.

Ngoài ra, theo SCMP, một số lâu đài khác có thể được chuyển đổi thành khách sạn hoặc nhà nghỉ phục vụ ăn uống. Những người bỏ tiền ra trùng tu lâu đài ở Pháp được giảm thuế như một phần trong sáng kiến của chính phủ nhằm bảo tồn di sản kiến trúc của đất nước.

Trước đó, theo thống kê của công ty tư vấn tài sản Knight Frank, Trung Quốc chứng kiến số người gia nhập giới siêu giàu tăng nhanh nhất thế giới trong năm 2020.

Theo SCMP, số lượng thành viên gia nhập “câu lạc bộ” những người siêu giàu với giá trị tài sản vượt quá 30 triệu USD tại Trung Quốc đã tăng 16% trong năm 2020. Trong khi đó, Thụy Điển xếp ở vị trí thứ hai với số lượng tăng là 11%, dẫn trước Singapore với 10%.

“Số lượng cá nhân với khối tài sản khổng lồ tại Trung Quốc, tăng 137% trong 5 năm qua và dự kiến tăng 46% trong 5 năm tới. Đến năm 2025, số lượng người trong giới siêu giàu Trung Quốc sẽ trên 103.000 người, xếp ở vị trí thứ hai trên thế giới”, ông Martin Wong, nhà nghiên cứu đồng thời là tư vấn viên tại Knight Frank cho biết.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/vi-sao-gioi-sieu-giau-trung-quoc-de-mat-den-cac-lau-dai-o-chau-au-278850.html