Vì sao gần 3 tỷ con chim biến mất ở Mỹ, Canada sau 50 năm?

Số lượng chim ở Mỹ và Canada đã giảm 29% kể từ năm 1970, theo các nhà khoa học. Nói cách khác, sau 50 năm, số lượng chim đã giảm 2,9 tỷ con.

Đó là kết quả gây sốc đối với giới khoa học và bảo tồn, mới được đăng trên tạp chí Science, và được coi là nghiên cứu đầy đủ và kỳ công nhất để theo dõi các loài chim.

Trong một thông cáo ngày 19/9, David Yarnold, chủ tịch Hội Audubon Quốc gia (Mỹ), tổ chức chuyên về bảo tồn, gọi các kết quả nói trên là “cuộc khủng hoảng toàn diện”.

Việc một số loài chim suy giảm và có nguy cơ tuyệt chủng vẫn diễn ra lâu nay, nhưng nghiên cứu mới này khảo sát hơn 500 loài, và cho thấy sự sụt giảm mạnh ở những loài vốn vẫn “đông đúc”.

Giới khoa học chỉ ra nhiều nguyên nhân, bao gồm môi trường sống bị phá hủy và sử dụng thuốc trừ sâu rộng rãi.

Số lượng chim ở Mỹ và Canada đã giảm 29%, tương đương 2,9 tỷ cá thể, kể từ năm 1970, theo các nhà khoa học. Ảnh: AP.

Số lượng chim ở Mỹ và Canada đã giảm 29%, tương đương 2,9 tỷ cá thể, kể từ năm 1970, theo các nhà khoa học. Ảnh: AP.

Hai cách nghiên cứu cùng cho thấy số chim giảm

Kevin Gaston, nhà sinh vật học bảo tồn ở đại học Exeter, Anh, nói với New York Times đây là hồi chuông báo động về xu hướng lớn hơn đang diễn ra: “Một phần của thiên nhiên đang mất đi”.

Khi các loài chim biến mất, môi trường sống của chúng không còn như trước. Vì các loài chim có vai trò quan trọng với môi trường sống: kiểm soát sâu bọ, thụ phấn cho hoa, hay phát tán hạt giống.

“Giảm số lượng loài chim này hay loài chim khác không gây chú ý như việc mất đi loài đại bàng đầu trắng hay loài sếu đồi cát (sandhill crane), nhưng việc mất đi các loài chim cũng có tác động lớn”, Hillary Young, nhà sinh vật học bảo tồn từ đại học California ở Santa Barbara, nói với New York Times.

Các nhà nghiên cứu đã dùng các ghi nhận của những người đam mê quan sát chim để ước tính số cá thể của 529 loài chim. Từ trước đến nay, những người quan sát chim nghiệp dư vẫn ghi lại các quan sát của họ vào cơ sở dữ liệu, và giới khoa học vẫn dùng dữ liệu đó.

Con số nói trên chiếm 76% loài chim ở Mỹ và Canada.

Nhóm nghiên cứu nhận ra rằng trong khi một số loài “đông dân” hơn, đa số loài chim giảm mạnh về số cá thể. Số chim đã giảm 29% so với năm 1970, tương đương số lượng 3 tỷ cá thể.

“Chúng tôi thấy kinh ngạc vì phát hiện này”, Kenneth Rosenberg, nhà khoa học về bảo tồn từ đại học Cornell và Hội Bảo tồn Chim Mỹ, cũng là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

“Không chỉ riêng những loài chim đang có nguy cơ tuyệt chủng... mà hầu hết loài chim (đều giảm)”, ông nói với New York Times.

“Một phần của thiên nhiên đang mất đi”, Kevin Gaston, nhà sinh vật học bảo tồn ở đại học Exeter, Anh, cho biết. Ảnh: Đại học Cornell & Hội Bảo vệ Chim Mỹ.

Ngoài ra, ông Rosenberg và các đồng nghiệp cũng theo dõi quần thể chim bằng radar thời tiết. Họ đếm số chim quanh 143 trạm trên khắp nước Mỹ từ năm 2007-2018. Họ tập trung vào dữ liệu quét radar mùa xuân, khi các loài chim hiện ra với số lượng lớn vì đang di cư.

Bằng cách này, nhóm nghiên cứu phát hiện số cá thể giảm 14% trong khoảng thời gian trên, cho thấy xu hướng suy giảm tương tự trong ghi nhận của giới quan sát chim nghiệp dư.

“Nếu hai tập hợp dữ liệu cùng cho thấy một xu hướng, thì đây là thành công lớn”, Nicole Michel, nhà sinh thái học định lượng từ Hội Audubon (không tham gia nghiên cứu) nói với New York Times.

Tiến sĩ Rosenberg ngạc nhiên vì sự sụt giảm cũng xảy ra ở các loài vốn đông đúc, như chim sáo đá xanh (giảm 49%). Tiến sĩ Gaston từ đại học Exeter cho biết châu Âu cũng có sự suy giảm số lượng chim, kể cả các loài đông dân.

Nguyên nhân làm số chim giảm

Nghiên cứu mới đây không nhằm giải thích tại sao chim đang dần biến mất, nhưng tiến sĩ Rosenberg chỉ ra một số thủ phạm.

Các loài chim sống trên đồng cỏ bị suy giảm nhiều nhất (giảm 717 triệu), và nguyên nhân có thể là sự phát triển của nông nghiệp hiện đại.

“Khi canh tác một cánh đồng hay rút hết nước của một khu đất ngập nước (wetland), chúng ta sẽ mất đi các loài chim sống ở đó”, tiến sĩ Rosenberg nói.

Chim đen cánh đỏ bay trên bầu trời Long Islands, New York. Ảnh: Getty Images.

Ngoài việc mất đi môi trường sống, thuốc trừ sâu có thể đã gây tác động. Chẳng hạn, một nghiên cứu khác trong tháng 9 cho thấy thuốc trừ sâu khiến chim khó tăng cân để có đủ sức cho chuyến di cư.

Một số loài lại tăng lên, như đại bàng đầu trắng và chim cắt. Trong đó, nhiều loài gần như tuyệt chủng vào thế kỷ trước do thuốc trừ sâu, nhưng các biện pháp bảo tồn đã giúp chúng hồi phục.

Tiến sĩ Young từ đại học California ở Santa Barbara cho biết sẽ cần một nỗ lực khổng lồ để ngăn xu hướng giảm lượng chim, vì có quá nhiều loài đang giảm. Theo bà, môi trường sống cần được bảo vệ, hóa chất phải được giới hạn, các tòa nhà cần được thiết kế lại.

Hội Audubon kêu gọi bảo vệ môi trường sống, và tôn trọng Luật Hiệp ước Chim Di cư, mà chính quyền ông Trump không muốn tuân thủ chặt chẽ so với trước.

Một số nhóm bảo vệ chim khác đề nghị không thả mèo ra ngoài, vì chúng sẽ giết chim. Mỗi năm, nhiều con chim chết vì bay vào cửa sổ, và họ kêu gọi phải làm cho cửa sổ dễ nhận biết hơn đối với chim.

Đối với những người đam mê quan sát chim, kết quả nghiên cứu xác nhận điều mà họ vẫn luôn nghi ngờ.

Beverly Gyllenhaal, 62 tuổi, cho biết khi về thăm mẹ ở bang North Carolina những năm gần đây, bà không còn thấy nhiều chim như thời còn bé.

Mỗi khi bà nói chuyện với người khác về chim, mọi người thường nói: “Khác hẳn so với trước”.

Bồ nông đang bay dọc bờ biển California vào lúc mặt trời lặn ngày 1/11/2013. Ảnh: Reuters.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vi-sao-gan-3-ty-con-chim-bien-mat-o-my-canada-sau-50-nam-post993770.html