Vì sao EU quan tâm tới Hội nghị Thượng đỉnh với AL?

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Liên đoàn Arab (AL) diễn ra trong hai ngày 24 và 25/2 tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập, với sự có mặt của 50 nhà lãnh đạo hai khối, trong đó có 24 Tổng thống và Thủ tướng đến từ 28 quốc gia thành viên EU.

Đây được xem là Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt lần đầu tiên diễn ra giữa EU với AL. Vậy một câu hỏi được các nhà quan sát chính trị đặt ra là vì sao EU lại quan tâm tới Hội nghị Thượng đỉnh với AL đến vậy?

Nhiều thập niên qua, nhất là những năm gần đây, khu vực Trung Đông, Châu Phi, Arab nổi lên nhiều vấn đề vô cùng phức tạp như: Xung đột sắc tộc, chiến tranh biên giới, chiến tranh xâm lược, nội chiến, nạn khủng bố… đã gây nên sự hỗn loạn, tạo ra dòng người di cư khổng lồ tràn vào các nước châu Âu, đặt ra nhiều mối nguy cơ cho lục địa già.

Đây là một trong những mối quan tâm lớn của các nước trến thế giới, trong đó có các nước Châu Âu lẫn Trung Đông, Châu Phi, Arab. Đã có nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này được các bên liên quan đưa ra nhưng trên thực tế nó vẫn chưa đạt hiệu quả, chưa như mong muốn của các nước có liên quan.

Khi thách thức trong vấn đề di cư, khủng bố hay xung đột ở khu vực, bao gồm cuộc khủng hoảng ở Syria, Libya, Yemen ngày càng gia tăng sự phức tạp, cũng như tiến trình hòa bình Trung Đông trở nên bấp bênh, nguy hiểm thì việc hai khối EU và Arab tìm đến nhau để cùng hợp tác, tìm các biện pháp giải quyết là xu thế tất yếu.

Một điểm nhấn khác, Ai Cập là đồng minh thân cận và hợp tác hiệu quả với EU trong nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế tới an ninh. Ai Cập cũng là quốc gia duy nhất ở khu vực Bắc Phi, được đánh giá là đã ngăn chặn thành công những điểm xuất phát của người di cư hướng về châu Âu bằng đường biển. Đây sẽ là cơ hội mà EU mong muốn để Ai Cập chia sẻ những kinh nghiệm của mình nhằm kiểm soát dòng người nhập cư với các nước láng giềng.

Mặc khác, EU cũng nhận thấy rằng, Ai Cập có uy tín, vị thế ngày càng tăng và vừa đảm nhận chức Chủ tịch Liên minh châu Phi 2019 (AU), là dịp tốt để gắn kết giữa EU với các nước Arab cũng như các nước Châu Phi và là cơ hội để cùng hợp tác giải quyết các mối quan tâm chung từ chính trị, an ninh và kinh tế cũng như các cuộc xung đột vũ trang ở khu vực Arab, cuộc chiến chống khủng bố, di cư, tị nạn và biến đổi khí hậu…

Đồng thời, EU muốn thông qua hội nghị thượng đỉnh lịch sử lần đầu tiên giữa hai khối nhằm tăng cường quan hệ Arab, tập trung vào một số vấn đề và thách thức chung, trong đó quan trọng nhất là chủ nghĩa đa phương. Mục tiêu chung là phát triển hợp tác chặt chẽ hơn để thực hiện hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở hai khu vực.

Trong khi đó, ưu tiên của AL tại hội nghị thượng đỉnh lần này là sự ủng hộ của EU trong giải quyết vấn đề phức tạp ở Libya, Syria và Yemen, ít nhất là về mặt tái thiết, kể cả cuộc chiến chống khủng bố, buôn lậu vũ khí.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra trước khi Hội nghị Thượng đỉnh EU - AL là hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao tổ chức ngày 5/2 để chuẩn bị văn kiện cho Hội nghị Thượng đỉnh kết thúc mà không ra được tuyên bố chung do hai bên tồn đọng bất đồng trong nhiều vấn đề.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Brussels cùng ngày, Ủy viên EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho hay 2 bên đã đạt được 95% “nền tảng chung,” bao gồm các vấn đề như "ủng hộ việc chuyển tiếp chính trị ở Syria".

Về phần mình, Tổng Thư ký AL ông Ahmed Aboul Gheit lại cho rằng vấn đề phức tạp đang xảy ra ở phía châu Âu, dù bà Mogherini cho biết vấn đề phải là ngược lại.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders cho hay EU và AL đã không thể nhất trí trong vấn đề Syria.

Ở một khía cạnh khác, hiện các nước EU vẫn căng thẳng với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman liên quan tới vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán ở Istanbul vào đầu tháng 10 năm ngoái. Nhiều nguyên thủ các nước châu Âu không muốn ngồi cùng bàn hay chụp ảnh chung với Thái tử bin Salman. Tương tự với Tổng thống Sudan Omar al-Bashir, các nước EU không muốn sự tham gia của ông Bashir vì những cáo buộc của ông về tội ác chiến tranh.

Ngoài ra, nhiều vấn đề lớn của khu vực như xung đột Israel - Palestine, vấn đề hạt nhân Iran, cuộc chiến ở Syria, khủng hoảng vùng Vịnh… gần như cả EU và AL không thể cùng hợp tác giải quyết. Đó là một trong những thách thức chung của hai khối.

Do vậy, vấn đề đặt ra tại Hội nghị Thượng đỉnh EU -AL là liệu hai bên có thu hẹp được bất đồng để tìm tiếng nói chung cùng nhau giải quyết các thách đang đặt ra hay không thì dư luận đang chờ đợi thông cáo chung vào ngày mai 25/2 được phát đi từ thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập.

Tuyết Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/vi-sao-eu-quan-tam-toi-hoi-nghi-thuong-dinh-voi-al/359763.vgp