Vì sao gần 3 năm vẫn chưa khởi tố vụ Công ty phân bón Thuận Phong?

Nhiều bộ, ngành đã đưa ra nhận định và bản thân Công ty Công ty CP SX&TM Thuận Phong (Công ty Thuận Phong) thừa nhận các vi phạm trong sản xuất kinh doanh phân bón nhưng sự việc từ tháng 4.2015 đến nay vẫn chưa có 'kết thúc' khiến cho người dân cảm thấy mệt mỏi khi dõi theo vụ việc này.

Vì sao gần 3 năm vẫn chưa khởi tố vụ Công ty phân bón Thuận Phong? (Ảnh: IT)

Bộ Tư pháp tiếp tục khẳng định có dấu hiệu giả mạo

Bộ Tư pháp vừa có văn bản số 786/BTP-PLHSHC gửi Văn phòng Chính phủ cho rằng, Công ty Thuận Phong có dấu hiệu giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa và việc sản xuất 19 loại phân bón của Công ty này cũng có hành vi sản xuất phân bón giả.

Bộ Tư pháp cho biết, theo khoản 1, khoản 9 Điều 3 và điểm đ, điểm e khoản 8 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng (được sửa đổi bổ sung theo Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19.11.2015) thì việc sang chiết, đóng gói là một công đoạn của “sản xuất” hàng hóa. Do đó, theo quy định này, việc trên nhãn có ghi “Made in USA” và “Produced bay Bio Huma Netics, Inc…” là giả mạo tên thương nhân, địa chỉ thương nhân khác, giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa.

Do vậy, trong vụ việc Công ty Thuận Phong, Bộ Tư pháp thống nhất ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ (tại Công văn số 114/BKHCN-TĐC ngày 27.9.2016), theo đó, việc gắn nhãn hàng hóa gắn trên chai phân bón 01 lít của Công ty Thuận Phong sang chiết, đóng gói có ghi “Made in USA” và “Produced bay Bio Huma Netics, Inc…” là có dấu hiệu giả mạo tên thương nhân, địa chỉ thương nhân khác; giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa.

Ngài ra, qua báo cáo kết quả thẩm định về vụ việc của Công ty Thuận Phong (theo Công văn số 2213/BCA-C41 ngày 15.9.2017) của Bộ Công an và các tài liệu liên quan, Bộ Tư pháp thấy rằng, đối với 29 sản phẩm phân bón do Công ty Thuận Phong sản xuất đã được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành giám định 02 lần.

Theo kết quả của cả 2 lần giám định này, Bộ Tư pháp cho rằng, hành vi sản xuất 19 loại phân bón (đã được giám định 02 lần) của Công ty Thuận Phong là hành vi sản xuất phân bón giả. Song Bộ Tư pháp cũng lưu ý, thời điểm phát hiện là ngày 24.4.2015, nên hành vi này được quy định tại Điều 158 BLHS năm 1999. Tuy nhiên, theo Điều 158 BLHS 1999, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi phải có số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì mới cấu thành tội phạm. Do đó, đề nghị các cơ quan chức năng xác định rõ thêm các mức định lượng này trước khi quyết định.

Trước đó, tại các cuộc họp liên quan tới vụ việc của Công ty Thuận Phong, Bộ Tư pháp cũng đã có quan điểm tương tự như báo cáo mới nhất này. Ngoài Bộ Tư pháp, các bộ khác như Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ NNPTNT, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia...đều có cùng chung nhận định về những dấu hiệu vi phạm trong sản xuất kinh doanh phân bón của Công ty Thuận Phong.

Vụ việc được phát hiện từ tháng 4.2015 và bản thân Công ty Thuận Phong đã có văn bản thừa nhận hành vi của mình nhưng đến này vẫn chưa có xử lý cuối cùng (Ảnh: IT)

Bản thân Công ty Thuận Phong thừa nhận hành vi vi phạm

Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, vào cuối tháng 7.2017, ông Khiếu Mạnh Thường - Tổng Giám đốc Công ty Thuận Phong đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực kiêm Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cùng các cơ quan chức năng, trong đó nêu rõ: Căn cứ vào diễn biến toàn bộ vụ việc vi phạm hành chính xảy ra tại Công ty Thuận Phong từ ngày 24.4.2015 đến nay, Công ty đã nghiêm túc nhận khuyết điểm.

Trong công văn cũng nêu rõ các nội dung đã vi phạm như vi phạm về hợp quy, về đăng ký kinh doanh, về chỉ dẫn sở hữu công nghiệp; vi phạm về thiếu thông tin bắt buộc về nơi sang chiết đóng chai phân bón tại Việt Nam và sản xuất phân bón không đạt mức sai số định lượng cho phép so với mức công bố.

Đề cập tới 29 sản phẩm do Công ty Thuận Phong sản xuất, công văn nêu rõ trong 175 chất của 29 sản phẩm, có 19 chất bị thiếu so với công bố, nhưng 19 chất này chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

Đề cập về nguyên nhân dẫn tới vi phạm, Công ty Thuận Phong cho rằng, trang thiết bị sản xuất phân bón còn hạn chế; năng lực, trình độ, khả năng quản lý, giám sát phân bón còn thiếu sót nên sản phẩm của doanh nghiệp thường xuyên có những khuyết điểm; cập nhật các vấn đề pháp lý còn hạn chế; năm 2014 nhiều văn bản mới được ban hành, các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng sản phẩm phân bón rất chặt chẽ nhưng doanh nghiệp chưa nắm bắt kịp thời…

Công văn của Công ty Thuận Phong cũng liệt kê các hoạt động khắc phục sai phạm như vay tiền ngân hàng để đại tu, sửa chữa, nâng cấp nhà máy sản xuất; sửa chữa, khắc phục những nội dung vi phạm về nhãn hàng hóa nhập khẩu; kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, kỷ luật, sa thải một số cấp quản lý kỹ thuật có liên quan…

"Qua vụ việc trên, Công ty Thuận Phong có gửi lời xin lỗi và cam kết về sau sẽ không khiếu nại, kiến nghị hoặc khiếu kiện bất cứ nội dung nào liên quan đến vụ việc trên", lãnh đạo công ty này cho biết. Trước khi ông Khiếu Mạnh Tường thừa nhận những vi phạm, ngày 15.6.2017, tại phiên chất vấn của Quốc hội, trả lời chất vấn câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về việc tại sao cơ quan chức năng chưa khởi tố vụ án sản xuất phân bón giả xảy ra tại Công ty phân bón Thuận Phong (Đồng Nai), Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết: Vụ việc này xảy ra từ năm 2015. Khi đó các cơ quan chức năng T.Ư phát hiện cơ sở sản xuất phân bón Thuận Phong (Đồng Nai) đang thực hiện đóng gói, chiết xuất phân bón có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, tại nhiệm kỳ của Chính phủ mới, ông được Thủ tướng giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo kiểm tra lại xem đã xử lý theo đúng pháp luật hay chưa. Vừa qua, cơ quan chức năng đã trưng cầu ý kiến các bộ ngành để thống nhất đánh giá, giải thích Thông tư của Bộ Công Thương về chất chính và thành phần chính. Liên ngành đã thống nhất kết luận chất chính cũng là thành phần chính và như vậy sản phẩm phân bón của Thuận Phong không đảm bảo tỷ lệ chất chính là phân bón giả.

“Cùng với kết luận của liên ngành, tôi đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công an, Viện KSND Tối cao xem xét lại vụ việc này; đồng thời có văn bản chỉ đạo Viện KSND tỉnh Đồng Nai hủy quyết định phê chuẩn không khởi tố vụ án xảy ra tại Công ty phân bón Thuận Phong của Công an Đồng Nai, phục hồi ngay việc điều tra vụ án này", Phó Thủ tướng Thường trực cho biết.

Điều nhiều người dân mong mỏi tại thời điểm này là các cơ quan chức năng sớm đưa ra kết luận cuối cùng, xử lý nghiêm minh vụ việc, đúng người, đúng tội, đúng hành vi vi phạm để lấy lại niềm tin cho nhân dân, nhất là hơn 60 triệu nông dân Việt Nam.

Phi Long

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/vi-sao-gan-3-nam-van-chua-khoi-to-vu-cong-ty-phan-bon-thuan-phong-857598.html