Vì sao giá dầu trồi sụt mạnh?

Sau thông tin EU thống nhất về thỏa thuận hạn chế dầu Nga, giá dầu thế giới tăng cao rồi rơi thẳng đứng trong vỏn vẹn 24 giờ.

Giá dầu đã trồi sụt mạnh mẽ sau khi Liên minh châu Âu đạt thỏa thuận cấm 90% dầu Nga. Trong vòng 24 giờ qua, giá dầu thô Brent có thời điểm áp sát ngưỡng 124 USD/thùng, rồi rơi thẳng đứng xuống 115 USD/thùng. Tính đến 17h ngày 1/6 (theo giờ Việt Nam), dầu Brent chuẩn quốc tế được giao dịch quanh mức 118 USD/thùng.

Giá dầu WTI ít biến động hơn và hiện ở mức 117 USD/thùng, không thấp hơn nhiều so với giá dầu Brent. Đây vốn là điều bất thường trên thị trường dầu.

Nói với Zing, chuyên gia quốc tế giải thích rằng giá dầu Brent đã không tăng quá mạnh sau thông tin về lệnh cấm của châu Âu đối với dầu Nga. Trong khi đó, khả năng OPEC loại Nga khỏi thỏa thuận dầu mỏ khiến giá dầu thế giới giảm mạnh.

Giá dầu Brent chuẩn quốc tế biến động mạnh trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics.

Giá dầu Brent chuẩn quốc tế biến động mạnh trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics.

Quyết định quan trọng của OPEC

"Thông báo về lệnh cấm một phần của Liên minh châu Âu (EU) đối với nhập khẩu dầu thô từ Nga có tác động không quá lớn đối với thị trường dầu, bởi rủi ro này đã được phản ánh trong thị trường", ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao tại Asia Pacific Oanda - bình luận với Zing.

Theo ông, điều tác động mạnh tới thị trường là bài báo trên tờ Wall Street Journal. Theo đó, tại cuộc họp sắp tới của OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh), OPEC có thể loại Nga ra khỏi thỏa thuận dầu mỏ, sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU hạn chế khả năng xuất khẩu dầu của Moscow.

Việc loại trừ Nga khỏi thỏa thuận về hạn ngạch sản xuất dầu mỏ có thể mở đường cho Saudi Arabia, UAE và các nước sản xuất dầu khác trong OPEC bơm thêm lượng dầu thô đáng kể. Đó là điều mà những quốc gia phương Tây đã thúc giục kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Tờ Wall Street Journal cho rằng nguyên nhân chính khiến OPEC cân nhắc khả năng hạn chế sự tham gia của Nga - đối tác quan trọng của nhóm - là những biện pháp trừng phạt nhắm vào lĩnh vực năng lượng của nước này.

Dù tác động đối với giá dầu WTI là rất nhỏ, dầu thô Brent tiêu chuẩn quốc tế đã giảm mạnh

Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Asia Pacific Oanda

Theo chuyên gia Halley, thông tin này góp phần hạ nhiệt giá dầu. "Dù tác động đối với giá dầu WTI là rất nhỏ, dầu thô Brent tiêu chuẩn quốc tế đã giảm mạnh", ông bình luận.

"Đó là một động thái hợp lý của OPEC. Các lệnh trừng phạt nhắm vào Moscow khiến Nga không có khả năng đáp ứng những cam kết về sản xuất. Do đó, tốt nhất nên để các thành viên còn lại bù đắp phần dầu thiếu hụt", ông Halley nhận định.

Ngoài ra, ông cho rằng OPEC cũng có thể khó chịu vì việc Nga bán dầu thô giá rẻ cho Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác, tức tranh giành thị phần với những quốc gia thành viên của OPEC.

"Tôi cho rằng tất cả sẽ được trả lời vào cuộc họp ngày mai của OPEC+", ông Halley nói thêm.

Trên thực tế, chỉ Saudi Arabia, UAE và Iraq có khả năng tăng sản lượng nhanh chóng. Bởi những thành viên còn lại của nhóm thậm chí không thể đáp ứng hạn ngạch sản xuất hiện tại.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia Halley, ngay cả khi Nga đồng ý với quyết định này, điều này vẫn chưa đủ để đưa giá dầu thô Brent trở lại mức 100 USD/thùng.

Theo Wall Street Journal, OPEC hiện vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng về việc có loại trừ Nga khỏi mục tiêu chung hay không. Nhóm này cũng chưa có mục tiêu rõ ràng đối với sản lượng dầu tăng thêm.

Dù vậy, một số quốc gia OPEC đang lên kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu dầu trong năm nay.

Thị trường vẫn bị thắt chặt

Ngay cả khi đã điều chỉnh giảm, giá dầu vẫn ở mức cao. Theo ông Craig Erlam - chuyên gia tài chính có trụ sở tại London, giá dầu chịu áp lực bởi nguồn cung bị thắt chặt, việc EU đạt được thỏa thuận về lệnh cấm 90% dầu nhập khẩu từ Nga, và sự hồi sinh của nền kinh tế Trung Quốc.

Hôm 30/5, EU đã đồng ý cấm hầu hết dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay. Đây là một phần của các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Moscow vì cuộc chiến ở Ukraine và nhằm chặn nguồn thu ngân sách của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Động thái này được ông Josep Borrell - người đứng đầu về chính sách đối ngoại của EU - ca ngợi là "quyết định mang tính bước ngoặt làm tê liệt cỗ máy chiến tranh của Tổng thống Putin".

Thêm vào đó, Thượng Hải và Bắc Kinh - 2 thành phố lớn của Trung Quốc - đã bắt đầu nới lỏng những biện pháp kiểm soát dịch bệnh sau khi số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng giảm xuống.

"Việc Trung Quốc mở cửa trở lại là một động lực lớn đóng góp vào đà tăng giá của dầu thô. PMI (chỉ số quản lý thu mua) sản xuất và phi sản xuất tại nước này vẫn còn sụt giảm trong tháng 5, nhưng với tốc độ chậm hơn tháng 4", ông Erlam giải thích với Zing.

"Việc dỡ bỏ các yêu cầu chống dịch sẽ giúp đà giảm được thu hẹp hơn nữa. Đây là một rủi ro tăng giá lớn đối với dầu thô toàn cầu", ông nói thêm.

Trước đó, lệnh phong tỏa của Trung Quốc làm gián đoạn các hoạt động từ di chuyển, sản xuất tới vận tải, từ đó đè nặng lên nhu cầu dầu toàn cầu. Vài tháng qua, cùng với những nỗ lực tăng nguồn cung dầu từ các chính phủ trên thế giới, chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Trung Quốc góp phần lớn trong việc hạ nhiệt giá dầu.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-gia-dau-troi-sut-manh-post1322635.html