Vì sao gà trống được bày trong mâm cơm cúng tổ tiên đêm giao thừa?

Người Việt thường chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn để thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên, có những câu chuyện xoay quanh nét văn hóa này không phải ai cũng biết.

1. Ý nghĩa của mâm cúng giao thừa là gì?

Tiễn đưa cái xấu, xui xẻo và đón điều may mắn trong năm mới.
Mời ông bà tổ tiên về cùng ăn tết với con cháu.
Tiễn ông Công, ông Táo.

Lễ cúng giao thừa có tên gọi khác là “Trừ tịch”. Do đó, theo người Việt, nét văn hóa truyền thống này mang ý nghĩa “khu trừ ma quỷ”. Việc cúng giao thừa thường được thực hiện vào giờ chính Tý, tức đúng 0h đêm 30 tháng Chạp. Ảnh: Hana Nguyễn.

2. Nguyên tắc 4 bát và 4 đĩa trong mâm cỗ Tết miền Bắc mang ý nghĩa gì?

Tượng trưng cho tứ trụ, 4 mùa, 4 phương.
Cầu sức khỏe trong năm mới.
Ước mong gia đình hạnh phúc, tứ đại đồng đường.

4 bát 4 đĩa (không kể xôi, nước chấm và dưa hành) là hình ảnh này tượng trưng cho tứ trụ, 4 mùa, 4 phương. Canh, chân giò hầm măng khô, mọc nấm, miến là những món được bày lên 4 bát và thường được đem ra ăn trước. Thịt gà, nem rán, bánh chưng, giò lụa đựng trong 4 đĩa sẽ thưởng thức sau. Ảnh: Bếp Thị Xu.

3. Tại sao gà trống được chọn để cúng giao thừa?

Vì gà trống là con vật tượng trưng cho làng quê Việt Nam.
Vì thịt gà là món ăn thân thuộc của người Việt Nam.
Vì gà trống liên quan đến một truyền thuyết dân gian. Trong đó, con vật này sẽ mang lại mùa màng bội thu.

Theo truyền thuyết, sau khi 9 mặt trời gây nắng hạn bị bắn hạ, mặt trời còn lại sợ hãi, bay đi mất. Lúc đó, tiếng gáy của gà trống đã khiến mặt trời tò mò ngó xuống, chiếu sáng nhân gian. Do vậy, người Việt cúng gà trống với hy vọng sẽ đánh thức mặt trời để đủ đầy ánh nắng cả năm, mang lại mưa thuận gió hòa cho nông nghiệp. Ảnh: Gogonews.cc.

4. Món ăn nào không được đặt lên mâm cúng tổ tiên ngày Tết?

Trứng gà.
Trứng vịt lộn.
Chân giò luộc.

Người Việt cho rằng ăn trứng vịt lộn vào dịp Tết sẽ mang lại nhiều điều đen đủi cho năm mới. Ngoài ra, thịt chó, ngan... cũng là biểu tượng của sự xui xẻo, kém may mắn nên mọi người thường hạn chế dùng trong những ngày này. Ảnh: Vietnamesegod.

5. Vì sao trong mâm cỗ ngày Tết luôn có đĩa dưa hành muối?

Vì dưa hành tượng trưng cho may mắn, tài lộc.
Vì dưa, hành thể hiện nét văn hóa nông nghiệp và giúp người ăn ngon miệng hơn.
Vì mọi người muốn mâm cỗ thêm nhiều màu sắc.

Đĩa dưa hành giản dị luôn có mặt trong mâm cỗ Tết, là loại nông sản dân dã, thể hiện nét văn hóa nông nghiệp của người Việt. Ngoài ra, theo y học, món ăn còn là gia vị giúp thực khách tiêu hóa tốt, cảm thấy ngon miệng hơn sau khi dùng những thực phẩm giàu chất đạm. Ảnh: Món ngon mẹ nấu.

6. Theo truyền thuyết, bánh chưng trong mâm cỗ Tết có từ bao giờ?

Thời vua Hùng.
Thời nhà Đinh.
Thời Âu Lạc.

Sự ra đời của món bánh chưng truyền thống dựa trên truyền thuyết dân gian ở thời vua Hùng thứ 6. Theo đó, vì muốn được truyền ngôi, các hoàng tử đã đi tìm sơn hào, hải vị dâng tặng vua cha. Lang Liêu, hoàng tử thứ 18 được một vị thần báo mộng: "Trời đất không có gì quý bằng hạt gạo hãy lấy gạo nặn thành hình tròn và vuông tượng trưng cho đất và trời, nhân bánh tựa công ơn sinh thành cha mẹ". Khi dâng lên, vua vô cùng hài lòng và đã truyền ngôi lại cho Lang Liêu. Ảnh: Huychau.

Bích Phương

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vi-sao-ga-trong-duoc-bay-trong-mam-com-cung-to-tien-dem-giao-thua-post1033456.html