Vì sao F-22 bất lực, không thể bám đuôi Su-35 ở Syria?

Một sĩ quan chỉ huy không quân Mỹ đã thừa nhận, F-22 Mỹ không thể quan sát và theo dõi được chiến đấu cơ Nga ở Syria.

Chỉ huy không quân Mỹ tiết lộ sốc về F-22 Raptor

Theo tiết lộ của trang tin tức hàng không Aviation Week, một chỉ huy cao cấp của không quân Mỹ đã phải thừa nhận rằng, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-22 Raptor của Không lực Hoa Kỳ đã không thể theo dõi được các phi cơ của Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga (VKS) ở Syria.

Một chỉ huy của Phi đội Trinh sát Số 95 của Hoa Kỳ đóng tại căn cứ không quân al-Dhafra ở Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) nói rằng, khi phạm vi kiểm soát của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria bị thu hẹp lại, các tiêm kích Nga có xu hướng xuất hiện ngày càng gần các chiến đấu cơ của liên minh do Mỹ lãnh đạo.

Trong những lần gặp gỡ này, lực lượng liên minh phải xác định được đối thủ là loại máy bay gì và của quốc gia nào. Nhưng theo vị chỉ huy này, không giống như các chiến đấu cơ cùng thế hệ là F-35 và các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư là F-15, F-22 không có khả năng hồng ngoại và quang học để cho phép quan sát mục tiêu vào ban đêm.

Ông cũng tiết lộ một điểm yếu chết người khác là F-22 không thể truyền dữ liệu thông qua mạng lưới trao đổi dữ liệu liên kết 16 (link 16) được sử dụng bởi máy bay phản lực khác của Mỹ. Điều này dẫn đến việc các phi công F-22 phải báo cáo thông tin quan sát (bằng mắt) trên sóng vô tuyến.

F-22 có một điểm yếu khác lớn hơn so với loại tiêm kích đàn em là F-35, F-22 thiếu màn hình hiển thị quan sát trên mũ bảo hiểm. Vị chỉ huy nói rằng, ông thường phải nhìn quanh (bằng mắt) để tìm kiếm những chiếc máy bay khác, thay vì nhìn thấy các mục tiêu được hiển thị tự động chính xác trên màn hình mũ đội đầu của phi công.

Viên chỉ huy này thừa nhận rằng, tình hình hoạt động trên không ở Syria yêu cầu thời gian phản ứng nhanh hơn so với các cuộc tập trận của Không lực Hoa Kỳ và các chiến thuật chung mà không quân Mỹ thường sử dụng. Do đó, F-22 Mỹ rất khó để phát hiện và bám đuôi các tiêm kích nhanh nhẹn của Nga.

Nói về những cuộc đụng độ với máy bay phản lực của Nga, chỉ huy đội bay nói với Aviation Week rằng, các phi công Hoa Kỳ đã cố gắng vài lần liên lạc với phi công Nga bằng các kênh truyền thông đặc biệt, nhưng những đồng nghiệp Nga thường không có phản ứng gì.

Theo người chỉ huy, không có cách nào để xác định xem các phi công Nga không sử dụng tần số liên lạc được quy định này hay là họ quyết định không trả lời liên lạc của các phi công Mỹ.

Tiêm kích thế hệ 4++ Su-35 của Nga được coi là “không lép vế” trước các chiến đấu cơ thế hệ 5 Mỹ như F-22 hay F-35

Su-35 Nga làm khó F-22 Mỹ ở Syria?

Được biết, Mỹ đã điều động nhiều loại chiến đấu cơ tiên tiến đến các căn cứ không quân của các nước đồng minh xung quanh Syria để hỗ trợ cho hoạt động tác chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria; trong đó có cả “siêu tiêm kích” F-22 Raptor.

Còn Nga cũng đã tung nhiều chiến đấu cơ tiên tiến sang Syria trợ chiến cho chính quyền của ông Assad, ví dụ như Su-25, Su-24, Su-34 hay S-30SM, Su-35. Có lẽ loại máy bay Nga đã từng gây nhiều khó khăn cho các chiến đấu cơ Mỹ được đề cập ở trên là tiêm kích đa năng Su-35.

Sukhoi Su-35 là loại chiến đấu cơ đa năng thế hệ 4++ của Nga, thuộc phiên bản nâng cấp tiên tiến nhất của dòng Flanker. Su-35 được coi là có tính năng vượt trội các chiến đấu cơ cùng thế hệ của phương Tây, tiệm cận tính năng các chiến đấu cơ thế hệ 5 của Mỹ.

Còn F-22 Raptor là máy bay chiến đấu chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5, được Lực lượng Không quân Hoa Kỳ bắt đầu đưa vào sử dụng vào năm 2005, nhưng nó đã ngừng sản xuất từ năm 2011 để ủng hộ loại máy bay “đàn em” là F-35 Lightning II. Tổng số đã có 187 F-22 chiếc đã được chế tạo.

F-22 được coi là máy bay chiến đấu chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 đầu tiên trên thế giới được đưa vào sử dụng, cho đến nay, cũng mới chỉ có F-35 của Mỹ là loại máy bay đồng hạng được sử đụng tiếp theo; còn các cường quốc khác như Nga, Trung Quốc thì vẫn đang hoàn thiện; còn Nhật Bản, Hàn Quốc mới đang chập chững phát triển.

Tuy nhiên, từ ngày được đưa vào sử dụng đến nay, mặc dù được tuyên bố là được áp dụng các công nghệ vật liệu, điện tử hàng không, vũ khí… hàng đầu thế giới nhưng F-22 vẫn bị coi là còn nhiều khiếm khuyết (ví dụ như trên đã đề cập) và không có khả năng tác chiến đa năng.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/vi-sao-f-22-bat-luc-khong-the-bam-duoi-su-35-o-syria-3347599/