Vì sao giá khởi điểm lưu thông trên cao tốc Bắc - Nam khi khai thác là 1.500 đồng/km?

Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (PPP) (Bộ Giao thông vận tải), mức giá này được đưa ra sau khi xem xét rất nhiều phương án, đã được cân bằng và tính toán hiệu quả. Trong đó, chúng tôi đã đưa ra quy mô con đường, mức giá với thông số như hiện tại để người tham gia giao thông mong muốn tham gia con đường.

Việc áp dụng mức phí 1.500 đồng/km sẽ phù hợp với sức chi trả của người dân tại thời điểm bắt đầu khai thác (Ảnh minh họa) Ảnh: Internet.

Cụ thể, theo ông Duy, trên cơ sở quy định của Luật Giá, để đảm bảo bù đắp chi phí đầu tư xây dựng và hoàn vốn, mức giá phí đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ vào khoảng 2.500 đồng/xe con tiêu chuẩn (PCU)/km, tương ứng với thời gian hoàn vốn khoảng 24 năm.

Tuy nhiên, mức giá này tại thời điểm bắt đầu khai thác là khá cao, vượt quá sức chi trả của người sử dụng, khó thu hút các phương tiện nên không hiệu quả. Vì vậy, việc áp dụng mức phí 1.500 đồng/km sẽ phù hợp với sức chi trả của người dân tại thời điểm bắt đầu khai thác. Sau đó, sẽ tính toán mức giá cụ thể cho từng thời kỳ hoàn vốn.

Cụ thể, khung giá dịch vụ trong thời gian kinh doanh khai thác (khoảng 24 năm) đề xuất được áp dụng như sau: Giai đoạn 2021-2023 (1.500 đồng/PCU/km), giai đoạn 2024-2026 (1.700 đồng/PCU/km), giai đoạn 2027-2029 (1.900 đồng/PCU/km), giai đoạn 2030-2032 (2.100 đồng/PCU/km), giai đoạn 2033-2035 (2.400 đồng/PCU/km), giai đoạn 2036-2038 (2.700 đồng/PCU/km), giai đoạn 2039-2041 (3.000 đồng/PCU/km), giai đoạn 2042-2044 (3.400 đồng/PCU/km).

Đánh giá về việc mức giá này có khả thi không, ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VETC) cho biết, về giá cao tốc, cách đây 6 năm khi lần đầu tiên đưa tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình vào khai thác, có câu hỏi đặt ra 1.500 đồng/km có quá cao và xã hội có chấp nhận được không? Lúc đó, tôi đã trả lời, đây là quyền lựa chọn của người dân. Nếu người dân muốn đi đường tốt, nhanh, an toàn sẽ lựa chọn. Và thực tế đến nay câu trả lời này vẫn đúng như vậy.

"Hiện nay, chúng tôi đang khai thác 4 tuyến đường cao tốc (tổng cộng 420km): Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, với mức phí 1.500 đồng/km đến 2.000 đồng/km. Từ những tuyến đầu tiên đến nay, có thể thấy, tốc độ phát triển lưu lượng rất cao, trung bình trên 20%. Điều này thể hiện tính hiệu quả của đường cao tốc và mức giá đưa ra là phù hợp. Theo tôi, mức độ tăng trưởng hiện nay là tương đối cao và bắt đầu phải tính đến việc mãn tải như tuyến TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Điều này cho thấy mức giá khởi điểm 1.500 đồng/km là hợp lý”, ông Tuấn Anh phân tích.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/vi-sao-gia-khoi-diem-luu-thong-tren-cao-toc-bac-nam-khi-dua-vao-khai-thac-la-1-500-dong-km.aspx