Vì sao giá điện tăng thêm 8,36% vào cuối tháng 3?

Thông tin mới đây từ Bộ Công Thương cho biết, dự kiến giá điện sẽ được điều chỉnh tăng thêm 8,36% từ cuối tháng 3/2019. Như vậy, giá điện đã tăng sau ba năm ổn định.

Với mức tăng này thì giá điện bán lẻ bình quân năm 2019 sẽ khoảng 1.864,44 đồng/kWh so với mức giá hiện hành là 1.720,65 đồng

Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, đảm bảo nguyên tắc giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ.

 Giá điện sẽ được điều chỉnh tăng thêm 8,36% từ cuối tháng 3/2019. Ảnh: Bộ Công Thương.

Giá điện sẽ được điều chỉnh tăng thêm 8,36% từ cuối tháng 3/2019. Ảnh: Bộ Công Thương.

Liên quan đến việc tăng giá điện, trả lời câu hỏi của báo chí, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đề xuất tăng giá điện được cơ quan này xây dựng trên cơ sở các chi phí phát sinh thực tế trong sản xuất điện; khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá từ năm 2015 đến nay của ngành điện và các yếu tố khác.

Theo đó, năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có lãi 2.792,08 tỷ đồng là nhờ có tới 10.000 tỷ đồng chưa được tính đầy đủ vào giá thành sản xuất của ngành điện. Nếu tính đủ, EVN sẽ bị lỗ nặng.

Trong khi đó, ông Trần Tuệ Quang, Cục phó Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, năm qua, phải "bù lỗ" cho rất nhiều chi phí sản xuất kinh đoanh điện tại các huyện, xã đảo, khu vực chưa nối lưới điện quốc gia. Chi phí này được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện. Tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo này là 184,33 tỷ đồng.

Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, ngoài số tiền trên, đến nay, chênh lệch tỷ giá chưa tính vào giá điện của năm 2015 tới hiện vẫn còn treo lại lên tới 754 tỷ đồng. Chênh lệch tỷ giá phát sinh trong năm 2018 chưa tính vào giá điện lên tới 3.593 tỷ đồng. Tổng chênh lệch tỷ giá cộng dồn qua các năm chưa tính đầy đủ trong giá điện đến nay lên tới 10.000 tỷ đồng.

Vì vậy, để bảo đảm EVN kinh doanh có lãi, tăng cường tiềm lực tài chính đầu tư vào phát điện, bộ Công thương đã triển khai xây dựng kịch bản điều hành giá bán lẻ điện của năm 2019.

Đây sẽ là lần điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thứ 8, kể từ năm 2010. Trong 10 năm qua giá điện đã tăng 7 lần, lần tăng mạnh nhất là 15,28% năm 2011, thấp nhất là mức tăng 5% 2012 - 2013. Lần điều chỉnh gần nhất vào cuối năm 2017 là hơn 6,08%.

Cũng theo Bộ Công thương, thống kê giá điện tại 25 nước, bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, trong đó có các nước trong khu vực như Lào, Philippine, Indonesia, Camphuchia, Trung Quốc, Ấn Độ thì giá điện của Việt Nam năm 2018 ở mức 0.074 USD/kWh, thấp nhất trong số các nước được thống kê.

Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết việc điều chỉnh giá điện là biện pháp để lành mạnh hóa tài chính của ngành điện. Ông Vượng cho rằng theo quy định lẽ ra năm 2018 phải có lần điều chỉnh giá điện nhưng tính tới cân đối kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát… nên chưa điều chỉnh giá bán lẻ điện.

Hoàng Minh (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/vi-sao-gia-dien-tang-them-836-vao-cuoi-thang-3-1194485.html