Vì sao EU lấn cấn chưa kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ ?

Tổng thống Erdogan thúc giục EU đưa quốc gia này trở thành thành viên chính thức trong lúc căng thẳng giữa Ankara và EU tăng cao.

Ngày 22/11, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là một phần không thể tách rời của châu Âu và kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) giữ “lời hứa” chấp nhận nước này là thành viên chính thức, đài RT đưa tin.

Theo đó, quá trình đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU đã bị đình trệ từ lâu, trong khi chính quyền Ankara đã có nhiều cuộc gặp gỡ với những thành viên của tổ chức này.

"Chúng tôi coi mình là một phần không thể tách rời của châu Âu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chúng tôi sẽ im lặng trước các cuộc tấn công công khai vào đất nước của chúng tôi, trước những bất công được che giấu và các tiêu chuẩn kép" - ông Erdogan nói.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời thúc giục EU tạo mối liên kết chặt chẽ hơn với Ankara, giữ lời hứa của mình và đưa nước này trở thành thành viên chính thức của EU.

Tuyên bố này lặp lại những nhận xét mà ông Erdogan đưa ra trước đó một ngày, khi ông cho biết mục tiêu của Ankara là “xây dựng tương lai cùng châu Âu”.

Việc xem xét tư cách thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ đã được tiến hành trở lại trong những năm đầu cầm quyền của ông Erdogan. Tuy nhiên, quá trình này đã bị đình trệ do Ankara không đáp ứng được các yêu cầu của EU, đặc biệt trong lĩnh vực pháp quyền và quyền con người.

Việc gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng rơi vào bế tắc khi mối quan hệ giữa Ankara với nhiều nước thành viên EU ngày càng xấu đi

Việc gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng rơi vào bế tắc khi mối quan hệ giữa Ankara với nhiều nước thành viên EU ngày càng xấu đi

Giờ đây, lời kêu gọi của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng khó có thể trở thành hiện thực ở thời điểm hiện tại, khi mối quan hệ giữa Ankara và một số quốc gia thành viên EU đang dần xấu đi, đặc biệt những lời lẽ và hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ càng làm tăng thêm sự cách biệt giữa quốc gia này với EU.

Điển hình như hoạt động khám phá ở khu vực Đông Địa Trung Hải gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Hy Lạp và Cộng hòa Síp tuyên bố chủ quyền về dầu và khí đốt, đã tạo thêm những vết rạn mới cho mối quan hệ vốn đang tệ đi giữa các bên.

Mới đây nhất, vào giữa tháng 11 này, trong chuyến thăm khu vực ly khai phía Bắc đảo Síp, Tổng thống Erdogan tuyên bố ủng hộ việc tách vĩnh viễn đảo Síp thành hai quốc gia.

Ông Erdogan cũng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Síp sẽ không còn dung thứ cái mà ông gọi là "trò chơi ngoại giao" trong một cuộc tranh chấp quốc tế về quyền đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở Đông Địa Trung Hải.

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khiến EU nổi giận. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell nói rằng, EU sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ về hành vi thăm dò tài nguyên trái phép trên biển khi các nhà lãnh đạo EU gặp nhau vào tháng tới.

Trước đó, quan hệ giữa EU-Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã không êm đềm. Sau thỏa thuận tiếp nhận người tị nạn,Thổ Nhĩ Kỳ hiện là điểm dừng chân của 4,1 triệu người tị nạn, phần lớn đến từ Syria. Điều này đặt nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trước sức ép nhất định, trong khi quyền lợi từ EU bị cho là không tương xứng: Các khoản tài trợ chẳng thấm tháp so với khoản tiền 40 tỷ USD Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định đã chi cho người tị nạn; tiến trình đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ bế tắc, trong khi Brussels chỉ trích luật chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ và lấy đó làm rào cản trở thành thành viên EU.

Tất nhiên, Tổng thống Tayyip Erdogan không ngồi yên, khi đơn phương tuyên bố mở cửa biên giới cho người tị nạn tới EU hồi tháng 3, khi dịch Covid-19 tại châu Âu đang vào cao điểm. Động thái này khiến Brussels nổi giận, khẳng định Ankara đi ngược với những gì từng cam kết, khiến quan hệ song phương nguội lạnh tới giờ.

Riêng Tổng thống Erdogan cũng vướng vào cuộc tranh cãi gay gắt với lãnh đạo của một trong những thành viên lớn nhất EU là nước Pháp, RT cho biết.

Các quan chức hàng đầu nước Pháp, bao gồm Tổng thống Emmanuel Macron, đã thề sẽ loại bỏ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sau một loạt các vụ tấn công khủng bố chết người và khủng khiếp ở quốc gia này gần đây.

Trong khi đó, Tổng thống Erdogan nhiều lần đả kích người đồng cấp Pháp, cho rằng ông Macron cần kiểm tra lại “sức khỏe tâm thần” trước lập trường của ông về Hồi giáo, công khai kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ tẩy chay hàng hóa Pháp.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/vi-sao-eu-lan-can-chua-ket-nap-tho-nhi-ky--3423044/