Vì sao EU triệu tập hội nghị thượng đỉnh đột xuất?

Liên minh châu Âu đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đột xuất vì các vấn đề liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus, cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh.

Vào ngày 1/10, hội nghị thượng đỉnh đột xuất của EU đã bắt đầu tại Brussels, tại đó nguyên thủ các quốc gia EU đã thảo luận về các vấn đề đối ngoại và nội bộ.

Liên minh châu Âu họp đột xuất vì tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus và khu vực Nagorno-Karabakh leo thang.

Liên minh châu Âu họp đột xuất vì tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus và khu vực Nagorno-Karabakh leo thang.

“Chúng tôi sẽ thảo luận các vấn đề về tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus, vụ đầu độc Alexei Navalny và leo thang ở Nagorno-Karabakh”, ông Michel nói.

Người đứng đầu Hội đồng châu Âu cho biết, phần đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh đã thảo luận về vấn đề của liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như tình hình ở Địa Trung Hải. Theo quan điểm của ông, EU cần tạo ra không gian đối thoại mang tính xây dựng với Ankara nhằm đạt được sự ổn định và an ninh trong toàn khu vực.

Sự xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ

Trong những tháng gần đây, mâu thuẫn trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp ngày càng gia tăng do Ankara chiếm một phần thềm lục địa của Hy Lạp. Tình hình ở Địa Trung Hải đang cực kỳ căng thẳng do tranh chấp giữa hai nước khi Ankara đã đưa lực lượng hải quân đến khu vực tranh chấp, trong khi đó Athens cũng đáp trả cùng với sự hỗ trợ quân sự từ Pháp.

Kết quả là hàng chục tàu chiến của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ xếp hàng đối đầu nhau, tạo nguy cơ bùng phát một cuộc xung đột toàn diện giữa hai nước.

Không chỉ có Hy Lạp mâu thuẫn với Thổ Nhĩ Kỳ, đảo Síp cũng yêu cầu Brussels áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện tại, EU đang xem xét tất cả các phương án sao cho EU sẽ có lợi nhất. Brussels cho rằng, một cuộc đối thoại mang tính xây dựng chỉ có thể được thực hiện nếu phía Thổ Nhĩ Kỳ có những hành động phù hợp, nếu không EU sẵn sàng bảo vệ các lợi ích hợp pháp của mình.

Cuộc khủng hoảng Belarus

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Belarus chiếm một vị trí đặc biệt trong chương trình nghị sự của liên minh này. Việc Alyaksandr Lukashenka tái đắc cử tổng thống tiếp theo đã gây ra một làn sóng biểu tình lớn ở nước cộng hòa, dẫn đến những hành động cứng rắn của chính quyền đối với những người biểu tình.

EU và Hoa Kỳ không được công nhận kết quả bầu cử này, nêu rõ sự cần thiết phải tổ chức một cuộc bầu cử mới.

EU và Hoa Kỳ cũng đã chuẩn bị các biện pháp trừng phạt chống lại Minsk. Họ cũng cho biết rằng, các biện pháp trừng phạt nước này sẽ được đưa ra trong tháng 10. Riêng đối với EU, muốn đưa ra các biện pháp trừng phạt cần phải có sự đồng ý của 27 thành viên, tuy nhiên hiện nay đảo Síp đang chống lại điều này.

Vì vậy, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo EU phải thuyết phục được Síp thì các biện pháp trừng phạt mới được thông qua. Nếu các biện pháp trừng phạt Belarus được thông qua, nước này sẽ đối mặt với một loạt các vấn đề mới cả về chính trị và đối ngoại.

Xung đột Nagorno-Karabakh

Thảo luận về sự trầm trọng của tình hình ở Nagorno-Karabakh, các nhà lãnh đạo EU đã thống nhất sẽ kêu gọi các nước thứ ba không can thiệp vào tình hình ở khu vực này và kêu gọi các bên ngừng bắn.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel đã có các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo của Armenia và Azerbaijan để truyền đạt quan điểm của EU về cuộc xung đột. Brussels nhấn mạnh rằng, các bên phải ngay lập tức ngừng các hành động thù địch và phải kiềm chế đối đa.

Tình hình khu vực trở nên căng thẳng kể từ ngày 27/9, khi Baku và Yerevan liên tục cáo buộc lẫn nhau về các cuộc tấn công của đối phương khiến hàng trăm binh sĩ và dân thường bị chết. Căng thẳng tiếp tục leo thang do Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Azerbaija chống lại Armenia.

Phía Brussels đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ trong việc giải quyết cuộc xung đột này, đặc biệt EU sẵn sàng hỗ trợ các biện pháp xây dựng lòng tin giữa Baku và Yerevan. Tuy nhiên, Azerbaijan vẫn từ chối đàm phán với Armenia để giải quyết xung đột. Baku yêu cầu quân đội Armenia rút khỏi các lãnh thổ tranh chấp ở Nagorno-Karabakh, trong khi đó Yerevan không thực hiện yêu cầu này.

Chính trị gia đối lập Alexei Navalny

Trong số các chủ đề chính của hội nghị thượng đỉnh là vấn đề vụ đầu độc Alexei Navalny. Kể từ đầu tháng 9, Berlin đã tuyên bố rằng bệnh nhân được cho là đã tiếp xúc với chất độc của nhóm Novichok, nhưng không cung cấp bằng chứng.

Hiện tại, Brussels đang chờ tuyên bố của OPCW và kết luận từ một số tổ chức khác liên quan. EU sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vụ việc sau khi nhận được kết quả của quá trình trên. Có nghĩa là, các biện pháp trừng phạt chống lại Nga gần như sẽ không được thảo luận trong hội nghị lần này.

Ngoài ra, phía Moscow cũng đang tích cực tìm các bằng chứng nhằm minh oan cho mình. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov đã tuyên bố rằng, đến nay các nhà điều tra không có bằng chứng nào cho thấy sự xuất hiện của chất độc trong cơ thể của Navalny, đặc biệt là loại chất độc chiến đấu thuộc nhóm Novichok.

Khủng hoảng nội bộ

Tất cả các vấn đề trên đã được thảo luận trong ngày đầu tiên của hội nghị. Ngày thứ hai của hội nghị các nước EU sẽ thảo luận về các vấn đề nội bộ, đặc biệt là liên quan đến đại dịch COVID-19 có khả năng bùng phát trở lại ở châu Âu.

Về vấn đề kinh tế, các bên đã nhất trí thành lập gói cứu nền kinh tế. Theo đó, EU sẽ phân bổ 750 tỷ euro để hỗ trợ nền kinh tế của các quốc gia thuộc liên minh, vốn bị kiệt quệ do đại dịch.

Minh Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/vi-sao-eu-trieu-tap-hoi-nghi-thuong-dinh-dot-xuat-3419942/