Vì sao giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục thấp trong 2 tháng đầu năm 2019?

Bộ Tài chính cho biết với số vốn đã được Thủ tướng giao, ước giải ngân trong 2 tháng đầu năm vừa qua là 4,52% kế hoạch vốn.

Văn phòng Chính phủ mới đây đã chuyển công văn hỏa tốc tới các bộ, ngành và địa phương truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu đẩy mạnh thực hiện và thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 trong bối cảnh giải ngân 2 tháng đầu năm còn chậm.

Theo kế hoạch chi đầu tư phát triển vốn ngân sách nhà nước được Quốc hội phê duyệt năm 2019, tổng vốn phải thực hiện là 416.000 tỷ đồng. Tới nay, Thủ tướng đã giao vốn hơn 355.617 tỷ đồng. Còn hơn 58.319 tỷ đồng chưa được giao do chưa đủ điều kiện.

Bộ Tài chính cho biết với số vốn đã được Thủ tướng giao, ước giải ngân trong 2 tháng đầu năm vừa qua là 4,52% kế hoạch vốn, cao gấp 2,31 lần cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn ở mức thấp.

Nguyên nhân được Bộ Tài chính chỉ ra là do đây mới là những tháng đầu năm, kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước mới được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đã diễn ra nhiều năm nay và vẫn còn tâm lý “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.

Ông cũng cho rằng, “với sự sát sao của Chính phủ, tình hình giải ngân vốn đầu tư công đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn cần sự nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương ngay từ những ngày đầu năm để tránh tình trạng “có tiền mà không tiêu được”.

Sau 2 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt 4% kế hoạch năm tài khoán 2019.

Sau 2 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt 4% kế hoạch năm tài khoán 2019.

Hiện, các bộ, ngành trung ương và địa phương mới cơ bản hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án, đồng thời nhập dự toán trên hệ thống Tabmis; các chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán theo quy định. Đồng thời, tháng 2 có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn.

Liên quan đến hoạt động đầu tư công, Ngân hàng Thế giới đã có những đánh giá và khuyến nghị liên quan đến thể chế quản lý đầu tư công tại Việt Nam.

Ngân hàng Thế giới cho rằng hệ thống quản lý đầu tư công tổng thể ở Việt Nam bao gồm 3 chức năng cốt lõi. Đó là lập kế hoạch đầu tư, dự toán ngân sách và quản lý dự án. Theo đó, 3 chức năng này đều có mối liên quan đến nhau tuy nhiên lại do các cơ quan khác nhau chủ trì. Vì vậy, tính xuyên suốt của các chức năng quản lý đầu tư công cốt lõi đó đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều bộ ngành và địa phương.

Ngoài ra, cũng theo Ngân hàng Thế giới, quy trình lập kế hoạch đầu tư mặc dù đã được phân cấp mạnh, song lại chưa gắn kết với quy trình lập ngân sách.

Sơ đồ cho thấy các chức năng quản lý đầu tư công cốt lõi để phục vụ các mục tiêu phát triển và các ưu tiên chiến lược được vạch ra ở các văn bản chiến lược đã được phê duyệt.

Cụ thể, quy trình lập kế hoạch đầu tư bắt đầu bằng một quy trình từ dưới lên, trong đó kế hoạch dự thảo của mỗi cơ quan chi tiêu là bản kế hoạch tổng hợp từ các đơn vị cấp dưới. Sau đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư mới tổng hợp kế hoạch dự thảo của tất cả các bộ ngành và địa phương để xây dựng bản dự thảo kế hoạch quốc gia.

Trong quá trình lập kế hoạch, các cơ quan chủ dự án là nơi sắp xếp ưu tiên và lựa chọn dự án giữa và trong các ngành, lĩnh vực. Yếu tố ngân sách trong lập kế hoạch đầu tư chỉ diễn ra ở khâu sau trong quy trình khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính xác định tổng mức ngân sách và xem xét kế hoạch đầu tư dự thảo của các cơ quan chi tiêu để đảm bảo nhu cầu vốn ngân sách trung ương phù hợp với ngân sách đầu tư của Quốc gia.

Ngọc Hà

Bạn đang đọc bài viết Vì sao giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục thấp trong 2 tháng đầu năm 2019? tại chuyên mục Đầu tư của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/dau-tu-cong-vi-sao-van-cham-146455.html