Vì sao gái mại dâm Bangladesh sớm được tiêm vaccine Covid-19?

Từ tuần này, những phụ nữ làm việc tại nhà thổ lớn nhất của Bangladesh bắt đầu được tiêm vaccine Covid-19, vì tính chất công việc khiến các cô là đối tượng dễ bị lây nhiễm virus.

Từ khi chiến dịch tiêm chủng được khởi động vào đầu tháng 2, Bangladesh ưu tiên tiêm cho người cao tuổi, nhân viên y tế tuyến đầu cùng lực lượng an ninh. Mục tiêu của nước này là tiêm chủng cho 80% dân số.

Tuy nhiên, những cô gái hành nghề mại dâm cũng được tiêm chủng sớm, do các cô được xem là nhóm dễ bị lây nhiễm vì ngành nghề của mình.

Trong tuần này, Reuters cho biết các cô gái mại dâm làm việc tại nhà thổ Daulatdia, thuộc thị trấn cùng tên ở phía tây Bangladesh, bắt đầu được tiêm vaccine. Daulatdia là khu nhà thổ lớn nhất nước với khoảng 1.400 gái mại dâm sống và hành nghề.

Khởi động tiêm chủng cho gái mại dâm

Bangladesh là một trong những quốc gia Nam Á sớm triển khai chiến dịch tiêm chủng. Tới nay, gần 3 triệu người từ 40 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine do AstraZeneca phát triển.

Tại nhà thổ Daulatdia, ít nhất 100 gái mại dâm đã được tiêm vaccine Covid-19, quan chức y tế thị trấn Daulatdia cho biết.

"Việc tiêm chủng cho các cô (gái mại dâm) là hết sức cần thiết. Hàng nghìn người tới nhà thổ này mỗi ngày, nên những phụ nữ ở đây là nhóm dễ bị lây nhiễm nhất", ông Asif Mahmud, quan chức y tế địa phương, cho biết.

 Một người Bangladesh được tiêm chủng hôm 25/2. Ảnh: AFP.

Một người Bangladesh được tiêm chủng hôm 25/2. Ảnh: AFP.

Các cô gái từ nhà thổ Daulatdia phải đi 5 km tới một trung tâm y tế để nhận liều vaccine. Tuy nhiên, nhà chức trách đang có kế hoạch đặt một điểm tiêm chủng ngay tại trung tâm của cơ sở.

Trong số 1.400 phụ nữ sống tại khu nhà thổ, không nhiều người biết cách đăng ký tiêm chủng.

Mohammad Ibrahim, bác sĩ trưởng tại Daulatdia, nói nhiều chiến dịch được triển khai nhằm nâng cao nhận thức của những người sống tại khu nhà thổ, khuyến khích họ đi tiêm chủng.

"Nếu tôi không tìm đến họ, họ có lẽ sẽ không tới tiêm vaccine. Họ là nhóm không thường hòa nhập với cộng đồng chính thống và có thể bị bỏ quên. Việc khuyến khích các nhóm gặp bất lợi như họ tiêm chủng là điều rất quan trọng", bác sĩ Mahmud nói.

Một người phụ nữ 40 tuổi, biệt danh là Beauty, cho biết ban đầu cô do dự trước quyết định tiêm vaccine, một phần vì cô nghe tin đồn có người tử vong sau khi được chích ngừa.

"Nhưng các quan chức y tế bảo đảm với chúng tôi. Giờ đây chúng tôi hiểu việc tiêm chủng quan trọng bởi chúng tôi gặp rất nhiều người mỗi ngày", người phụ nữ cho biết.

Bangladesh là một trong số ít các quốc gia Hồi giáo mà mại dâm được coi là nghề hợp pháp đối với phụ nữ trên 18 tuổi. Khoảng 11 khu tổ hợp nhà thổ lớn hoạt động trên khắp đất nước 168 triệu dân này.

Beauty nói tiêm chủng sẽ giúp nâng cao thu nhập của những người làm công việc như cô, bởi trước đó khách hàng không còn đến các nhà thổ đông đúc vì lo ngại virus corona.

Tháng 3/2020, nhà chức trách cấm người ngoài tới tất cả nhà thổ, trong thời gian Bangladesh áp đặt phong tỏa toàn quốc kéo dài một tháng.

Lệnh phong tỏa giáng một đòn mạnh vào cuộc sống của những cô gái mại dâm và gia đình họ, khiến nhiều người phải sống nhờ vào đồ ăn và tiền bố thí. Nhiều cô phải bỏ nhà thổ để ra ngoài hành nghề tự do.

Jhumur Begum, lãnh đạo một hiệp hội người làm việc trong ngành tình dục ở Daulatdia, cho biết việc được tiêm chủng sẽ giúp gái mại dâm có thể tự lực kiếm sống.

"Nó (tiêm chủng) sẽ xóa bỏ nỗi sợ lây nhiễm virus từ nhà thổ ở Daulatdia. Trước đây, có những lo ngại dịch bệnh bùng phát sẽ khiến nhiều người chết tại đây", ông Begum nói.

Sự khốn khó trong đại dịch

Khi các nhà thổ đóng cửa tháng 3/2020, nhiều gái mại dâm phải rời nhà thổ để quay lại đường phố kiếm khách. Điều này làm gia tăng nguy cơ họ bị tấn công tình dục, bị lừa tiền, hay ép quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn.

"Con cái của gái mại dâm đối mặt thách thức lớn trong bối cảnh đại dịch Covid-19, bởi mẹ của chúng không thể kiếm đủ tiền mua thức ăn", Lily, chủ tịch mạng lưới người làm việc trong ngành tình dục Bangladesh, nói.

Đại dịch cũng khiến gái mại dâm dễ trở thành nạn nhân của bạo hành. Bởi không còn thu nhập, những xung đột trong quan hệ gia đình, xã hội cũng tăng lên. Các báo cáo cho thấy nhiều gái mại dâm bị bạo hành bởi chồng, bạn trai, hay chủ nhà chứa.

Một số khu nhà chứa đóng cửa khiến các cô mất đi chỗ ở, trở thành người vô gia cư. Những người không thể trả tiền thuê nhà đã bị chủ nhà đuổi ra ngoài. Họ cũng không được tiếp cận chăm sóc y tế và kiểm tra sức khỏe bởi hạn chế đi lại.

Cuộc sống của nhiều gái mại dâm lâm vào đường cùng vì dịch bệnh. Ảnh: Telegraph.

"Một số gái mại dâm dù chật vật vẫn vượt qua được giai đoạn khó khăn bởi có khoản tiền tiết kiệm nhỏ. Đa phần không thể tự nuôi sống chính mình trong đại dịch", bà Rahat Ara Nur, quan chức thuộc Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Bangladesh, cho biết.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng không có chương trình hỗ trợ đặc biệt cho gái mại dâm. Nhóm này cũng ít có khả năng tiếp cận các chương trình hỗ trợ tài chính phổ quát của chính phủ, bởi họ làm việc trong một ngành kinh tế "phi chính thức".

"Rõ ràng việc tập trung hỗ trợ người làm việc trong ngành tình dục là vấn đề cần được ưu tiên", Chương trình Liên Hợp Quốc về phòng chống HIV/AIDS cho biết.

Để trợ giúp cho gái mại dâm gặp khó khăn, Mạng lưới người làm việc trong ngành tình dục Bangladesh đã gây quỹ để hỗ trợ hơn 2.100 cô gái tại các nhà thổ trên cả nước.

Trong khi đó, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã cung cấp cho người làm việc trong các nhà thổ những nhu yếu phẩm y tế phòng chống dịch bệnh như khẩu trang, nước rửa tay.

Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cũng tài trợ các chương trình phát thanh công cộng nhằm nâng cao nhận thức về thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Tại Daulatdia, một gái mại dâm năm nay 45 tuổi cho biết vừa được tiêm liều vaccine đầu tiên hôm 24/2. Người phụ nữ nói cô đang khuyến khích các đồng nghiệp đăng ký tiêm chủng.

"Tôi nói với các cô gái là họ sẽ không thể kiếm được vaccine ở đâu khác ngay cả nếu có 1.200 USD, và điều này (tiêm ngừa) quý giá và quan trọng với họ như thế nào", người phụ nữ cho biết.

Bangladesh có kế hoạch mua 30 triệu liều vaccine AstraZeneca được sản xuất tại Viện Nghiên cứu Y khoa Serum của Ấn Độ. Nước này dự kiến nhận 68 triệu liều vaccine từ sáng kiến tiêm chủng quốc tế COVAX.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-gai-mai-dam-bangladesh-som-duoc-tiem-vaccine-covid-19-post1187916.html