Vì sao giá lúa gạo miền Bắc tăng?

Từ giữa tháng 10 đến nay, giá lúa gạo tại thị trường miền Bắc tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhất là các loại gạo chất lượng như Bắc thơm, tám thơm, nếp cái hoa vàng… Nguyên nhân là vụ mùa vừa qua, dịch bệnh hại cây trồng và mưa bão đã khiến sản lượng lúa ở các tỉnh phía Bắc giảm đáng kể.

Nông dân xã Thanh Văn (huyện Thanh Oai) thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Đức Nghiêm

Năng suất giảm, giá tăng

Gần đây, thương lái đổ xô về xã Thanh Văn và Tam Hưng - vùng trồng lúa chất lượng cao của huyện Thanh Oai (Hà Nội) để thu mua lúa gạo. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Văn Hoàng Văn Họa, năm nay thương lái về đông hơn mọi năm. “Nếu như trước đây, giá thu mua gạo dao động từ 15 đến 16 nghìn đồng/kg thì vụ mùa vừa qua, thương lái mua trực tiếp tại hợp tác xã với giá từ 18 đến 20 nghìn đồng/kg gạo Bắc thơm số 7. Mặc dù giá tăng song nông dân trồng lúa không hẳn vui bởi mất mùa. Vụ mùa năm ngoái, năng suất lúa đạt từ 52 đến 54 tạ/ha, nhưng năm nay chỉ đạt từ 33 đến 35 tạ/ha” - ông Họa cho biết thêm.

Tại vùng trồng lúa Bắc thơm số 7 và nếp cái hoa vàng ở xã Tam Hưng (Thanh Oai), sản lượng lúa mùa năm nay giảm nên không đủ để bán cho thương lái. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên cho biết: Hiện giá thu mua gạo Bắc thơm số 7 trên địa bàn xã từ 18 đến 20 nghìn đồng/kg, nếp cái hoa vàng hơn 30 nghìn đồng/kg. Mức giá này cao hơn so với vụ trước từ 3 đến 5 nghìn đồng/kg. Về nguyên nhân giá thu mua lúa gạo tăng, ông Kiên cho rằng: Vụ mùa năm nay do ảnh hưởng mưa bão kéo dài khiến diện tích lúa vụ mùa của xã nhiễm bệnh bạc lá nên năng suất giảm 20% so với vụ trước.

Không riêng Hà Nội, tại nhiều tỉnh phía Bắc, giá thu mua lúa gạo cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Theo khảo sát của Bộ NN&PTNT, tại một số tỉnh như Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên… giá thu mua lúa gạo đều tăng. Loại gạo có chất lượng trung bình như IR50404, Khang dân, BC15... tăng từ 800 đến 1 nghìn đồng/kg, hiện được bán với giá từ 12 đến 15 nghìn đồng/kg; giá gạo chất lượng như: Bắc thơm, tám thơm Hải Hậu, nếp cái hoa vàng… tăng từ 2 đến 5 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều chủ cơ sở kinh doanh gạo trên địa bàn các tỉnh phía Bắc phải thu gom lúa gạo từ các tỉnh miền Trung và TP Hồ Chí Minh.

Vẫn cân đối nguồn lương thực

Theo Bộ NN&PTNT, do ảnh hưởng mưa bão và dịch bệnh trong vụ mùa vừa qua nên năng suất lúa tại các tỉnh phía Bắc giảm, có địa phương giảm đến 40%. Ví dụ, tỉnh Nam Định có hơn 33 nghìn héc ta trồng lúa bị mất trắng do bệnh lùn sọc đen và mưa bão (tổng diện tích 76 nghìn héc ta). Bên cạnh đó, khoảng 45 nghìn héc ta lúa thu hoạch được nhưng đã bị ngâm nước do ngập lụt, đa phần lại phải thu hoạch non khi lúa mới chớm đỏ đuôi để chạy lũ nên chất lượng gạo thấp.

Tương tự tại tỉnh Hải Dương, bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương thông tin: Vụ mùa năm ngoái, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 55 tạ/ha, năm nay chỉ đạt 49 tạ/ha. Mưa kéo dài khiến dịch bệnh trên lúa bùng phát mạnh. Đặc biệt, mưa bão trong tháng 10 vừa qua đã khiến hàng chục nghìn héc ta lúa bị ngập, mất trắng hoặc năng suất giảm. Có thể nói, vụ mùa năm nay tỉnh Hải Dương mất mùa.

Tại Thái Bình, một trong những vùng sản xuất lúa, gạo trọng điểm của miền Bắc, theo báo cáo, dịch bệnh và thiên tai đã khiến hơn 60% diện tích lúa mùa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều hộ nông dân có 3 sào ruộng chỉ thu được 30kg thóc, có hộ mất trắng.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, năng suất lúa cả năm tại miền Bắc giảm khoảng 266 nghìn tấn, trong đó vụ mùa 2017 giảm khoảng 133 nghìn tấn so với năm ngoái. Ngoài mưa bão, việc sụt giảm sản lượng còn do giảm diện tích đất lúa trên phạm vi cả nước chuyển đổi cơ cấu sang cây trồng khác năm 2017 - khoảng 60 nghìn héc ta.

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: Dù sản lượng lúa các tỉnh phía Bắc giảm đáng kể do dịch bệnh, thiên tai song khu vực Nam Trung Bộ được mùa, sản lượng tăng khoảng 400 nghìn tấn, và sản lượng lúa Đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì ở mức khá. Tổng sản lượng lúa trên phạm vi cả nước vẫn có thể được cân đối, không bị giảm quá sâu. Tuy nhiên, có thể có một số đơn hàng của doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng, nhất là đối với đơn hàng lúa gạo chất lượng cao.

Theo Bộ NN&PTNT, từ giữa tháng 10 đến nay, không chỉ giá lúa gạo tại thị trường miền Bắc tăng mà giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng tăng - khoảng 200 đồng/kg so với tháng trước. Nguyên nhân là nhu cầu của thị trường thế giới tăng, trong khi các nước xuất khẩu gạo đang cạn nguồn, khan hàng xuất khẩu. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp trên cả nước đã có hợp đồng để xuất khẩu 5,6 triệu tấn gạo. Dự kiến năm nay, Việt Nam sẽ xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo...

Đỗ Minh

Nông dân xã Thanh Văn (huyện Thanh Oai) thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Đức Nghiêm

Gần đây, thương lái đổ xô về xã Thanh Văn và Tam Hưng - vùng trồng lúa chất lượng cao của huyện Thanh Oai (Hà Nội) để thu mua lúa gạo. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Văn Hoàng Văn Họa, năm nay thương lái về đông hơn mọi năm. “Nếu như trước đây, giá thu mua gạo dao động từ 15 đến 16 nghìn đồng/kg thì vụ mùa vừa qua, thương lái mua trực tiếp tại hợp tác xã với giá từ 18 đến 20 nghìn đồng/kg gạo Bắc thơm số 7. Mặc dù giá tăng song nông dân trồng lúa không hẳn vui bởi mất mùa. Vụ mùa năm ngoái, năng suất lúa đạt từ 52 đến 54 tạ/ha, nhưng năm nay chỉ đạt từ 33 đến 35 tạ/ha” - ông Họa cho biết thêm.

Tại vùng trồng lúa Bắc thơm số 7 và nếp cái hoa vàng ở xã Tam Hưng (Thanh Oai), sản lượng lúa mùa năm nay giảm nên không đủ để bán cho thương lái. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên cho biết: Hiện giá thu mua gạo Bắc thơm số 7 trên địa bàn xã từ 18 đến 20 nghìn đồng/kg, nếp cái hoa vàng hơn 30 nghìn đồng/kg. Mức giá này cao hơn so với vụ trước từ 3 đến 5 nghìn đồng/kg. Về nguyên nhân giá thu mua lúa gạo tăng, ông Kiên cho rằng: Vụ mùa năm nay do ảnh hưởng mưa bão kéo dài khiến diện tích lúa vụ mùa của xã nhiễm bệnh bạc lá nên năng suất giảm 20% so với vụ trước.

Không riêng Hà Nội, tại nhiều tỉnh phía Bắc, giá thu mua lúa gạo cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Theo khảo sát của Bộ NN&PTNT, tại một số tỉnh như Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên… giá thu mua lúa gạo đều tăng. Loại gạo có chất lượng trung bình như IR50404, Khang dân, BC15... tăng từ 800 đến 1 nghìn đồng/kg, hiện được bán với giá từ 12 đến 15 nghìn đồng/kg; giá gạo chất lượng như: Bắc thơm, tám thơm Hải Hậu, nếp cái hoa vàng… tăng từ 2 đến 5 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều chủ cơ sở kinh doanh gạo trên địa bàn các tỉnh phía Bắc phải thu gom lúa gạo từ các tỉnh miền Trung và TP Hồ Chí Minh.

Theo Bộ NN&PTNT, do ảnh hưởng mưa bão và dịch bệnh trong vụ mùa vừa qua nên năng suất lúa tại các tỉnh phía Bắc giảm, có địa phương giảm đến 40%. Ví dụ, tỉnh Nam Định có hơn 33 nghìn héc ta trồng lúa bị mất trắng do bệnh lùn sọc đen và mưa bão (tổng diện tích 76 nghìn héc ta). Bên cạnh đó, khoảng 45 nghìn héc ta lúa thu hoạch được nhưng đã bị ngâm nước do ngập lụt, đa phần lại phải thu hoạch non khi lúa mới chớm đỏ đuôi để chạy lũ nên chất lượng gạo thấp.

Tương tự tại tỉnh Hải Dương, bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương thông tin: Vụ mùa năm ngoái, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 55 tạ/ha, năm nay chỉ đạt 49 tạ/ha. Mưa kéo dài khiến dịch bệnh trên lúa bùng phát mạnh. Đặc biệt, mưa bão trong tháng 10 vừa qua đã khiến hàng chục nghìn héc ta lúa bị ngập, mất trắng hoặc năng suất giảm. Có thể nói, vụ mùa năm nay tỉnh Hải Dương mất mùa.

Tại Thái Bình, một trong những vùng sản xuất lúa, gạo trọng điểm của miền Bắc, theo báo cáo, dịch bệnh và thiên tai đã khiến hơn 60% diện tích lúa mùa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều hộ nông dân có 3 sào ruộng chỉ thu được 30kg thóc, có hộ mất trắng.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, năng suất lúa cả năm tại miền Bắc giảm khoảng 266 nghìn tấn, trong đó vụ mùa 2017 giảm khoảng 133 nghìn tấn so với năm ngoái. Ngoài mưa bão, việc sụt giảm sản lượng còn do giảm diện tích đất lúa trên phạm vi cả nước chuyển đổi cơ cấu sang cây trồng khác năm 2017 - khoảng 60 nghìn héc ta.

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: Dù sản lượng lúa các tỉnh phía Bắc giảm đáng kể do dịch bệnh, thiên tai song khu vực Nam Trung Bộ được mùa, sản lượng tăng khoảng 400 nghìn tấn, và sản lượng lúa Đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì ở mức khá. Tổng sản lượng lúa trên phạm vi cả nước vẫn có thể được cân đối, không bị giảm quá sâu. Tuy nhiên, có thể có một số đơn hàng của doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng, nhất là đối với đơn hàng lúa gạo chất lượng cao.

Theo Bộ NN&PTNT, từ giữa tháng 10 đến nay, không chỉ giá lúa gạo tại thị trường miền Bắc tăng mà giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng tăng - khoảng 200 đồng/kg so với tháng trước. Nguyên nhân là nhu cầu của thị trường thế giới tăng, trong khi các nước xuất khẩu gạo đang cạn nguồn, khan hàng xuất khẩu. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp trên cả nước đã có hợp đồng để xuất khẩu 5,6 triệu tấn gạo. Dự kiến năm nay, Việt Nam sẽ xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo...

Đỗ Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/883003/vi-sao-gia-lua-gao-mien-bac-tang