Vì sao gia đình được gọi là tổ ấm?

Với nhịp sống vội vã trong xã hội hiện đại, thiết nghĩ cụm từ 'tổ ấm gia đình' càng nên được nhắc nhở, khuyên nhủ với nhau thường xuyên.

Bởi sự tất bật với công việc, rồi hội họp, tiệc tùng, giao du… chúng ta không có nhiều thì giờ rãnh rỗi, nên dễ xao lãng với "tổ ấm" của mình, mà lẽ ra ta phải chăm chút nó từng ngày. Vì đây là nơi thiêng liêng, nơi "neo đậu" bình yên, vỗ về, ấm áp cho mỗi con người trong cuộc đi xa trở về hay hằng ngày vật lộn căng thẳng với cuộc mưu sinh…

Qua quá trình sống, người xưa đúc kết ra câu thành ngữ thật chí lý: "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Đây không những là sự khẳng định mà còn là lời giáo lý, nhắc nhở vợ chồng nên đồng tâm hiệp sức gìn giữ tổ ấm, hạnh phúc gia đình. Trong gia đình bao giờ người phụ nữ cũng cần có "bờ vai" vững chãi của người chồng để nương tựa. Ngược lại, người đàn ông thành đạt bao giờ cũng có công đóng góp của người vợ trong quá trình chung sống đã luôn hết lòng "nâng khăn sửa túi" cho mình.

Không ít đấng mày râu khi đăng quang đã phát ngôn rằng "Phía sau sự thành đạt của tôi có bóng dáng của bà xã". Đó là người vun vén cho tổ ấm gia đình từ việc chăm sóc cha mẹ, chăm lo cho chồng, nuôi dạy con cái đến việc ứng xử trong gia đình, dòng họ… Cho dù chúng ta luôn luôn đấu tranh cho bình đẳng giới, nhưng xem ra lời khuyên "Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi bớt lửa chớ đời nào khê" vẫn có giá trị vĩnh cửu. Bởi có ai không thừa nhận "một câu nhịn chín câu lành" bao giờ.

Gia đình được gọi là tổ ấm

Mỗi ngày do công việc chi phối nên những thành viên trong gia đình ít được kết nối tình cảm chặt chẽ và thường xuyên, không được gần gũi để chia sẻ, sự quan tâm nhau cũng ít dần đi. Lại có thêm phương tiện thông tin hiện đại như điện thoại di động, internet… nên cứ "gặp nhau qua mạng", chúc tụng qua nhắn tin, mail, chat, facebook…

Không ít chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên, dù bận rộn bao nhiêu thì trong một ngày các thành viên trong gia đình cũng nên có ít nhất một bữa ngồi ăn cơm chung với nhau. Bữa cơm chung là một phần tất yếu của "tổ ấm", nơi mà các buồn phiền, căng thẳng… tan biến, chỉ còn lời tâm sự ấm áp, ngọt ngào, quan tâm chia sẻ từ miếng thức ăn cho nhau, đến động viên, khích lệ trong học tập, sinh hoạt hằng ngày…

Bữa cơm chung có giá trị kết nối mọi thành viên trong gia đình

Không riêng gì ở Việt Nam, rất nhiều nước trên thế giới càng văn minh, hiện đại, họ càng coi trọng tổ ấm gia đình. Vì gia đình là nguồn cơn của mọi sự hạnh phúc, thành đạt chung. Nó giúp cho các thành viên trong gia đình không còn bị chi phối bởi nỗi cô đơn, toàn tâm toàn ý, tập trung vào học tập, công việc để thực hiện ước mơ, hoài bão… đi đến thành đạt, thành danh.

Không may, tổ ấm gia đình đổ vỡ sẽ dẫn đến việc con cái hư hỏng, có thể tham gia tệ nạn, thậm chí gây án... Vì ngoài việc chúng còn non trẻ không đủ bản lĩnh để vượt qua cú "sốc" lớn về tinh thần, cũng có khi đây là sự phản kháng, hành động trả thù, hành hạ lại cha mẹ vì đã làm khổ mình.

Ông bà ta thật khéo chọn cách nói. Có lẽ khó có thể tìm từ nào cho thật hay, thật đẹp và khái quát cao hơn hai từ "tổ ấm" để ám chỉ gia đình. Không hoa mỹ, không chải chuốt, rất bình dị mà hàm chứa tình cảm sâu sắc, đằm thắm, lung linh khiến cho mọi người nếu xao lãng, thiếu quan tâm khi nhớ đến nó phải giật mình, cân nhắc.

Trong cuộc sống có không ít tổ ấm gia đình vì lý do này, lý do khác bị đổ vỡ, cũng như không ít người không có được tổ ấm gia đình, thật đáng được xóm giềng, cộng đồng chăm lo, giúp đỡ.

Nỗi bất hạnh không có, hoặc mất đi tổ ấm gia đình là nỗi bất hạnh không có gì bù đắp được. Vì thế, những ai đang có tổ ấm gia đình nên vun đắp, gìn giữ thật tốt. Không những ta giữ cho ta mà ta giữ cho mọi người thân yêu nhất trong tổ ấm của mình. Đồng thời, qua đó nhằm góp phần làm tốt đẹp cho xã hội hơn.

PHẠM THÀNH LONG

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/vi-sao-gia-dinh-duoc-goi-la-to-am-12567.html