Vì sao giao đất, giao rừng cho người dân khó vậy?

Đất nông lâm trường quốc doanh không hiệu quả, chần chừ gì mà chưa giao đất cho dân, phải chăng là địa phương chưa nghiêm túc, sâu sát?

Tại Hội thảo "Chia sẻ kết quả giám sát thực hiện Nghị quyết 30 và Nghị quyết 112 của Quốc hội khóa 13 về quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh" do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức, ĐBQH Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam cho rằng, vấn đề quản lý và sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh luôn được quan tâm.

ĐBQH Nghiêm Vũ Khải - PCT LHH Việt Nam (phải) và ông Nguyễn Lâm Thành - PCT Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (trái) đồng chủ trì hội thảo.

Việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế là chủ trương đã được Đảng và Chính phủ chỉ đạo triển khai xuyên suốt cả trong chính sách và ở ngoài thực tiễn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các Nghị quyết, nảy sinh những vấn đề hạn chế, thách thức trong việc quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh. Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ kết quả đánh giá, giám sát việc thực hiện NQ 112 của Quốc hội tại các tỉnh đồng thời chỉ rõ các thách thức và hướng giải quyết vấn đề này, tránh để tồn đọng lâu dài.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Ngọc Bình - Đại diện Liên Minh Đất rừng - FORLAND (gồm một số tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam) tham gia vào một số đợt giám sát do Hội đồng Dân tộc Quốc hội tổ chức trong năm 2018 cho rằng, vấn đề tồn tại hiện nay nằm ở mâu thuẫn giữa các công ty nông lâm nghiệp là chủ thể quản lý rất nhiều diện tích đất với các hộ gia đình chưa có đất để sản xuất.

Ông Bình cho rằng, một trong số các nguyên nhân dẫn tới tình trạng mâu thuẫn kéo dài là việc công ty nông, lâm nghiệp quốc doanh không bắt kịp mô hình doanh nghiệp trong cơ chế thị trường.

"Các công ty nông lâm nghiệp quốc doanh ở trong tình trạng khó khăn, lâu dài, đau đớn và vật vã. Lâu dài ở chỗ từ năm 2004 đến giờ, các doanh nghiệp này vẫn chưa chuyển đổi xong sang mô hình kinh tế mới.

Khó khăn ở chỗ, đã có 2 đợt chuyển đổi, sắp xếp, nâng cao hiệu quả nhưng việc chuyển đổi của các công ty nông lâm nghiệp có hiệu quả rất thấp.

Đau đớn ở chỗ, ở các công ty, đất đai phải giao trả lại cho địa phương, có công ty muốn chuyển đổi không được, muốn giải thể không được, công ty không muốn thì lại bị giải thể..." - ông Nguyễn Trọng Bình cho biết.

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi các công ty nông lâm trường quốc doanh thực sự chỉ là hình thức "bình mới rượu cũ", còn về mặt tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh và cơ chế kinh doanh thì vẫn như cũ.

Ông Bình cho rằng, việc chuyển đổi từ hình thức giao đất không thu tiền sang hình thức thuê đất, việc Ủy ban nhân dân một số địa phương chậm triển khai là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho các công ty nông, lâm nghiệp buông lỏng quản lý đất đai; cố tình giữ lại đất đai mặc dù nguồn lực lao động hiện tại hạn chế; để đất đai bị xâm lấn, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết trái pháp luật; giao khoán, phát canh thu tô...

Một số cơ quan Trung ương và địa phương cũng như tổ chức, cá nhân nhận khoán đất của nông, lâm trường chưa nhận thức, phân biệt được bản chất khác nhau giữa giao đất cho tổ chức hộ gia đình, cá nhân của Nhà nước (Nhà nước giao quyền sử dụng đất) với việc tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận khoán đất của nông, lâm trường, chính vì vậy đã có nhiều thắc mắc, khiếu kiện, vi phạm, tranh chấp hợp đồng.

Một số văn bản hướng dẫn đã coi quyền lợi và nghĩa vụ của người được Nhà nước giao đất với người nhận khoán đất của nông lâm trường giống nhau, điều này đã gây ra sự không thống nhất giữa Kiểm toán nhà nước và Tổng Cục thuế trong việc xác định đối tượng miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Theo ông Trần Ngọc Bình, các địa phương đã trì hoãn trách nhiệm của chính mình trong việc thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.

"Lãnh đạo tỉnh không quan tâm, doanh nghiệp bị bỏ qua, quyền lợi người dân bị ảnh hưởng, nông dân tiếp tục không được giao đất, giao rừng" - ông Trần Ngọc Bình nhấn mạnh.

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng câu chuyện nông, lâm trường Quốc doanh là câu chuyện dài kỳ, rất khó khăn. Trong đó, dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt nhưng lâu nay vấn đề vẫn không thể được giải quyết. Đến nay chưa hề có một báo cáo cụ thể, chi tiết nào về tình trạng quản lý, tình trạng giao đất, giao rừng và vấn đề vướng mắc để nhìn vào đó có phương án giải quyết chung.

Đã có chỉ đạo là cần phải đánh giá tất cả quỹ đất mà có nguồn gốc của nông, lâm trường quốc doanh. Nhưng cho đến nay, chưa thấy có đánh giá, báo cáo nào mà nhìn vào đó có thể thấy được toàn bộ vấn đề, thiếu sót ở đâu, khúc mắc chỗ nào để có phương án giải quyết cụ thể.

Điều này, chứng tỏ nhận thức và thực hiện ở địa phương là gần như chưa mạnh mẽ.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/lien-hiep-hoi/vi-sao-giao-dat-giao-rung-cho-nguoi-dan-kho-vay-3367964/